19:10 05/11/2019

Chi phí quảng cáo, khuyến mại tăng "bằng lần", lợi nhuận của "ông lớn" ngành bia Habeco sa sút

KIỀU LINH

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 năm 2019 của Habeco đạt 80 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm 2018. Trước đó quý 2 năm 2019, Habeco đã có mức lợi nhuận rất tốt

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Sau cú bật tăng trưởng lợi nhuận trở lại vào quý 2 vừa qua, Tổng công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội - Habeco (mã chứng khoán BHN - HOSE) lại rơi vào đà kinh doanh sa sút kể từ quý 3 năm 2018 tới nay.

Báo cáo tài chính riêng mới được Habeco công bố ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3/2019 đạt 1.839,7 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng gấp đôi cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn 98 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm 2018 Habeco ghi nhận lợi nhuận thuần 229,7 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 năm 2019 của Habeco đạt 80 tỷ đồng, giảm 57%, trong khi quý 3 năm 2018 ghi nhận 187 tỷ đồng, quý 2 năm 2019 ghi nhận 241 tỷ đồng.

Luỹ kế từ đầu năm 2019 đến nay, Habeco ghi nhận doanh thu 4.832 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng giai đoạn năm 2018. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 398 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. 

Giải trình lợi nhuận sụt giảm, ban lãnh đạo công ty cho biết, nguyên nhân chủ yếu do Habeco tập trung đẩy mạnh các chương trình quảng cáo, khuyến mại 6 tháng cuối năm 2019 bao gồm các chương trình tăng cường nhận diện thương hiệu mới, phát triển sản phẩm bia Bold và Light hướng tới giới trẻ. Do đó, chi phí bán hàng tăng 228,2 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ của Habeco từ đầu năm 2019 đến nay đã chi 463,6 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng năm 2018, Habeco chi 133 tỷ đồng cho danh mục này. 

Tính đến 30/9/2019, tổng tài sản của Habeco 7.235 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số đầu năm, trong đó, tài sản ngắn hạn của Habeco là 4.678 tỷ đồng, tài sản dài hạn 2.557 tỷ đồng. Nợ phải trả của Habeco giảm nhẹ còn 3.046 tỷ đồng, trong đó có đến 95% là nợ ngắn hạn. 

Tại báo cáo tài chính kỳ này, kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ với Habeco. Theo kiểm toán, tổng công ty đã điều chỉnh ghi nhận tăng thu nhập hoạt động tài chính khoản cổ tức được chia từ Công ty Cổ phần Cồn rượu Hà Nội với giá trị 90,6 tỷ đồng vào báo cáo tài chính riêng năm 2016 theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước tại báo cáo ngày 6/2/2018.

Tuy nhiên, đến thời điểm phát hành báo cáo, kiểm toán chưa nhận được các quyết định của Công ty Cổ phần Cồn rượu Hà Nội về việc thực hiện theo kiến nghị trên.

"Do đó, trong trường hợp Công ty Cổ phần Cồn rượu Hà Nội không thực hiện theo kiến nghị trên của Kiểm toán Nhà nước thì các khoản mục phải thu ngắn hạn khác, phải trả ngắn hạn khác trên bảng cân đối kế toán riêng đầu năm và cuối kỳ sẽ giảm tương ứng", kết luận của kiểm toán nêu rõ.

Tổng Công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội tiền thân là Tổng công ty Bia - Rượu - Giải khát Hà Nội được thành lập ngày 6/5/2003 thuộc Bộ Công Thương. Tổng công ty chính thức chuyển đổi hình thức từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần từ năm 2008.

Cơ cấu cổ đông của Habeco cô đặc với hai nhóm cổ đông chính chiếm tới hơn 99% vốn chủ sở hữu. Phần vốn góp của nhà nước đại diện là Bộ Công Thương chiếm 81,8% vốn và đại gia trong ngành bia của Đan Mạnh Carlsberg giữ 17,5% cổ phần.

Mới đây nhất, Habeco đã nhận được đơn xin tư chức thành viên hội đồng quản trị của ông Stefano Clini và đơn xin từ chức thành viên Ban kiểm soát của ông Bùi Hữu Quang.