Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau 6 phiên tăng liên tục
Trong thời gian nghỉ Tết cổ truyền tại Việt Nam vừa qua, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm liên tục
Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Phố Wall đã giảm trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi cổ phiếu Walmart trải qua phiên giảm mạnh nhất trong 30 năm. Trong thời gian nghỉ Tết cổ truyền tại Việt Nam vừa qua, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm liên tục.
Theo tin từ CNBC, Dow Jones kết thúc phiên giao dịch ngày 20/2 ở mức 24.964,75 điểm, giảm 254,63 điểm, tương đương giảm 1,01%. Trước phiên giảm này, Dow Jones đã có chuỗi 6 phiên tăng giá không nghỉ.
"Thủ phạm" chính kéo Dow Jones sụt giảm phiên đêm qua là cổ phiếu Walmart, sau khi hãng này công bố kết quả kinh doanh gây thất vọng. "Đế chế" bán lẻ chứng kiến giá cổ phiếu "bốc hơi" 10,2%, mức giảm mạnh nhất trong một ngày của cổ phiếu này kể từ tháng 1/1988.
Chỉ số S&P 500 hạ 0,58% trong phiên ngày thứ Ba, còn 2.716,26 điểm, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng với mức giảm trên 2%. Đây cũng là phiên đầu tiên mà S&P 500 đi xuống trong vòng 7 phiên giao dịch vừa qua.
Chỉ số Nasdaq mất 0,1% phiên này, còn 7.234,31 điểm. Sau khi tăng điểm mạnh vào buổi sáng, các cổ phiếu công nghệ đã chuyển "đỏ" vào buổi chiều, khiến Nasdaq đi xuống.
Trong tuần nghỉ lễ vừa qua ở Việt Nam, Dow Jones tăng 1,48%, S&P 500 tăng 2,27%, còn Nasdaq tăng 3,61%.
Theo giới chuyên môn, thị trường chứng khoán Mỹ đang vấp phải ngưỡng cản kỹ thuật sau một đợt phục hồi khá mạnh kể từ đợt giảm chóng mặt hồi đầu tháng.
Ngoài ra, nỗi lo lãi suất tăng cũng gây sức ép lên giá cổ phiếu.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức 2,886% trong phiên ngày thứ Ba, sau khi đạt mức cao nhất trong 4 năm vào tuần trước. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đang ở ngưỡng cao nhất 9 năm.
Lợi suất trái phiếu tăng khi giới đầu tư lo ngại rằng lạm phát leo thang có thể dẫn tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh việc tăng lãi suất. Nỗi lo này đã phủ bóng lên Phố Wall suốt thời gian gần đây.
"Trong trung đến dài hạn, lãi suất tăng vẫn là một mối lo đối với thị trường", ông Zhiwei Ren, Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản Penn Mutual Asset Management, nhận định. "Nhưng tôi không cho rằng nỗi lo như vậy sẽ đảo ngược xu hướng thị trường giá lên đang diễn ra".
Theo ông Ren, những lợi ích từ các biện pháp kích cầu bằng tài khóa của Chính phủ Mỹ rốt cục sẽ giúp chứng khoán vượt qua được tác động bất lợi của lãi suất tăng, và thị trường giá lên (bull market) sẽ tiếp tục duy trì.
Trong khoảng thời gian từ ngày 26/1-8/2, S&P 500 đã giảm 10,2%, mất 2,5 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa - theo nhà phân tích cấp cao Howard Silverblatt thuộc S&P Dow Jones Indices. Tính đến hết phiên ngày thứ Sáu tuần trước, chỉ số này đã hồi 1,3 nghìn tỷ USD trong phần mất mát trên.
Phiên ngày thứ Hai vừa rồi, chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ. Trong tuần trước đó, S&P 500 có tuần tăng điểm mạnh nhất từ năm 2013.