14:52 14/06/2019

Chưa có thông tin chính thức về người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài

Nguyên Vũ

Một số địa phương phản ánh có hiện tượng người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình.

Một số địa phương phản ánh có hiện tượng người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài, tuy nhiên, đoàn giám sát chưa có thông tin chính thức về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo.

Chiều 14/6, trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Đây là chuyên đề đã được Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp này.

Báo cáo giải trình trước khi đại biểu bấm nút, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, góp ý về dự thảo nghị quyết, có ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá về việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, qua giám sát, một số địa phương phản ánh có hiện tượng người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát chưa có thông tin chính thức về vấn đề này. Do vậy, để bảo đảm tính thận trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội không đưa nội dung này vào điều 1 của dự thảo nghị quyết (đánh giá kết quả thực hiện) mà đưa vào phần nhiệm vụ, giải pháp để trong thời gian tới Chính phủ chỉ đạo rà soát thực trạng, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, khi trả lời ý kiến cử tri, Bộ Công an khẳng định có tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ hoặc thuê diện tích đất dọc ven biển, khu vực biên giới biển, biên giới đất liền; thâu tóm các vị trí đất đẹp, trung tâm.

Với nghị quyết sau giám sát, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, rà soát thực trạng, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, xử lý nghiêm việc người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật.

Chính phủ cũng được yêu cầu tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật có liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định điều chỉnh lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị; chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư liên quan hiện còn vướng mắc, bất cập.

Yêu cầu tiếp theo đối với Chính phủ là nghiên cứu làm rõ và có hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng lưu trú như căn hộ khách sạn (condotel), căn hộ văn phòng (officetel), nhà phố thương mại (shophouse)... Bổ sung các quy định về quy hoạch, quản lý, sử dụng không gian ngầm và trên không tại các đô thị; chỉ đạo các địa phương nghiên cứu triển khai quy hoạch không gian ngầm trên địa bàn.

Chính phủ còn được yều cầu sớm ban hành nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Xác định rõ phạm vi áp dụng dự án BT và nghiên cứu phương án đấu giá quyền sử dụng đất để thanh toán trực tiếp cho các công trình hạ tầng đầu tư theo hình thức BT.

Chính phủ tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về đất đai, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15, nghị quyết nêu rõ.

Nhiệm vụ của Chính phủ còn là chỉ đạo thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; làm rõ các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Có biện pháp ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi, bảo đảm công khai, minh bạch thông tin.

Rà soát, có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, xác định nguồn lực để đẩy mạnh thực hiện lộ trình di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ sở giáo dục đào tạo, bệnh viện, cơ sở công nghiệp, sản xuất... ra ngoài trung tâm các đô thị theo phương án được phê duyệt; bàn giao quỹ đất sau di dời cho địa phương để xây dựng các công trình công cộng, ưu tiên xây dựng công viên, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình văn hóa, thể thao cũng nằm trong số các nhiệm vụ của Chính phủ.

Liên quan đến bất cập về giá đất, nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ đổi mới chính sách tài chính về đất đai và giá đất theo hướng hiệu quả, bền vững. Nghiên cứu và đề xuất cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai thông qua chính sách thuế theo hướng người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng thì phải chịu mức thuế cao hơn.

Xây dựng khung giá đất phù hợp với giá thị trường. Hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất bảo đảm khách quan, minh bạch, phù hợp với giá thị trường; giá đất được tính đúng, tính đủ các giá trị tăng thêm từ các yếu tố lợi thế, trong đó có lợi thế về vị trí địa lý, lợi thế do quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư kết cấu hạ tầng. Khắc phục bất cập về cơ chế xác định giá thuê đất trong trường hợp cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê, bảo đảm phù hợp với giá thị trường, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, Quốc hội yêu cầu.