Chính phủ xin Quốc hội gia hạn nhiều quy hoạch cũ
Chính phủ vừa có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin phép trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do thực hiện Luật Quy hoạch mới
Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 37 hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch mới có hiệu lực từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, Nghị định mới vẫn chưa triệt để giải quyết được nút thắt khiến hàng trăm các dự án công nghiệp bị ách tắc do vượt thẩm quyền khi thiếu quy định hướng dẫn thực hiện.
Trước đó, VnEconomy có đưa tin về việc Văn phòng Chính phủ trong một văn bản gửi Thủ tướng cho biết đã nhận được ý kiến phản hồi của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương phản ánh khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Quy hoạch.
Hiện có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất 2016 - 2020 của 5 tỉnh thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau, Hải Dương không thể ban hành. Khoảng 25 quy hoạch ngành xây dựng, quy hoạch điện lực, khoáng sản, cấp nước, vùng kinh tế trọng điểm không thể ban hành. Tổng cộng có tới 368 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp không thể triển khai vì vướng mắc quy hoạch.
Văn bản của Chính phủ gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, sau khi có Luật Quy hoạch và trước khi Nghị định 37 được ban hành, có một số quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được lập. Tuy nhiên, một số quy hoạch này lại không được lập đúng theo hướng dẫn chi tiết về nội dung, trình tự, nhiệm vụ lập quy hoạch, việc lấy ý kiến quy hoạch và thẩm định quy hoạch theo như Nghị định 37 vừa được ban hành.
Chính phủ cho rằng nếu phải tổ chức lập lại các quy hoạch nói trên theo quy định của Nghị định 37 sẽ lãng phí nguồn lực và kéo dài thời gian lập quy hoạch.
Một khó khăn nổi bật khác được Chính phủ đề cập là mối quan hệ giữa quy hoạch "mẹ" với các quy hoạch "con". Cụ thể, luật mới quy định quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị…
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng hệ thống quy hoạch quốc gia thuộc Luật Quy hoạch mới có sự khác biệt với hệ thống quy hoạch đã được lập cho thời kỳ 2011 - 2020. Một số quy hoạch chưa được lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia.
"Hiện chưa có định hướng phân vùng và liên kết vùng để lập quy hoạch vùng và nếu lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sau khi quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt sẽ không đảm bảo được yêu cầu tiến độ lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030", văn bản nêu.
Do đó, Chính phủ muốn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép được triển khai lập quy hoạch quốc gia, đồng thời với lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030.
Chính phủ cũng lo ngại trước việc luật Quy hoạch không có quy định về trình tự khi điều chỉnh, sửa đổi quy hoạch. Điều 54 của Luật Quy hoạch quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như đối với lập, thẩm định, phê duyệt.
Do đó, Chính phủ lo ngại việc áp dụng trình tự như trên đối với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được quyết định trước ngày luật Quy hoạch có hiệu lực sẽ mất nhiều thời gian hơn so với trước đây, không đảm bảo sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành phát triển của các cấp, các ngành trong giai đoạn hiện nay, nhất là việc bổ sung vào quy hoạch các dự án đầu tư cấp thiết, cấp bách.
Cuối cùng, Chính phủ kiến nghị để Quốc hội gia hạn hiệu lực của các quy định pháp luật có liên quan đến quy hoạch tại 73 luật, pháp lệnh được ban hành trước khi Luật Quy hoạch được thông qua cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được phê duyệt.
Trao đổi với VnEconomy, một cán bộ thuộc Bộ Công Thương cho biết, Luật Quy hoạch hiện nay và ngay cả Nghị định 37 cũng chưa quy định điều chỉnh quy hoạch trong giai đoạn chuyển tiếp đến khi các quy hoạch vùng, tỉnh, quốc gia mới được phê duyệt.
Do đó, nếu không có cơ chế trong giai đoạn chuyển tiếp này thì các dự án đang xin bổ sung vào quy hoạch phải chờ đợi ít nhất 1 đến 2 năm nữa, tức là có thể tới năm 2021 mới được phê duyệt.
Vị này còn cho biết, theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị định 37, việc điều chỉnh cục bộ các dự án vào quy hoạch giống như lập mới sẽ rất phức tạp, qua nhiều bước, nhiều cấp, không đáp ứng kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội...