15:52 28/08/2018

Châu Á cần hơn nửa triệu phi công, tiếp viên hàng không trong 2 thập kỷ tới

Ngọc Trang

Nhu cầu về phi công, kỹ thuật viên và tiếp viên hàng không của châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm 1/3 tổng cầu trên toàn cầu trong 20 năm tới

Để đáp ứng nhu cầu lớn, các hãng hàng không và nhà sản xuất máy bay như Airbus và Boeing đã thành lập nhiều trung tâm đào tạo phi công.
Để đáp ứng nhu cầu lớn, các hãng hàng không và nhà sản xuất máy bay như Airbus và Boeing đã thành lập nhiều trung tâm đào tạo phi công.

Theo dự báo của nhà sản xuất máy bay Mỹ Boeing, các hãng hàng không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần số lượng phi công, kỹ thuật viên và tiếp viên hàng không lớn nhất thế giới trong vòng 20 năm nữa do tăng trưởng kinh tế đẩy nhu cầu đi lại lên cao, hãng tin Bloomberg cho biết.

Cụ thể, khu vực này sẽ cần thêm 240.000 phi công máy bay thương mại, 242.000 kỹ thuật viên và 317.000 tiếp viên hàng không trong thời gian từ năm 2018 đến 2037, chiếm tới hơn 1/3 tổng nhu cầu toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc sẽ cần hơn một nửa trong số này. 

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, số lượng hành khách di chuyển bằng hàng không tại châu Á - Thái Bình Dương được dự báo tăng gấp đôi vào năm 2036 nhờ kinh tế phát triển mạnh mẽ. Sự xuất hiện của các hãng hàng không giá rẻ sẽ giúp ngày càng nhiều người có cơ hội bay. 

Để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh đó, các hãng hàng không và nhà sản xuất máy bay như Airbus và Boeing đã thành lập nhiều trung tâm đào tạo phi công. 

"Nhu cầu phi công tại khu vực này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới", Keith Cooper, phó chủ tịch dịch vụ việc làm và đào tạo của Boeing Global Services, nói trong một thông cáo.

Dù số lượng phi công và kỹ thuật viên dự báo sẽ cần thêm này giảm nhẹ so với triển mọng 20 năm công bố trước đó của Boeing, điều này không có nghĩa nhu cầu đi lại bằng máy bay giảm. 

Xu hướng các phi công trẻ gia nhập thị trường sớm được dự báo giúp quá trình thay thế nhân lực diễn ra chậm hơn. Trong khi đó, những cải tiến về kỹ thuật của máy bay giúp giảm số giờ cần để bảo dưỡng, Boeing cho biết. 

Trong một báo cáo khác, Boeing dự báo sẽ giao 16.930 máy bay mới trị giá 2,67 nghìn tỷ USD tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 2 thập kỷ tới. Trong khi đó, trên toàn cầu, hãng này dự báo sẽ giao tổng cộng 42.730 máy bay mới với tổng giá trị 6,35 nghìn tỷ USD trong cùng giai đoạn.