12:18 10/11/2017

Chứng khoán sáng 10/11: VIC chìm, VRE thay thế

Lan Ngọc

Cuối cùng thì cổ phiếu VRE cũng đã có thanh khoản và dĩ nhiên giá tăng trần. Đây là giao dịch kịp thời vì VIC sáng nay bắt đầu bị xả tới mức giảm giá

VN-Index đang tăng mạnh nhờ VNM, VRE và nhóm ngân hàng.
VN-Index đang tăng mạnh nhờ VNM, VRE và nhóm ngân hàng.

Cuối cùng thì cổ phiếu VRE cũng đã có thanh khoản và dĩ nhiên giá tăng trần. Đây là giao dịch kịp thời vì VIC sáng nay bắt đầu bị xả tới mức giảm giá.

VRE giao dịch khoảng 31.000 cổ phiếu và chỉ có 3 lệnh khớp tính cả đợt mở cửa. Tuy nhiên, vấn đề không phải là VRE khớp bao nhiêu mà có có được giá tham chiếu mới. Cổ phiếu này đã bỏ lỡ hai hôm tăng trần, vốn hóa vì vậy đã thiệt hại đáng kể.

Tuy nhiên với mức giá 43.350 đồng hôm nay, VRE vẫn vượt qua BID và ROS để nhảy lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng về quy mô ở sàn HSX. Với dư mua trần hơn 22,6 triệu cổ phiếu, VRE vẫn còn tiềm năng tăng. Khoảng 4 phiên kịch trần liên tục nữa là VRE lọt vào nhóm 5 mã có vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng. Khi đó VRE sẽ thuộc nhóm chi phối VN-Index.

Riêng hôm nay VRE cũng đã là một sự thay thế kịp thời cho VIC. VIC bước sang phiên phân phối thứ hai liên tục khi giá một lần nữa tăng chạm 70.000 đồng (tương đương mức giá trần ngày hôm qua). Nhà đầu tư tiếp tục bán ra mạnh mẽ và giá tụt giảm rất nhanh, hiện đã dưới tham chiếu 0,87%.

Thiếu trụ VIC, thị trường vẫn không bị ảnh hưởng nhiều vì VRE vẫn đang kịch trần. Mặt khác, VNM có vẻ được đẩy giá lên với kỳ vọng từ kết quả đấu giá chiều nay và có tiềm năng là cao hơn giá khởi điểm vì lượng đặt mua lớn hơn chào bán. Tuy nhiên VNM đang ở tận 166.400 đồng trên sàn, cao hơn nhiều so với giá khởi điểm 151.200 đồng.

Với lượng đặt mua nhiều gấp rưỡi lượng bán lần này, có vẻ đợt đấu giá VNM sẽ kịch tính hơn một chút so với lần trước. Sẽ có một chút cạnh tranh giá. Kết quả đấu giá VNM sẽ là tham chiếu theo quan điểm của nhà đầu tư tổ chức đối với giá VNM trên sàn.

VNM tăng 2,4% trong sáng nay đã hỗ trợ thị trường rất lớn. Ngoài ra VRE tăng 6,91% cũng đủ lớn để thay thế VIC. Thậm chí so với VNM, VRE ảnh hưởng chỉ kém hơn một chút: Cổ phiếu này gia tăng vốn hóa 5.323 tỷ đồng, trong khi VNM tăng vốn hóa 5.660,6 tỷ đồng. Chỉ hai mã này đã cộng cho VN-Index tới 3,2 điểm hay 0,48%.

VN-Index chốt phiên sáng tăng 0,73% và 6,28 điểm. Rõ ràng là VNM và VRE đã chi phối gần hết chỉ số này. Một vài mã khác cũng tăng như CTG tăng 3,05%, VCB tăng 1,16%, BID tăng 1,49%, MBB tăng 1,06% nhưng so với hai mã trụ nói trên thì chỉ là những chú lùn. VCB tăng vốn hóa nhiều nhất trong nhóm ngân hàng cũng chỉ là 1.798,9 tỷ đồng. Cả 4 mã ngân hàng cộng lại chưa bằng VNM.

VN30 bị hạn chế một chút trong sáng nay vì không có VRE. Chỉ số của nhóm này tăng 0,6%, nhẹ hơn VN-Index. Trong chỉ số VN30, mức tăng của VCB còn ảnh hưởng yếu hơn cả STB, SBT. Ba cổ phiếu chính đẩy VN30-Index là VNM, MBB và STB.

Đà tăng của các blue-chips vẫn còn rất mạnh trong sáng nay và độ rộng cũng tích cực ở nhóm VN30. Nhóm này có 18 mã tăng/8 mã giảm. Tuy nhiên sàn HSX không quá tốt, cũng chỉ có 131 mã tăng/119 mã giảm.

Sàn HNX đang tăng chủ đạo nhờ ACB tăng 2,54%. HNX-Index tăng 0,5% chỉ với 63 mã tăng/79 mã giảm. HNX30 tăng không đáng kể 0,16% với 8 mã tăng/9 mã giảm.

VIC không còn là tâm điểm của thị trường phiên sáng nay vì dấu hiệu bị xả tương đối rõ. Thay vào đó là VNM. Cổ phiếu này vừa là trụ điểm số, vừa là trụ thanh khoản. VNM giao dịch lớn nhất thị trường với 2,04 triệu cổ, tương đương 336,5 tỷ đồng, chiếm 14,3% thị trường và chiếm 16% sàn HSX.

Khối ngoại mua tới 83% tổng thanh khoản của VNM mà toàn mua trực tiếp qua khớp lệnh là nguyên nhân đẩy giá lên cao. Tuy nhiên VNM cũng chưa phải là mạnh tận sức trong sáng nay: Giá cao nhất đạt được là 167.500 đồng, chốt phiên sáng chỉ còn 166.400 đồng.

Thanh khoản thị trường phiên sáng được hỗ trợ lớn từ VNM và SBT. SBT giao dịch cũng đột biến cao 116,2 tỷ đồng. Nhờ đó giá trị khớp lệnh chung đạt 2.351,6 tỷ đồng, tăng 1,6% so với sáng hôm qua.

Khối ngoại sáng nay mua rất lớn, tới gần 500,5 tỷ đồng trên HSX. Thỏa thuận không lớn là nét khá đặc biệt so với các phiên trước. Giá trị bán ra đạt 171,7 tỷ đồng. VNM, BID, HSG, SSI, HPG, VCB, VJC, STB là các blue-chips được mua tốt nhất. Bán ra chủ đạo là VRE qua đường thỏa thuận.