15:31 01/06/2019

Chứng khoán Mỹ “bay” 4 nghìn tỷ USD vốn hóa trong tháng 5

Bình Minh

Sau 4 tháng đầu năm giữ xu hướng tăng ổn định, Phố Wall bất ngờ hứng hai cú sốc từ Tổng thống Donald Trump trong tháng 5

Thị trường chứng khoán Mỹ đã chịu áp lực giảm mạnh từ chiến tranh thương mại leo thang trong tháng 5.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã chịu áp lực giảm mạnh từ chiến tranh thương mại leo thang trong tháng 5.

Dưới sức ép của cuộc chiến thương mại leo thang, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ trải qua tháng 5 tồi tệ nhất trong 7 năm và tệ thứ nhì từ thập niên 1960.

Theo hãng tin Bloomberg, với mức giảm 6,6% của S&P 500 trong tháng 5, lượng vốn hóa 4 nghìn tỷ USD đã bị "thổi bay" khỏi chỉ số này.

Sau 4 tháng đầu năm giữ xu hướng tăng ổn định, Phố Wall bất ngờ hứng hai cú sốc từ Tổng thống Donald Trump trong tháng 5. Đầu tiên, ông Trump nâng thuế quan áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và tiếp đó ông áp thuế 5% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mexico.

"Rõ ràng, thị trường đang đối mặt khả năng giảm sâu hơn", nhà quản lý danh mục Steve Chiavarone thuộc Federated Investors phát biểu. "Để thị trường hồi phục, cần phải có những thông tin tích cực rõ ràng về Trung Quốc, Mexico, chính trị Mỹ nói chung, và Cục Dự trữ Liên bang (FED) có lẽ phải làm một điều gì đó. Đây đúng là một sự đòi hỏi quá nhiều".

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của chỉ số S&P 500, chỉ có duy nhất nhóm bất động sản tăng trong tháng 5 nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất 20 tháng.

Cổ phiếu con chip - nhóm công ty phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc - giảm đặc biệt mạnh. Chỉ số Philadelphia Semiconductor Index của nhóm này sụt 17% trong tháng, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính.

Các ngưỡng hỗ trợ quan trọng, gồm ngưỡng trung bình 50, 100 và 200 ngày lần lượt bị S&P 500 xuyên thủng trong tháng.

"Cần phải có một chất xúc tác rõ ràng" thì giá cổ phiếu mới hồi phục được, theo ông Edmund Shing, trưởng bộ phận chiến lược chứng khoán phái sinh toàn cầu của BNP Paribas, phát biểu. "Có thể đó là một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, nhưng đây không phải là kịch bản chính của chúng tôi. Lập trường của hai bên đều ngày càng cứng rắn hơn, cho thấy họ khó nhượng bộ, chí ít là trong ngắn hạn".

Trong khi đó, theo một báo cáo của ngân hàng tư nhân Arbuthnot Latham có trụ sở ở London, sức ép đi đến một thỏa thuận thương mại đang tăng lên đối với cả Mỹ và Trung Quốc. Một cơ hội để hai bên xuống thang là thượng đỉnh khối G20 ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 6, nơi ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp bên lề.

"Tôi tin rằng tại G20, ông Trump và ông Tập sẽ thân mật, và thị trường chứng khoán sẽ yêu thích điều này", Giám đốc đầu tư Gregrory Perdon của Arbuthnot Latham nhận xét.