Chuẩn bị cho ý kiến về lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp cao
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn chỉ diễn ra một lần duy nhất trong nhiệm kỳ này
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn chỉ diễn ra một lần duy nhất trong nhiệm kỳ này.
Khác với các tháng, chương trình phiên họp thứ 22 (tháng 3) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo dự kiến sẽ diễn ra trong hai đợt. Đợt một từ 12-13/3 và đợt hai từ 20-22/3.
Sáng 22/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Tờ trình về nội dung này do Trưởng ban Công tác đại biểu trình bày.
Theo nghị quyết số 85/2014 của Quốc hội khoá 13 thì Quốc hội, hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Tức là việc này sẽ diễn ra vào kỳ họp thứ 6, cuối năm 2018 của Quốc hội khoá 14.
Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn đã từng được tiến hành hai lần trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13. Sau khi sửa Nghị quyết 35 thì việc này chỉ được tiến hành duy nhất một lần trong cả nhiệm kỳ 5 năm.
Để tập trung cho hoạt động giám sát quan trọng đó, Quốc hội đã quyết định trong 2018 chỉ giám sát một chuyên đề tại kỳ họp thứ 5, không tổ chức giám sát chuyên đề tại kỳ họp thứ 6.
Nghị quyết 35 quy định Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, phó thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
Có hai căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm gồm: kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Ngoài thảo luận cho việc chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, phiên họp thứ 22 còn có nhiều nội dung quan trọng khác, trong đó trọn ngày 21/3 dành cho chất vấn và trả lời chất vấn.
Như VnEconomy đã đưa tin, hai thành viên Chính phủ được chọn lên "ghế nóng" đợt này là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.
Phiên họp tháng 3 cũng dành nhiều thời gian xem xét các vấn đề còn ý kiến khác nhau của một số dự án luật: Đo đạc và bản đồ, Cạnh tranh, Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Một số dự án luật khác sẽ được cho ý kiến như Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục...