Chủ tịch FLC: Chứng khoán Việt Nam sẽ có những phiên giao dịch tỷ đô trong 2018
"Mốc 1.000 điểm của năm 2017 mang ý nghĩa rất khác với mốc 1.000 điểm của năm 2007"
Năm ngoái, Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết từng đưa ra các nhận định lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó nhấn mạnh thị trường sẽ sớm chứng kiến các phiên giao dịch có giá trị giao dịch xung quanh ngưỡng 10.000 tỷ. Chứng khoán Artex - nơi ông tham gia đầu tư - cũng cho rằng VN-Index sẽ về lại mức 1.000 điểm.
Các nhận định này đến nay đều đã được kiểm nghiệm trên thực tế, đặc biệt sau khi thị trường hôm 12/1/2018 đã chính thức có phiên khớp lệnh trên 10.000 tỷ đầu tiên trong lịch sử.
Vui nhiều hơn là ngạc nhiên
Ông có thấy bất ngờ vì điều này không và vì sao?
Tâm lý "bất ngờ", "ngạc nhiên", nếu có, cũng có thể xem là hợp lý, khi nhìn lại đầu năm 2017, thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung còn nhiều nút thắt chưa được gỡ bỏ.
Đầu tiên là tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng GDP năm 2016 không đạt kế hoạch. Thậm chí có thời điểm vào năm ngoái, cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế và ngân hàng HSBC còn hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Nút thắt thứ hai cũng lại là mối lo đã nhen nhóm từ cuối năm 2016, đó là quá trình cổ phần hóa của một số doanh nghiệp quốc doanh lớn không làm nên "cú nổ" thị trường như kỳ vọng.
Nút thắt thứ ba là diễn biến tỷ giá. Trên thế giới, Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, tạo sức ép lên hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có tiền đồng của Việt Nam.
Nhưng sau cùng, tất cả những điểm nghẽn này, dưới giải pháp quyết liệt của Chính phủ, lại trở thành những động lực nòng cốt cho thị trường: chính sách vĩ mô, tài khóa, tiền tệ ổn định; tăng trưởng kinh tế tốt; vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh và những thương vụ bán vốn doanh nghiệp Nhà nước có giá trị kỷ lục.
Nên nếu nói về kết quả của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, tôi cảm thấy vui nhiều hơn là ngạc nhiên.
Và nhân tố mang đến sự hứng khởi lớn nhất cho thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp, có lẽ chính là khả năng hành động hiệu quả và kiên quyết của Chính phủ.
Trả lời báo giới mới đây, ông nhìn nhận, trong năm 2018, nếu chỉ số VN-Index chạm 2.000 điểm thì cũng không có gì ngạc nhiên. Đâu là những cơ sở chủ đạo để ông dự báo như vậy?
Tăng trưởng GDP mạnh mẽ trong năm 2017, đạt tới 6,81%, là hy vọng cho một quán tính tích cực, để cùng thúc đẩy tăng trưởng của năm 2018 đi lên.
Không dừng lại ở con số đơn thuần, đây cũng là một tín hiệu khả quan cho thấy tính đúng đắn của các chủ trương, đường lối, quyết sách hiện tại của Đảng và Chính phủ.
Mặt khác, các yếu tố bổ trợ như chính sách vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững, chính sách tài khóa, tiền tệ, tỷ giá ổn định… sẽ góp phần giúp cả guồng máy tiếp tục chuyển động hiệu quả hơn, gia tăng niềm tin vào thị trường, kích thích đầu tư trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Khác với giai đoạn đạt đỉnh cách đây 10 năm, khi thị trường tăng chủ yếu nhờ sức cầu từ nhà đầu tư trong nước, thì năm 2017, khối ngoại tham gia mạnh mẽ cả trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu.
Năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm, vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là gần 36 tỷ USD, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2016. Đây là động lực rất lớn với nền kinh tế, sẽ tạo cú hích cho tăng trưởng nhiều lĩnh vực, trong đó có cả thị trường chứng khoán.
Câu chuyện về thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn Nhà nước vẫn còn giữ nguyên độ nóng sang năm 2018.
Những câu chuyện như Sabeco với thương vụ bán vốn gần 5 tỉ USD, ngoài việc mang nguồn lực lớn về nền kinh tế, đã chỉ ra cho chúng ta thấy một hiện thực đáng khích lệ.
Đó là, nhiều doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam đang được đối tác ngoại đánh giá với một thước đo rất khác, trong đó nhiều giá trị từng đứng bên lề theo cách định giá truyền thống, giờ cũng được cân đong, thậm chí được đối tác ngoại đánh giá cao.
Lực hút ngày càng tăng
Việc thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực giai đoạn hiện nay, theo ông, sẽ mang đến những lợi thế gì cho kinh tế đất nước nói chung và các doanh nghiệp niêm yết nói riêng?
Mốc 1.000 điểm của năm 2017 mang ý nghĩa rất khác với mốc 1.000 điểm của năm 2007.
Quy mô thị trường hiện nay đã lớn hơn rất nhiều. Ngay trong những ngày giao dịch đầu năm 2018, các phiên giao dịch 7.000 - 9.000 tỷ đồng, thậm chí 10.000 tỷ đồng đã trở nên quen thuộc, cho dù vẫn có những lo ngại về áp lực điều chỉnh.
Dòng tiền mới đến từ khối ngoại mua ròng, trong đó đặc biệt là các quỹ ngoại lớn, và cả tiền nhàn rỗi trong dân. Điều này cho thấy hấp lực của thị thường sau một năm có nhiều cái "được", đã khiến cả nền kinh tế thay đổi cái nhìn về chứng khoán.
Với nhiều chính sách vĩ mô quan trọng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới, như tiếp tục tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết doanh nghiệp Nhà nước; kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường…, sẽ gián tiếp ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán.
Từ những lực đẩy này, tôi cho rằng việc xuất hiện những phiên giao dịch với giá trị giao dịch đã vượt nửa tỷ USD như hiện tại, thậm chí 1 tỷ USD trong tương lai, sẽ không còn là những sự kiện hiếm gặp trong năm 2018.
Đối với các doanh nghiệp niêm yết nói chung, thị trường chứng khoán khởi sắc đồng nghĩa với một thị trường giúp huy động vốn và giàu thanh khoản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trước triển vọng nâng hạng trong thời gian tới, theo ông, sẽ mang đến những tác động tiếp nối thế nào đối với thị trường?
Vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2017 đã đạt 75% GDP, đưa thị trường trở thành một trong những kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
Chính phủ đã đặt mục tiêu trong năm 2018 và những năm tới là nâng hạng thị trường chứng khoán lên mới nổi, mở rộng hơn nữa cả về quy mô hoạt động lẫn số doanh nghiệp chất lượng lên niêm yết.
Thực tế cho thấy, mặc dù còn xếp hạng ở nhóm cận biên, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam có một lực hút ngày càng tăng, với gần 1,9 triệu tài khoản giao dịch đã được mở, tính đến ngày 31/12/2017, trong đó có trên 22.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm hơn 2.800 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức.
Sự vào cuộc của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... cùng sự ủng hộ đến từ các thành viên tham gia thị trường, sẽ là lực đẩy cho việc hoàn thiện và phát triển thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn ngoại từ các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội.