08:00 08/12/2017

Chiến lược bán "hàng hiệu" trên sàn chứng khoán

Hoàng Xuân

Để cán đích 60.000 tỷ đồng thoái vốn trong năm 2017 như nghị quyết của Chính phủ đề ra, cần thêm nhiều hơn nữa các thương vụ thành công như Vinamilk

VNM hiện được xem là cơ sở so sánh để định giá các công ty ngành hàng tiêu dùng khác.
VNM hiện được xem là cơ sở so sánh để định giá các công ty ngành hàng tiêu dùng khác.

Những thương vụ thoái vốn quy mô lớn của các doanh nghiệp đầu ngành diễn ra trong 2 tháng 11 và 12 đã kích hoạt sự quan tâm của thị trường. Sau thành công ngoài kỳ vọng của giao dịch thoái vốn Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM) diễn ra ngày 10/11, thị trường một lần nữa đã chứng minh: nếu có hàng tốt và mức giá hợp lý thì chắc chắn thị trường sẽ chào đón.

Với giá đấu thành công cổ phiếu VNM là 186.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 7% so với giá thị trường ngày đấu giá 10/11/2017, phiên đấu giá 3,3% cổ phần của SCIC tại Vinamilk (mã: VNM-HOSE) đã thành công ngoài kỳ vọng.

Theo đó, 1 nhà đầu tư ngoại là Platinum Victory, công ty con có vốn 100% của Jardine Cycle & Carriage (JC&C) đã mua toàn bộ 48.333.400 cổ phiếu VNM, tương đương 3,33% vốn điều lệ của VNM. Trước đó, Platinum Victory đã mua 2,2% vốn cổ phần VNM có thể đã mua trên sàn vào tuần trước khi phiên đấu giá diễn ra.

Thêm cổ đông lớn, thêm sự ổn định 

Kết thúc phiên chào bán cạnh tranh diễn ra ngày 10/11/2017, giá đấu thành công của VNM cao hơn so với dự báo của giới phân tích cho thấy mức độ quan tâm lớn từ nhà đầu tư và báo hiệu tốt cho thương vụ bán cổ phần tại Sabeco (mã: SAB-HOSE) và Habeco (mã: BHN-HOSE).

"VNM hiện được xem là cơ sở so sánh để định giá các công ty ngành hàng tiêu dùng khác. Đây là thông tin tốt đối với cả cổ phiếu VNM và rộng hơn là với thị trường trong ngắn hạn", khối phân tích Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) bình luận.

Kể từ sau ngày chào bán cạnh tranh 10/11, giá cổ phiếu VNM đã tăng mạnh và đạt mức 204.800 đồng/cổ phiếu vào cuối giờ sáng ngày 4/12/2017, tăng hơn 32% so với đầu tháng và tăng 61% so với đầu năm. VNM cũng đóng góp phần đáng kể vào thành quả vốn hoá cán mốc 200 tỷ USD hiện nay của sàn HOSE.

Trong đó, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường cổ phiếu Việt Nam là VNM đứng ở vị trí 20 với mức tăng trưởng trên 23,6% đạt gần 270.000 tỷ đồng, tỷ trọng của VNM đối với toàn sàn HOSE là 10,75%.

Sau khi bán đấu giá 3,33% cổ phần VNM, tỷ lệ sở hữu của SCIC giảm từ 39,33% xuống 36%. Hiện cổ đông lớn thứ 2 vẫn là F&N với 18,74% cổ phần. Platinum Victory trở thành cổ đông lớn thứ của VNM với sở hữu 10,03% cổ phần (tính đến ngày 1/12/2017).

"Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý cổ phiếu VNM là 175.500đ, tương đương P/E dự phóng năm 2018 là 23 lần. Thông tin Jardine mua một lượng lớn cổ phần trong phiên đấu giá của SCIC tuần trước là thông tin tích cực, vì VNM đã có thêm một nhà đầu tư tài chính dài hạn với bề dày kinh nghiệm.

Giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong ngắn hạn và có thể sẽ phải củng cố trước khi tăng tiếp. Tuy nhiên triển vọng tăng trưởng của ngành sữa vẫn tích cực và chúng tôi dự báo ngành sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân năm là 10% trong dài hạn. VNM sẽ tiếp tục duy trì được thị phần và có thể sẽ tham gia vào lĩnh vực/thị trường mới trong tương lai", khối phân tích HSC đưa ra nhận định.

Nhiều năm nay, JC&C đã đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mua cổ phần tại các doanh nghiệp lớn như: mua 25,1% cổ phần Trường Hải và 22,9% cổ phần REE. Công ty mẹ của JC&C là Jardine Matheson cũng nắm cổ phần của nhiều doanh nghiệp hoặc thương hiệu nhượng quyền tại Việt Nam như ACB, KFC Vietnam, Pizza Hut; cùng một số bất động sản.

Bình luận thêm về cổ đông này, giới phân tích cho rằng, việc Jardine trở thành nhà đầu tư lớn của VNM sẽ giúp làm tăng thêm tính ổn định cho VNM vì định chế này thường được xem là nhà đầu tư dài hạn. Đ

ồng thời còn có thể tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp bằng nhiều cách; đồng thời, việc này cũng cho thấy nhận định chỉ có nhà đầu tư Thái Lan tiến hành việc thâu tóm thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng ở Việt Nam là không hoàn toàn chính xác.

Muốn bán hàng hiệu, phải có chiến lược

Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến thừa nhận rằng, có nhiều điều bất ngờ trong thoái vốn năm nay.

Trong khi có nhiều cuộc thoái vốn diễn ra trong năm không hoàn thành thì cũng có những cuộc thoái vốn vào cuối năm đạt được kết quả ngoạn mục.

Điều này đã giải toả được lo lắng khi thoái vốn mới đi được một nửa chặng đường và nhiều ý kiến cho rằng thời kỳ thoái vốn tập trung nhất vào tháng 11, 12 tạo áp lực nguồn cung và ảnh hưởng tới kết quả của các giao dịch.

"Sau thành công thoái vốn VNM, SCIC đã và đang tiếp tục đẩy mạnh việc thoái vốn với hàng loạt các  doanh nghiệp có tiềm lực như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Domesco và FPT, Vinaconex đang được tiến hành gấp rút và tạo ra sự sôi động cho thị trường chứng khoán. Mới đây nhất là thông báo của Bộ công thương về việc thoái vốn Sabeco", ông Tiến cho biết.

Trước đó, nhiều ý kiến không khỏi băn khoăn khi có quá nhiều nguồn cung ra thị trường trong thời gian ngắn trong khi sức cầu của thị trường lại có hạn, ảnh hưởng sự thành ông của các giao dịch.

Vì vậy theo Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC Nguyễn Đức Chi, việc Tổng công ty quyết định đưa doanh nghiệp nào ra thị trường, vào thời điểm nào đều được bàn bạc rất kỹ chứ không phải cứ ra thị trường, còn việc bán được hay không không quan tâm.

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc bán được ở đây hàm ý: việc thoái vốn Nhà nước ở doanh nghiệp phải xem xét cụ thể với trường hợp cụ thể, phương án thoái vốn, tỷ lệ thoái vốn của từng doanh nghiệp, thì chúng ta mới kỳ vọng thương vụ đó thành công trên nhiều phương diện", ông Chi nói.

"Nhiều hàng hóa hấp dẫn cùng chào sàn sẽ khiến cán cân cung cầu bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, bên cạnh sự quyết liệt trong công tác thoái vốn của các bộ, ngành và SCIC thì những tính toán về thời điểm bán, cách thức tiếp cận thị trường là cần thiết để đảm bảo tính khả thi cũng như tối đa hóa lợi nhuận phần vốn nhà nước", ông Chi nhấn mạnh.

Để cán đích 60.000 tỷ đồng thoái vốn trong năm 2017 như nghị quyết của Chính phủ đề ra, cần thêm nhiều hơn nữa các thương vụ thành công như Vinamilk.  

Theo bà Nguyễn Thị Hương Giang, Giám đốc phụ trách phía Nam - Khối Dịch vụ Ngân hàng đầu tư, Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), việc tháo gỡ một số hạn chế liên quan tới quy chế đấu giá đối với nhà đầu tư nước ngoài là một trong những điểm cộng đầu tiên giúp cho cuộc đấu giá năm nay thành công.

Ngoài ra, việc giới thiệu Vinamilk đến với các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các buổi roadshow được tổ chức tại Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) đã được đơn vị tư vấn phối hợp với SCIC và Vinamilk thực hiện rất chuyên nghiệp, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, đại diện đơn vị tư vấn cũng cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy cơ hội và tiềm năng tăng trưởng thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung nhờ các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế đang ổn định và có sự tăng trưởng tốt.

Việc xác định giá khởi điểm ở mức giá thị trường tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia, dẫn đến cạnh tranh về giá, là yếu tố dẫn đến việc giá thành công cao.

Nếu như giá khởi điểm xác định ở mức cao hơn giá thị trường, sẽ cản trở nhiều nhà đầu tư tài chính tham gia, và nếu lượng đăng ký không vượt lượng bán, thì nhà đầu tư chỉ cần bỏ ngay giá khởi điểm. Khi lượng đăng ký vượt cầu, sẽ tạo sự cạnh tranh về giá giữa các nhà đầu tư.

Bên cạnh những yếu tố khách quan trên, thì yếu tố chủ quan đến từ nội tại Công ty cũng là một điểm sáng giúp đem đến thành công cho cuộc đấu giá vừa qua.

Với lợi thế về thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến, chất lượng sản phẩm uy tín, hệ thống phân phối rộng khắp và tiềm năng tài chính vững mạnh, Vinamilk luôn khẳng định vị trí và vai trò dẫn đầu trong ngành sữa Việt Nam trong suốt hơn 40 năm qua và giữ vị trí hàng đầu về thị phần theo sản lượng ở tất cả các phân khúc sản phẩm.