15:00 09/11/2017

Chống tham nhũng: Giao dịch từ 200 triệu có thể phải giải trình

Nguyên Vũ

Theo dõi biến động về tài sản, thu nhập là quy định mới của dự thảo luật nhằm khắc phục tính hình thức trong quy định hiện hành

Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trịnh bày tờ trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trịnh bày tờ trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Chiều 9/11, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Một số nội dung mới của lần sửa đổi này là xây dựng chế độ liêm chính, kiểm soát xung đột lợi ích, theo dõi biến động về tài sản, thu nhập....

Giao dịch từ 200 triệu phải giải trình

Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết theo dõi biến động về tài sản, thu nhập là quy định mới của dự thảo nhằm khắc phục tính hình thức trong quy định hiện hành.

Theo đó, dự thảo luật quy định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập trong việc chủ động thu thập, khai thác thông tin, dữ liệu bản kê khai tài sản, thu nhập.  Cơ quan này cũng có trách nhiệm cập nhật thông tin, dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, dữ liệu có liên quan đến tài sản, thu nhập của người kê khai. 

Cơ quan chức năng cũng được yêu cầu người kê khai giải trình biến động tài sản, thu nhập khi tiến hành kê khai bổ sung hoặc giải trình đối với giao dịch có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên nhằm làm rõ về tài sản, thu nhập tăng thêm và quyết định việc xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ quy định.

Dự thảo đồng thời quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, phối hợp chia sẻ, cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan phục vụ cho việc theo dõi biến động tài sản, thu nhập.

Chính phủ cũng trình Quốc hội hai phương án về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập.

Phương án 1: mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch (bao gồm cả công chức xã, phường, thị trấn).

Phương án 2: thu hẹp phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chỉ áp dụng với đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên ở trung ương, từ 0,9 trở lên ở địa phương và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật - cho rằng trước mắt nên giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hoặc thu hẹp ở mức độ hợp lý, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương, những khu vực nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn, tránh hình thức như thời gian vừa qua.

Việc mở rộng đối tượng kê khai sẽ được nghiên cứu bổ sung khi đã làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng nêu trên và có đủ nguồn lực đáp ứng cho việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập theo chủ trương của Đảng là "tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản".

Lo doanh nghiệp gặp khó

Cơ quan thẩm tra cũng chưa yên tâm khi dự thảo luật không chỉ quy định các tổ chức xã hội, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư tự ban hành quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích và trách nhiệm của người đứng đầu, kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập mà còn  giao cho cơ quan thanh tra, cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất việc thực hiện các quy định đó.

Chủ  nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, quy định này cần được cân nhắc hết sức thận trọng, tránh gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Vì, hiện nay chủ trương của Đảng và Nhà nước là coi trọng, tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp, xây dựng Chính phủ kiến tạo, do đó, việc quy định mở rộng thẩm quyền cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra thường xuyên và đột xuất đối với doanh nghiệp cần hết sức hạn chế.

Mặt khác, trong các cuộc làm việc của lãnh đạo Chính phủ với doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh, hiện nay chỉ với các quy định hiện hành về thẩm quyền của cơ quan thanh tra (cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành) thì hằng năm doanh nghiệp cũng đã bị thanh tra rất nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bình thường của sản xuất, kinh doanh.

Cần cân nhắc hết sức thận trọng, theo cơ quan thẩm tra là còn vì đối với các loại hình doanh nghiệp là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư thì hiện nay pháp luật đã có các quy định rất chặt chẽ về công khai hoạt động, công bố thông tin, về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Nhiều ý kiến cũng lo ngại việc nếu không quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục thanh tra, nhất là căn cứ để tiến hành thanh tra trong dự thảo luật thì cũng có thể dễ bị lạm dụng, Chủ nhiêm Lê Thị Nga nói.

Ngay sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).