08:25 15/06/2019

Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau lời cảnh báo của Broadcom

Bình Minh

Thị trường cũng trở nên thận trọng hơn trước cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của FED vào ngày 18-19/6

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi nhà đầu tư thận trọng về cuộc họp vào tuần tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ngoài ra, phủ bóng lên các chỉ số còn là dự báo của Broadcom về sự suy giảm nhu cầu con chip toàn cầu do tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Giá cổ phiếu Broadcom sụt 5,6% sau khi hãng sản xuất thiết bị bán dẫn này cắt giảm dự báo doanh thu cả năm 2 tỷ USD, đổ lỗi cho xung đột giữa Washington và Bắc Kinh và lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Donald Trump không cho phép bán linh kiện và công nghệ Mỹ cho công ty Trung Quốc Huawei.

Cổ phiếu các hãng sản xuất con chip khác cũng giảm mạnh, kéo chỉ số Philadelphia Semiconductor Index sụt 2,6%, hãng tin Reuters cho hay.

Thị trường trở nên thận trọng hơn trước cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của FED vào ngày 18-19/6. Giới đầu tư hiện đang kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất từ 1-3 lần trong năm nay để hỗ trợ tăng trưởng.

Một số chiến lược gia nói rằng chứng khoán Mỹ có thể rơi vào một đợt bán tháo nếu FED không đưa ra một lập trường mềm mỏng hơn trong cuộc họp vào tuần tới. Chỉ số S&P 500 hiện đã tăng 4,9% trong tháng 6 và vừa đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp, chủ yếu nhờ hy vọng giảm lãi suất.

"Thị trường sẽ cẩn trọng cho tới khi có một số tín hiệu từ FED", ông Brian Battle, Giám đốc giao dịch của Performance Capital Partners, nhận xét. "Vấn đề nằm ở chỗ đó. Mọi người đang đặt cược rằng FED sẽ cắt giảm lãi suất, có thể không trong tháng 6, nhưng sẽ sớm thôi. Phần lớn các giao dịch đều đang dựa trên dự báo này".

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng là một lý do để nhà đầu tư thận trọng trong phiên giao dịch cuối của tuần. "Đây là kiểu tâm trạng ‘chờ xem’. Tình hình còn chưa rõ ràng, mọi người còn chưa muốn tiến xa", ông Robert Phipps, nhà quản lý thuộc Per Stirling Capital Management, nhận xét.

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng này có thể là dịp Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tiến gần hơn tới một thỏa thuận thương mại.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,07%, còn 26.089,61 điểm. S&P 500 giảm 0,16%, còn 2.886,98 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,52%, còn 7.796,66 điểm.

Cả ba chỉ số đều tăng trong tuần này: Dow Jones tăng 0,4%; S&P 500 tăng 0,5%; và Nasdaq tăng 0,7%.

Giá cổ phiếu Apple giảm 0,7% trong phiên ngày thứ Sáu. Broadcom là một nhà cung cấp chính của hãng sản xuất điện thoại iPhone.

Mối lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu gia tăng khi dữ liệu của Trung Quốc cho thấy tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Trung Quốc giảm xuống thấp nhất trong 17 năm. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp tháng 5 của Trung Quốc đã xuống dưới mức kỳ vọng và cho thấy dấu hiệu của sự suy giảm nhu cầu.

Tuy nhiên, dữ liệu của Mỹ cho thấy doanh thu bán lẻ tăng trong tháng 5, phản ánh nhu cầu tiêu dùng khởi sắc, theo đó xoa dịu nỗi lo về một cú giảm tốc mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 2.

Cổ phiếu hãng bán lẻ trực tuyến sản phẩm phục vụ thú cưng Chewy tăng 59% trong phiên chào sàn, gia nhập danh sách những cổ phiếu đình đám lên sàn chứng khoán Mỹ năm nay như Lyft và Uber.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,53 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,79 lần.

Có tổng cộng 5,85 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,83 tỷ cổ phiếu của 20 ngày giao dịch gần nhất.