10:50 07/01/2019

Chăn nuôi đặt mục tiêu vào nhóm xuất khẩu tỷ USD năm 2020

Chu Khôi

Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp phải phấn đấu trong 10 năm nữa, đưa Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu ngành thủy sản phải phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 4,69% trong năm 2019 và kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 10,5 tỷ USD.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu ngành thủy sản phải phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 4,69% trong năm 2019 và kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 10,5 tỷ USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành kịch bản tăng trưởng ngành nông nghiệp 2019 và kế hoạch hành động để đạt được kịch bản đề ra. Theo đó, năm nay phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản lên 43 tỷ USD (tăng 3 tỷ USD so với năm 2018), trong đó: sản phẩm trồng trọt 21 tỷ USD; sản phẩm chăn nuôi 0,8 tỷ USD; thủy sản 10,5 tỷ USD; lâm sản 10,5 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng khác.

Ngày 1/1/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Tại Hội nghị tổng kết năm của ngành nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp phải phấn đấu trong 10 năm nữa, đưa Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ.

1 ha cho 100 triệu đồng lợi nhuận

Kịch bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt 21 tỷ USD, giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất trồng trọt đạt 100 triệu đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường. Tiếp tục chuyển đất lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn hoặc nuôi trồng thủy sản phù hợp với sinh thái của địa phương; phát triển sản xuất rau, hoa công nghệ cao, cây dược liệu. 

Năm 2019 sẽ giảm nhẹ sản lượng lương thực xuống 48,5 triệu tấn. Trong đó, sản lượng lúa giảm 200 nghìn tấn so với năm 2018, ước khoảng 43,77 triệu tấn trong năm 2019; sản lượng ngô sẽ đạt khoảng 4,76 triệu tấn, giảm 2,8%; sắn khoảng 9,76 triệu tấn, giảm 1,8% so với năm ngoái.

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiếp tục phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật. Tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm.

Đối với ngành chăn nuôi, phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 4,15% trong năm 2019; tổng sản lượng thịt các loại 5,59 triệu tấn, tăng 4,1% so với năm 2018. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi khoảng 3,96 triệu tấn, tăng 4%; sản lượng thịt gia cầm khoảng 1,16 triệu tấn, tăng 5,7%; sữa khoảng 1,05 triệu tấn, tăng 9,3%; trứng các loại khoảng 12,57 tỷ quả, tăng 6,6%. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực. Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi từ 550 triệu USD trong năm 2018 lên 800 triệu USD trong năm 2019, và năm 2020 ngành chăn nuôi sẽ chính thức vào nhóm sản phẩm tỷ USD.

Thủy sản và lâm sản đem về 21 tỷ USD

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu ngành thủy sản phải phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 4,69% trong năm 2019, tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,08 triệu tấn (tăng 4,2% so với năm 2018), kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 10,5 tỷ USD. Hoạt động khai thác thủy sản phải thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp "thẻ vàng" của EC. 

Trong nuôi trồng thủy sản, phát triển mạnh nuôi các đối tượng chủ lực, trọng tâm là nuôi tôm, cá tra và nuôi biển. Giữ ổn định diện tích nuôi tôm sú 620 nghìn ha, duy trì diện tích nuôi tôm chân trắng khoảng 105 nghìn ha, tạo động lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển ngành tôm đạt 4,5 tỷ USD vào năm 2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao chỉ tiêu cho ngành lâm nghiệp trong năm 2019 phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 6,0%; khai thác gỗ từ rừng trồng đạt 17 triệu m3 (tăng 8,0% so với năm 2018); kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10,5 tỷ USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao nhiệm vụ cho Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phải tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. 

Các cơ quan chức năng phải nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc...), kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài. 

Duy trì xúc tiến quảng bá các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn thực phẩm thông qua các hội chợ triển lãm nông nghiệp lớn trong nước, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các địa phương theo chuỗi liên kết; đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Tham gia các hội chợ quốc tế lớn ngành nông nghiệp tại các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, Hoà Kỳ, EU, Nhật Bản), tiềm năng (ASEAN, Liên bang Nga, Trung Đông) để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đang có triển vọng còn dư địa mở rộng thị trường.