17:17 10/09/2018

Cẩn trọng tránh "hở sườn" trong cam kết mở cửa hội nhập

Duyên Duyên

"Đôi khi chúng tôi cũng băn khoăn là tốc độ đi như vậy có quá nhanh không? Hoặc chúng ta nhìn lại có điều gì đó cần lưu ý không?"

Cần phải có sự chuẩn bị nội lực để đảm bảo thị trường trong nước được giữ vững, ổn định, tránh khả năng có những cái “hở sườn” - Ảnh minh họa.
Cần phải có sự chuẩn bị nội lực để đảm bảo thị trường trong nước được giữ vững, ổn định, tránh khả năng có những cái “hở sườn” - Ảnh minh họa.

Một trong những cái "hở sườn" mà ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đề cập đến có thể nhìn thấy ở một số ngành như phân phối, thực phẩm.

Tại một hội thảo liên quan đến tạo thuận lợi thương mại ở Việt Nam được tổ chức sáng 10/9, ông Trần Thanh Hải đã có những chia sẻ liên quan đến quá trình gia nhập các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, đặc biệt là các FTA.

Theo đó, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, tốc độ tham gia tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua là rất nhanh. Cụ thể, nếu tính điểm khởi đầu khi gia nhập ASEAN vào năm 1996, thì gần 10 năm sau (2007) Việt Nam mới gia nhập WTO.

Tuy nhiên, tính từ thời điểm 2007 đến nay là 11 năm, Việt Nam đã liên tục tham gia các Hiệp định thương mại tự do, và ký kết đến 17 FTA và CPTPP.

"Với chu kỳ 11 năm như vậy, tốc độ tham gia các hiệp định thương mại tự do nói riêng và kinh tế nói chung rất nhanh, thể hiện bước đi rất mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách đổi mới", ông Hải nhận định.

Đánh giá riêng về Hiệp định FTA thế hệ mới, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định đây là sự tiếp nối của tiến trình hội nhập đã trải qua trước đây và tại các FTA thế hệ mới, các cam kết sẽ sâu hơn, cụ thể hơn.

Ông Hải lấy ví dụ như các mức thuế, nếu như trước đây mức thuế có thể giảm từ 5-10% nhưng hiện nay sẽ xuống 0%. Riêng các dòng thuế trước đây giảm xuống 70-80% thì hiện nay lên tới 95-100%.

Cùng với đó, phạm vi của các hiệp định FTA cũng sẽ mở rộng hơn, không chỉ bó hẹp ở thuế hay hàng hóa mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ, trí tuệ, môi trường, lao động...

"Dưới góc độ Bộ Công thương, khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do như FTA luôn mong muốn mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam. Điều này thể hiện một phần qua tốc độ tăng trưởng con số xuất khẩu của thời gian qua.

Chẳng hạn như so sánh với thời điểm tham gia ASEAN, rồi sau đó ký FTA với Hoa Kỳ và tham gia vào WTO tới thời điểm hiện nay thì sau mỗi chu kỳ như vậy vào khoảng 6-7 năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng lại hơn 3 lần. Điều đó phản ánh việc tham gia vào các hiệp định thương mại mang lại lợi ích rất rõ", ông Hải nói.

Ngoài xuất khẩu, đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định, các tác động đối với nền kinh tế trong nước cũng được thể hiện rất rõ rệt thông qua việc thu hút đầu tư nước ngoài và tái cấu trúc cơ cấu nền kinh tế. Với chủ trương hiện nay, Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng công nghiệp, chế biến, chế tạo, nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu, dần dần giảm tỷ trọng của các mặt hàng nguyên liệu, khoáng sản thô, ít qua chế biến.

Một lợi ích khác khi tham gia Hiệp định thương mại, theo ông Hải, là áp lực khiến tư duy quản lý của nhà nước và doanh nghiệp hiện nay phải thay đổi đồng bộ. Các doanh nghiệp thay đổi trước hết, sau đó các cơ quan nhà nước cũng phải có sự thay đổi để bắt kịp, hỗ trợ doanh nghiệp.

"Đôi khi chúng tôi cũng băn khoăn là tốc độ đi như vậy có quá nhanh không? Hoặc chúng ta nhìn lại có điều gì đó cần lưu ý không?", ông Hải trăn trở.

Mặc dù lợi ích lớn, nhưng những thách thức từ việc gia nhập các hiệp định thương mại, theo ông Trần Thanh Hải cũng là không hề nhỏ.

Thách thức đầu tiên mà Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đề cập đến là chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng đã có tác động trước hết đối với Việt Nam, một nền kinh tế đang có sự hội nhập nhanh. Với việc phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu thì khi với chủ nghĩa bảo hộ được dựng lên đã trở thành bức tường đối với Việt Nam.

Thứ hai, mở cửa giúp Việt Nam tăng cường xuất khẩu hàng hóa, nhưng cũng khiến hàng hóa các nước khác tràn vào Việt Nam. Cho nên cần phải có sự chuẩn bị nội lực để đảm bảo thị trường trong nước được giữ vững, ổn định, tránh khả năng có những cái "hở sườn" khi mở cam kết với bên ngoài, đó là những cái bất lợi mà không kịp ứng phó.

"Hiện nay, đâu đó đã nhìn thấy cái hở sườn trong một số lĩnh vực như ngành phân phối, thực phẩm. Đây cũng là vấn đề mà Bộ Công thương và các cơ quan nhà nước đang cân nhắc để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời", ông Trần Thanh Hải cho biết.