14:46 23/03/2018

Chủ đầu tư Carina Plaza từng sống ngập trong nợ nần

KIỀU LINH

Chủ đầu tư Carina Plaza - nơi vừa xảy ra vụ hoả hoạn khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, chính là Công ty Cồ phần Đầu tư 577

Chủ đầu tư Carina Plaza chính là Công ty Cồ phần đầu tư 577.
Chủ đầu tư Carina Plaza chính là Công ty Cồ phần đầu tư 577.

Vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 23/3, tầng thấp ở chung cư Carina ở số 1648 Võ Văn Kiệt (quận 8, Tp. HCM) bất ngờ xảy ra hỏa hoạn. Sự việc đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và 14 người bị thương, lãnh đạo Phòng cháy chữa cháy của Tp.HCM thông tin.

Chủ đầu tư Carina Plaza là ai?

Carina Plaza là một trong các dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư 577, được xây dựng trên diện tích hơn 19.318 m2 tại phường 16, quận 8, Tp.HCM. Tổng mức đầu tư dự án là 927 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn góp đầu tư gồm Công ty Cổ phần Đầu tư 577 là 95%, Công ty TNHH Hùng Thanh góp 5% vốn. Chung cư đi vào sử dụng từ năm 2012 được Hùng Thanh - một công ty con của Công ty 557 quản lý và điều hành.

Theo giới thiệu trên website, Công ty Cổ phần Đầu tư 557, tiền thân là Chi nhánh Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 tại Bình Thuận được thành lập theo Quyết định số 4750 ngày 1/11/2004 của Hội đồng quản trị Tổng công ty.

Công ty 577 mở rộng liên doanh liên kết với các đơn vị: Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng 533, Công ty Cổ phần Chứng khoán Việt Thành, Công ty Cổ phần Dịch vụ Nhịp cầu địa ốc, Công ty TNHH Đầu tư & Xây dựng Tam Phú, Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng Ninh Thuận.

Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính: Phát triển, kinh doanh Bất động sản (ngành mũi nhọn); Xây dựng hạ tầng giao thông; Xây dựng công trình thuỷ điện, nhiệt điện; Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện; Khai khoáng; Kinh doanh du lịch sinh thái...

Từ khi thành lập đến năm 2017, Công ty 577 đã và đang đầu tư trên 10 dự án bất động sản gồm các khu đô thị mới và dự án căn hộ tủng cư. Tính trên cả nước, NBB đang có khoảng 370 ha đất sạch, phân bổ tại 5 tỉnh thành lớn.

Trong đó, một số dự án tiêu biểu như Dự án căn hộ City Gate Towers, Khu dân cư Phương 2 Bạc Liêu, Khu dân cư Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), Khu căn hộ Carina Plaza (Tp.HCM), Khu căn hộ NBB 2, 3, 4 (Tp.HCM), Khu căn hộ Diamond Riverside (Tp.HCM), Khu biệt thự Đồi Thuỷ sản (Quảng Ninh), Khu nghỉ dưỡng DeLagi (Bình Thuận)…

Mặc dù sở hữu quỹ đất lớn nhưng kết quả kinh doanh của Công ty 577 ngày càng kém khởi sắc.

Theo bản cáo bạch, năm 2012, kết quả kinh doanh của Công ty 577 có sự tăng trưởng đột biến với doanh thu thuần đạt mức 1.077 tỷ đồng, doanh thu tài chính đạt 147 tỷ đồng, đều tăng mạnh so với năm 2011. Kết quả giúp lợi nhuận sau thuế đạt 289 tỷ đồng. Đây cũng là mức tăng trưởng ấn tượng so với các doanh nghiệp khác trong ngành cũng như trong lúc thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, sang năm 2013, doanh thu bất động sản giảm mạnh do chịu áp lực của việc thị trường bất động sản đóng băng. Công ty chỉ ghi nhận doanh thu dự án chủ lực là Bạc Liêu và một phần nhỏ còn lại của dự án Carina. Còn các dự án khác chưa bàn giao khách hàng.

Điều này dẫn đến, doanh thu thuần năm 2013 giảm mạnh còn 202,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 24 tỷ đồng, giảm 91% so với năm 2012.

Không những thế, việc gia tăng sử dụng đòn bẩy trong bối cảnh tiến độ bán hàng bị ngưng trệ khiến NBB rơi vào cảnh suy giảm mạnh về khả năng thanh toán. Chỉ số thanh toán hiện hành từ hơn 10 lần năm 2009 đã giảm xuống chỉ còn trên dưới 2 lần vào những năm 2010-2013.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt vào năm 2014, ước tính Công ty 577 phải thanh toán chi phí lãi vay trung bình 170 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2010-2013.

Ảnh 1.

Quá trình tăng vốn điều lệ của Công ty 577.

Cổ phiếu giảm "thổi bay" 170 tỷ đồng

Đứng trước tình cảnh này, Công ty 577 đã tái cơ cấu bằng cách thoái vốn khỏi cách lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi để tập trung vào bất động sản. Cụ thể, công ty thoái vốn tại các dự án BOT Rạch Miễu, Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Ngãi, thuỷ điện Đá Đen….

Bên cạnh việc gia hạn thành công các khoản nợ vay, Công ty 577 cũng đã tiến hành tăng vốn chủ sở hữu thông qua các đợt phát hành cổ phần ra công chúng. Năm 2013 và 2014 phát hành thêm gần 36 triệu cổ phiếu, tăng vốn từ 180 tỷ đồng lên 583 tỷ đồng.

Sự xuất hiện của Tập đoàn Creed Group đến từ Nhật Bản có thể xem là chiếc phao cứu sinh dành cho Công ty 577.

Cụ thể, ngày 9/9/2014, Công ty 577 và Creed Group ký kết hợp tác đầu tư dự án City Gate Towers, bằng cách rót 600 tỷ đồng thông qua mua trái phiếu dự án. Tổng lãi phải trả cho trái phiếu phát hành cho Creed Group là 80% lợi nhuận từ dự án này.

Đồng thời, Creed Group mua 4, 6 triệu cổ phiếu riêng lẻ do Năm Bảy Bảy phát hành, mức giá đưa ra là 19.800 đồng/cổ phiếu và cam kết đầu tư vào 2 dự án NBB 2, NBB 3 với tỷ lệ góp 50% vốn.

Về kết quả kinh doanh, do việc tái khởi động dự án City Gate từ năm 2014 nên suốt hai năm 2015 và 2016, Năm Bảy Bảy không có nhiều doanh thu phát sinh từ bất động sản, dù hoạt động bán hàng vẫn diễn ra tích cực. Năm 2016, doanh thu thuần của công ty rơi xuống chỉ còn 41,2 tỷ đồng, thấp hơn mức 96 tỷ đồng của năm 2015.

Tuy nhiên, từ quý 2/2017, dự án City Gate bắt đầu bàn giao, giúp lãi ròng đạt hơn 45 tỷ đồng, gấp 23 lần cùng kỳ năm trước. Đến quý 3/2017, dự án này tiếp tục giúp Năm Bảy Bảy có lãi hơn 9 tỷ đồng, nâng lãi lũy kế 9 tháng gần 55 tỷ đồng, gấp gần 24 lần cùng kỳ, qua đó thực hiện được 76% kế hoạch về lợi nhuận đề ra cả năm.

Mặc dù vậy, theo Năm Bảy Bảy, các ngành sản xuất công nghiệp và khai khoáng của công ty vẫn chưa mang lại lợi nhuận nên tạo thêm áp lực vào dòng tiền và kế hoạch tài chính của công ty.

Trên thị trường chứng khoán, ngay sau khi xảy ra vụ cháy khiến 13 người thiệt mạng và 14 người bị thuương, cổ phiếu NBB của Công ty Đầu tư 577 đã giảm kịch sàn, trắng bên mua, hiện được giao dịch với giá 23.750 đồng/cổ phiếu, giảm 6,9% so với phiên 22/3.

Đà giảm của cổ phiếu NBB đã khiến vốn hóa của Công ty Đầu tư 577 "bốc hơi" hơn 170 tỷ đồng chỉ trong những phút đầu phiên. Đây cũng là mức giá thấp nhất của cổ phiếu này trong hơn 2 tháng qua.