07:49 14/06/2018

Chống tham nhũng từ ví dụ ký hợp đồng BOT trong “bóng tối”

Nguyễn Lê

Quốc hội dành trọn ngày để góp ý sửa Luật Phòng chống tham nhũng với nhiều vấn đề gây tranh luận trái chiều

Đại biểu Bùi Văn Phương phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Bùi Văn Phương phát biểu tại hội trường.

BOT là việc làm liên quan đến dân nhưng hợp đồng lại có điều khoản bảo mật hay nói cách khác là ký hợp đồng trong “bóng tối”, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) phát biểu trong phiên thảo luận chiều 13/6 của Quốc hội.

Lúc này, Quốc hội đã dành gần trọn ngày để góp ý sửa Luật Phòng chống tham nhũng với nhiều vấn đề gây tranh luận trái chiều.

Hợp đồng ký trong “bóng tối”

Theo đại biểu Phương thì để phòng và chống được tham nhũng thì quan trọng nhất là thực hiện cơ chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Nhưng lâu nay việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước về những vấn đề thuộc trách nhiệm dân được biết, dân được bàn, dân được làm, dân được kiểm tra không tốt, trong khi vẫn nói là Nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

"Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua người đại diện của mình, nhưng người đại diện của mình khi làm gì thì lại không cho dân biết", đại biểu Phương nhấn mạnh.

Đơn cử về những hợp đồng giao thông BOT, ông Phương nhấn mạnh BOT là việc làm liên quan đến dân nhưng hợp đồng lại có điều khoản bảo mật hay nói cách khác hợp đồng này được ký trong bóng tối.

"Cơ quan kiểm toán cần phải soi sáng để dân được biết thì lại có một bộ khác ngăn cản, lại nói không được kiểm toán vì đây không phải tài sản công, không phải tài chính công thì lại càng làm cho dân nghi kỵ. Tôi nghĩ việc này, nếu chúng ta công khai từ đầu cho dân được tham gia thì không thể có chuyện khoảng cách đặt trạm thu phí không đúng, không thể có chuyện làm đường một chỗ, đặt trạm một chỗ, không nảy sinh ra chuyện bức xúc của người dân", đại biểu Phương phát biểu.

Đi vào nội dung cụ thể của dự thảo luật, ông Phương nhận xét cả ba điều quy định về nguyên tắc, nội dung và hình thức công khai, minh bạch đều chưa đủ độ và đặc biệt là nội dung công khai còn không được bằng cả luật hiện hành.

Đề nghị từ vị đại biểu Ninh Bình là phải quy định cụ thể trong luật là cần công khai những vấn đề gì và hình thức thế nào ở 5 lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nhất. Gồm, các dự án đầu tư công; vấn đề giao đất và cho thuê đất; vấn đề thuế, kê khai thuế; việc đấu thầu, khai thác, quyền khai thác tài nguyên khoáng sản quốc gia; những vấn đề về tài sản công, đấu giá tài sản công.

Đại biểu Phương cho rằng những vấn đề liên quan đến người dân phải công khai rộng rãi. Ví dụ tại địa điểm xây dựng dự án thì phải công khai tổng dự toán, tác động của dự án đối với kinh tế - xã hội , từ khi làm đến khi quyết toán phải công khai theo các bước và công khai sớm để người dân tham gia, vì trong dân có nhiều người rất sắc sảo.

Nếu người dân được tham gia có lẽ không dẫn đến những công trình, những dự án đắp chiếu bỏ đấy, ông Phương góp ý.

Làm sao để quan chức thích kê khai tài sản?

Kê khai, kiểm soát tài sản thu nhập là vấn đề được bàn thảo suốt một ngày, song cũng chưa có sự thống nhất cao.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tp.HCM) cho rằng sửa luật này phải làm thế nào để cho cán bộ, công chức, viên chức coi kê khai tài sản là một nghĩa vụ thường xuyên và làm sao người ta phải phấn khởi, thích thú khi kê khai tài sản.

Muốn làm được điều đó thì phải tách bạch rõ công khai và minh bạch.

Về minh bạch thì quan điểm của đại biểu Đức là phải minh bạch trước tổ chức, trước cấp ủy và trước cơ quan, đơn vị. Còn lại công khai thì tùy từng trường hợp. Nếu tài sản của những người ở vị trí công tác rất nhạy cảm như trong các lĩnh vực mà trong Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định thì luật cần nêu rõ trong trường hợp nào và khi nào thì cần phải công khai để nhân dân kiểm soát và biết trong nhiệm kỳ và trong lộ trình làm việc ở vị trí đó thì sẽ hợp lý hơn. Như vậy, người ta sẽ sẵn sàng minh bạch toàn bộ tài sản và giải trình một cách trung thực, đồng thời giải trình một cách có lý, có tình, ông Đức lập luận.

Cũng liên quan đến tài sản, quy định hai phương án xử lý tài sản bất minh là đánh thuế và xử phạt tiếp tục gây tranh cãi.

Đồng ý với phương án 1, đại biểu Lê Thị Thuỷ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương phân tích, tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý thì cũng là đối tượng chịu thuế thu nhập. Do đó, để đảm bảo công bằng thì người có tài sản, thu nhập tăng thêm chưa nộp thuế thì phải nộp thuế.