17:32 07/11/2017

Chi 1,2 tỷ đồng quảng cáo mỗi ngày, Habeco vẫn tiếp tục thất thế

Kiều Linh

Mạnh tay hơn chi cho quảng cáo, nhưng cả doanh thu và lợi nhuận Habeco chưa thoát khỏi đà sụt giảm

Lợi nhuận và doanh thu Habeco tiếp tục sụt giảm dù đẩy mạnh quảng cáo.
Lợi nhuận và doanh thu Habeco tiếp tục sụt giảm dù đẩy mạnh quảng cáo.

Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán BHN - HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017 đã được soát xét.

Kết quả kinh doanh cho thấy, trong quý 3, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Habeco đạt gần 3.000 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2016.

Lợi nhuận sau thuế đạt 317 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong phần giải trình lợi nhuận quý 3 sụt giảm, ông Vương Toàn, Phó tổng giám đốc Habeco cho hay, nguyên nhân là do sản lượng tiêu thụ của Habeco và các công ty con giảm so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Habeco ghi nhận tăng chi phí các khoản dự phòng phải trả tiền phạt có thể bị truy thu liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn từ 2012-2012. Tổng số tiền phạt dự tính là 181 tỷ đồng, trong đó, 150 tỷ đồng đã đưa vào chi phí năm 2016, và 31 tỷ đồng đưa vào chi phí quý 3 năm 2017.

Đáng lưu ý, từ đầu năm đến nay, Habeco đã mạnh tay hơn chi cho quảng cáo, nhằm đẩy mạnh lượng tiêu thụ, tăng doanh thu lợi nhuận.

Chỉ riêng trong quý 3, Habeco đã chi 104 tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ. Trong 9 tháng qua, tổng cộng số tiền mà Habeco chi cho dịch vụ quảng cáo lên đến 327 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày, Habeco chi 1,2 tỷ đồng cho dịch vụ quảng cáo.

Tuy vậy, số tiền Habeco chi cho quảng cáo mới chỉ bằng non nửa so với Sabeco (9 tháng qua, Sabeco chi 870 tỷ đồng quảng cáo).

Luỹ kế 9 tháng năm 2017, doanh thu thuần của Habeco vẫn trên đà sụt giảm, xuống còn 7.200 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 17% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 613 tỷ đồng.

Trong những năm gần đây, Habeco gặp nhiều khó khăn bởi sức ép cạnh tranh từ các đối thủ ngoại như Heineken, Sapporo, Budweiser… hay từ chính đối thủ trong nước là Sabeco.

Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), thị phần của Habeco đã giảm liên tục trong 6 năm gần đây, từ mức gần 20% năm 2010 xuống còn 18%.

Doanh thu và lợi nhuận liên tiếp sụt giảm, nhưng Habeco vẫn quyết định tăng lương và thưởng cho bộ máy lãnh đạo.

Theo kế hoạch mức tiền lương và thù lao được đại hội cổ đông thường niên 2017 thông qua, năm nay, Habeco dự chi 3.676 tỷ đồng cho thành viên Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát.

Như vậy, bình quân, mỗi lãnh đạo Habeco sẽ nhận được khoảng 334 triệu đồng/người/năm, tương đương với 27,8 triệu đồng/người/tháng trong năm 2017. Mức chi này cao hơn 1.120 tỷ đồng so với năm 2016, tương ứng với tăng 44%.