Chính trị gia muốn trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản là ai?
Bà Tomomi Inada muốn có một cú đột phá trên chính trường Nhật Bản, nơi các chính trị gia nam chiếm ưu thế áp đảo
Bà Tomomi Inada muốn có một cú đột phá trên chính trường Nhật Bản, nơi các chính trị gia nam chiếm ưu thế áp đảo.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, vị cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết bà dự định sẽ chạy đua vào ghế Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền vào năm 2021, nhằm mục tiêu trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe - người hiện giữ cương vị người đứng đầu LDP. Nếu thành công, bà Inada sẽ trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.
Tư tưởng cải cách
Theo quy định hiện nay, ông Abe không thể nắm nhiệm kỳ Chủ tịch LDP thứ tư liên tiếp. Người giữ vai trò Chủ tịch LDP thường đảm nhiệm ghế Thủ tướng khi đảng này kiểm soát Quốc hội Nhật Bản. LDP đã giữ vai trò lãnh đạo nước Nhật trong phần lớn thời gian từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.
Bà Inada, một người theo trường phái dân tộc chủ nghĩa và có mối quan hệ thân cận với ông Abe, muốn phát triển thêm các thành tựu của ông Abe và thúc đẩy các cải cách, chẳng hạn kiểm soát khối nợ khổng lồ của Nhật Bản. "Tôi hướng tới mục tiêu đó trong hai năm tới", bà nói về kế hoạch chạy đua ghế Chủ tịch LDP trong cuộc bầu cử tiếp theo của đảng này.
Năm nay, ông Abe - người đã giữ cương vị Thủ tướng hơn 6 năm - sẽ trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản cầm quyền lâu nhất. Nhiệm kỳ Chủ tịch LDP của ông sẽ kéo dài đến tháng 9/2021.
Trong thời gian cầm quyền, ông Abe đã nỗ lực đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi tình trạng trì trệ đã kéo dài nhiều thập kỷ thông qua chương trình chấn hưng tăng trưởng mang tên "Abenomics". Và ông đã đạt được một số thành công: đồng Yên yếu hơn, thị trường chứng khoán đi lên, và chấm dứt tình trạng giảm phát trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, duy trì lạm phát tăng để đạt mục tiêu 2%, một trong những mục tiêu chính của Abenomics, vẫn chưa trở thành hiện thực.
Bà Inada nhấn mạnh rằng ông Abe đã làm điều đúng đắn, nhưng bà nói rằng các chính sách của ông đã may mắn khi được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung tăng trưởng tốt. Theo bà, đó là điều mà Nhật Bản không thể lúc nào cũng dựa được vào, và rốt cục Nhật sẽ phải cần đến những thay đổi không dễ dàng trong những lĩnh vực như thị trường lao động và hệ thống an sinh xã hội.
"Giai đoạn quan trọng cho cải cách để củng cố nền móng của nền kinh tế và tăng trưởng sẽ là ngay từ bây giờ trở đi", bà nói.
Bà Inada không xem nhẹ những khó khăn của việc trở thành người đứng đầu LDP, chính đảng mà nam giới chiếm ưu thế. Bà nói việc này sẽ đòi hỏi bà phải cố gắng gấp nhiều lần so với những người đàn ông từng thành công.
"Thường thì phụ nữ phải cố gắng gấp 2-3 lần nam giới", bà Inada, người vừa tròn 60 tuổi vào tháng 2 năm nay, nói. "Vì thế, tôi phải nỗ lực".
Trên thực tế, chỉ có một số rất ít những nữ chính trị gia Nhật Bản thử sức trong cuộc đua vào ghế Chủ tịch LDP, và chưa có bất kỳ ai thành công.
Một ví dụ là đương kim Thống đốc Tokyo Yuriko Koike, người chạy đua ghế Chủ tịch LDP vào năm 2008, nhưng thất bại. Nghị sỹ kỳ cựu Seiko Noda vào các năm 2015 và 2018 thậm chí không thể thu thập đủ 20 chữ ký từ các thành viên LDP để có thể trở thành một ứng cử viên cho cuộc đua.
"Vẫn có một quan niệm là các chính trị gia nên là nam giới", bà Inada nói về chính trường Nhật Bản.
Muốn trở thành "nhà vô địch thực sự"
Nhật Bản hiện đang xếp ở vị trí 165/191 quốc gia trên thế giới về tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội theo Liên minh Nghị viện Thế giới. Dữ liệu của tổ chức này cho thấy các nữ nghị sỹ chỉ chiếm 10,2% Hạ viện và 20,7% Thượng viện Nhật Bản.
Trong chương trình chấn hưng tăng trưởng của mình, ông Abe đã tìm cách thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế nhằm ứng phó với tình trạng suy giảm của lực lượng lao động ở Nhật Bản trong bối cảnh dân số lão hóa và tỷ lệ sinh ngày càng thấp. Tuy nhiên, Nhật Bản chỉ xếp ở vị trí 110/149 quốc gia và vùng lãnh thổ trong Báo cáo Khoảng cách giới Toàn cầu mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố tháng 12 năm ngoái.
Từng là một luật sư và đã giữ vai trò nghị sỹ từ năm 2005, bà Inada có quan điểm tiến bộ về chấp nhận lao động nhập cư. Là một người có quan điểm cứng rắn về an ninh quốc gia, bà ủng hộ việc ông Abe điều chỉnh Hiến pháp Nhật Bản để tăng cường vai trò của quân đội nước này.
"Chúng tôi cần nghĩ về việc trở thành một đất nước mạnh mẽ, tự bảo vệ được mình", bà nói.
Nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của bà Inada, kéo dài từ năm 2016 đến năm 2017, đã kết thúc trong tranh cãi.
Đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ trong Quốc hội và từ giới truyền thông, bà Inada đã từ chức vì những cáo buộc cho rằng các quan chức quốc phòng Nhật Bản đã tham gia vào việc che đậy thông tin nhạy cảm chính trị về hoạt động của các binh sỹ gìn giữ hòa bình Nhật ở Nam Sudan.
Tuy nhiên, giờ đây bà Inada nói rằng sự việc đó giúp bà trở nên rắn rỏi hơn để chuẩn bị cho các cuộc đấu chính trị trong tương lai.
"Tôi cho rằng những nhà vô địch thực sự không phải là những người không bao giờ gục ngã, mà là những người có thể tự đứng dậy sau khi ngã", bà nói. "Tôi hy vọng sẽ trở thành một nhà vô địch thực sự bằng cách sử dụng kinh nghiệm khó khăn của mình".