18:06 04/06/2019

Chiến tranh thương mại: “Vũ khí” đất hiếm của Trung Quốc có thực sự đáng sợ?

Bình Minh

Một số chuyên gia ở Phố Wall nói rằng đất hiếm khó có khả năng trở thành “nhân tố thay đổi cuộc chơi” trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Một mỏ đất hiếm ở Giang Tô, Trung Quốc - Ảnh: Getty/CNBC.
Một mỏ đất hiếm ở Giang Tô, Trung Quốc - Ảnh: Getty/CNBC.

Gần đây, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trở nên căng thẳng hơn khi Bắc Kinh dọa dùng vị thế thống lĩnh của mình trên thị trường đất hiếm toàn cầu để trả đũa Washington. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, việc Trung Quốc sử dụng đất hiếm làm "vũ khí" chiến tranh thương mại có thể sẽ không "đáng sợ" như suy nghĩ của nhiều người.

Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ sử dụng phương thức nào để gây khó dễ cho Mỹ bằng đất hiếm. Tuy nhiên, hãng tin CNBC dẫn ý kiến một số chuyên gia ở Phố Wall nói rằng đất hiếm khó có khả năng trở thành "nhân tố thay đổi cuộc chơi" mà các nhà đàm phán thương mại Trung Quốc sở hữu.

"Nhìn chung, chúng tôi cho rằng ảnh hưởng đối với Mỹ sẽ chỉ ở mức độ hạn chế. Đó là lý do vì sao chúng tôi hoài nghi về khả năng Bắc Kinh sẽ thực hiện lời đe dọa" về đất hiếm đối với Mỹ - các nhà phân tích Ed Mills và Pavel Molchanov của ngân hàng đầu tư Raymond James viết trong một báo cáo ra ngày thứ Hai.

Tuần trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo rằng nước này có thể sớm dừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Lời đe dọa được đưa ra sau khi Mỹ nâng thuế áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và tung lệnh cấm nhằm "triệt hạ" hãng công nghệ Huawei.

Đất hiếm là một nhóm gồm 17 khoáng sản được sản xuất với khối lượng khá hạn chế so với những kim loại như đồng. Đất hiếm trở nên quan trọng hơn trong những năm gần đây do được sử dụng nhiều trong các sản phẩm công nghệ cao, thiết bị quốc phòng, xe hơi chạy điện…

Năm 2018, Trung Quốc chiếm khoảng 70% sản lượng đất hiếm toàn cầu, dẫn tới nhiều chuyên gia vào tuần trước bày tỏ lo ngại về tương lai của những ngành công nghiệp Mỹ phụ thuộc vào đất hiếm.

Tuy nhiên, theo Raymond James, Mỹ chỉ chiếm 9% tổng nhu cầu đất hiếm dùng cho ngành chế biến-chế tạo trên toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ chỉ phải chi 160 triệu USD, một số tiền khá "khiêm tốn", để nhập khẩu đất hiếm cho sản xuất trong năm 2018.

"Lý do ở đây khá rõ ràng: Mỹ có năng lực hạn chế về sản xuất những sản phẩm công nghệ gắn nhiều nhất với đất hiếm. Những sản phẩm điện tử tiêu dùng như máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, TV màn hình phẳng… và nhiều sản phẩm công nghiệp như pin xe điện, turbine gió, máy phát tia lazer, cáp quang… đều không phải sản phẩm sản xuất tại Mỹ với quy mô như ở Trung Quốc hay nhiều nước châu Á khác", báo cáo của Raymond James viết.

Một báo cáo khác của Wells Fargo Investment Institute thì nói rằng nếu Trung Quốc dùng biện pháp hạn chế về đất hiếm với Mỹ, thì lệnh cấm đó có thể sẽ khiến các nhà sản xuất sử dụng đất hiếm ở Mỹ gặp thách thức lớn, do chi phí sản xuất tăng và thậm chí dây chuyền rơi vào tê liệt.

Tuy nhiên, Wells Fargo Investment Institute cũng cho rằng điều này chưa chắc đã mang lại cho Bắc Kinh một con bài quan trọng trong đàm phán thương mại. Đó là bởi Trung Quốc khó có thể làm được gì nhiều hơn việc cấm cung cấp đất hiếm cho các nhà sản xuất Mỹ. Ngoài việc này ra, Trung Quốc không thể áp việc cấm xuất khẩu các sản phẩm có đất hiếm sang Mỹ.

"Chúng tôi không cho là Trung Quốc có thể áp hạn chế đất hiếm đối với các sản phẩm tiêu dùng - những sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc ngày càng nhiều và xuất khẩu ra khắp thế giới. Làm như vậy chẳng khác gì Trung Quốc ‘tự bắn vào chân mình’", ông John LaForge, trưởng bộ phận chiến lược tài sản thuộc Wells Fargo Investment Institute, nhận định trong một báo cáo vào tuần trước.

Ảnh hưởng có thể lớn hơn nếu Bắc Kinh ra hạn chế buộc các công ty của các quốc gia khác dừng hợp tác với các nhà sản xuất Mỹ tiêu thụ đất hiếm, thay vì trực tiếp cắt xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc sang Mỹ - Raymond James cảnh báo. Nhưng trên thực tế, những nỗ lực hạn chế nguồn cung đất hiếm trước đây của Trung Quốc đều không mấy thành công, báo cáo nhấn mạnh.

Khi Trung Quốc giảm mạnh xuất khẩu đất hiếm vào năm 2010 do mâu thuẫn với Nhật Bản, giá đất hiếm đã tăng mạnh. Tuy nhiên, các quốc gia khác sau đó đã tìm cách tăng sản lượng đất hiếm của mình để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất cũng tìm biện pháp giảm bớt sử dụng đất hiếm trong sản phẩm.

Một lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc sang Mỹ là điều thiếu thực tế, bởi các công ty Mỹ vẫn có thể tìm được nguồn cung từ các quốc gia khác như Malaysia và Nhật Bản, dù mức giá có thể đắt đỏ hơn. 80% nhu cầu nhập khẩu đất hiếm của Mỹ tập trung vào lanthanum và cerium, hai loại đất hiếm có nguồn cung dồi dào trên thế giới.

Tuy nhiên, một điều chắc chắn là vẫn có những ngành công nghiệp của Mỹ có thể chịu ảnh hưởng nặng nếu Trung Quốc cắt nguồn cung đất hiếm. Jaymond James nhấn mạnh rằng các nhà máy lọc dầu của Mỹ phải sử dụng đất hiếm, còn Bank of America Merrill Lynch thì cho rằng ôtô sẽ là ngành chịu tác động nhiều nhất.