12:07 11/09/2019

Chứng khoán sáng 11/9: Giá vừa nhích tăng, tiền đã lặn không sủi tăm!

Lan Ngọc

Thị trường rục rịch ấm lại đầu phiên sáng nay và vài trăm tỷ đồng thỏa thuận sớm của ROS, GEX khiến không ít nhà đầu tư khấp khởi mừng thầm vì "dòng tiền quay lại".

Thị trường rục rịch ấm lại đầu phiên sáng nay và vài trăm tỷ đồng thỏa thuận sớm của ROS, GEX khiến không ít nhà đầu tư khấp khởi mừng thầm vì "dòng tiền quay lại". Thực chất tiền đã "lặn không sủi tăm".

Giao dịch thỏa thuận khá mạnh đã đẩy tổng giá trị phiên sáng của HSX lên 2.189 tỷ đồng, rất cao. Thế nhưng giá trị khớp lệnh chỉ có 953,5 tỷ đồng, chưa đầy 44%. Nhà đầu tư đã phản ứng rất rõ ràng: Từ chối mua vào khi giá tăng.

Giao dịch thỏa thuận về cơ bản cũng là tiền chung của thị trường, nhưng đây thường là những thương vụ mang tính thời điểm, thực hiện một lần. Vì vậy dù có tạo thanh khoản cao một ngày cũng không có ảnh hưởng nhiều. Đó là chưa kể thỏa thuận không có tác động lên giá giao dịch hàng ngày, mà biến động giá cổ phiếu mới là điều được quan tâm.

Thanh khoản khớp lệnh sáng nay rất nhỏ, hai sàn chỉ đạt 1.090,3 tỷ đồng, giảm 32% so với sáng hôm qua. Như vậy sau khi thanh khoản đột ngột tăng từ các giao dịch bán tháo hôm qua, sức mua đã dừng lại khi giá đảo chiều phục hồi nhẹ.

Thực tế nhịp tăng cũng chỉ diễn ra trong nửa đầu phiên sáng. VN-Index leo qua tham chiếu cao nhất chưa tới 3 điểm, tương đương 0,3%. Độ rộng đến khoảng 10h cũng không hẳn là tốt, mà là chưa có nhiều mã tăng giảm. Đến khi cung cầu bắt đầu thực chất hơn, cổ phiếu dần tụt giá nhiều hơn, kéo theo chỉ số trượt xuống. Chốt phiên sáng VN-Index giảm 0,24% với 121 mã tăng/155 mã giảm.

VN30-Index đầu phiên cũng tăng 0,35% và đến cuối phiên tụt qua tham chiếu, giảm 0,08%. Độ rộng chỉ là 8 mã tăng/17 mã giảm trong khi nửa đầu phiên duy trì được 24 mã tăng/2 mã giảm.

MSN, HPG là hai cổ phiếu mạnh nhất dù khó có thể coi là trụ vì vốn hóa chưa lớn. MSN tăng 1,45%, HPG tăng 2,35%. Ngoài ra lác đác vài mã khác tăng nhẹ: VCB tăng 0,39%, SAB tăng 0,08%, MBB tăng 0,22%. Điểm tích cực duy nhất là MSN, HPG vốn hóa khá lớn trong VN30-Index và giúp chỉ số này giảm chậm hơn VN-Index.

Ảnh hưởng xấu nhất là trụ VHM, sụt giảm 1,7%. VHM sau khi hai phiên cuối tuần trước không vượt được đỉnh cao tháng 8 đã quay đầu giảm liền 4 phiên và đến sáng nay bắt đầu tăng tốc. Quy mô của VHM rất lớn nên VN-Index mất luôn gần 1,5 điểm khi vốn hóa bốc hơi hơn 5.000 tỷ đồng. Cực may cho chỉ số này là VNM chỉ giảm 0,08%, VIC giảm 0,16%, GAS giảm 0,3%. BID giảm 0,78%, HDB giảm 1,77%, MWG giảm 1,13% là các mã trung bình khác biến động khá lớn.

Sàn HNX yếu nhưng cũng không đến nỗi xấu. HNX-Index mới giảm 0,2% và có 49 mã tăng/54 mã giảm. Chỉ số này giảm ít vì các trụ giằng nhau: ACB tăng 0,46%, PVI tăng 1,52% đỡ cho PVS giảm 2,06%, SHB giảm 1,61%. Một mã khá dị là CAG bất ngờ giảm 9,92% dù chỉ giao dịch 200 cổ. HNX30 sụt giảm nhiều hơn với -0,6% vì có 8 mã tăng/12 mã giảm đồng thời ACB ít tác động hơn.

Việc thị trường quay đầu tăng nhẹ sớm không phải là bất ngờ vì hôm qua có dấu vết của dòng tiền bắt đáy. Tuy nhiên diễn biến trượt dốc dần sáng nay thể hiện các biến động tăng không đáng tin cậy. Nguyên nhân chủ yếu vì không có dòng tiền nâng giá lên để đỡ. Kết quả là rất nhiều cổ phiếu nảy tăng rồi lại rơi xuống.

Nhóm blue-chips có rất nhiều mã biến động kiểu này, thậm chí là dao động khá mạnh. Chẳng hạn VIC cao nhất tăng 0,66%, VCB tăng 1,03%, SAB tăng 1,1%, TCB tăng 0,93%... Chỉ cần nhìn vào thanh khoản của nhóm VN30 cũng đủ thấy thị trường quay đầu tăng rất mong manh. Tính cả ROS sáng nay giá trị khớp mới đạt 457,8 tỷ đồng, giảm 35% so với sáng hôm qua. Nếu loại bỏ ROS thì 29 mã còn lại giao dịch chưa tới 400 tỷ đồng, lại là một kỷ lục thấp mới của năm nay.

Khối ngoại quay lại mua ròng do giảm bán. HSX được giải ngân 113 tỷ đồng và bán 92 tỷ đồng. VN30 được mua 74,8 tỷ đồng, bán 48 tỷ đồng. HNX mua 4,6 tỷ, bán 9 tỷ đồng. Bất ngờ là HPG được khối ngoại quay lại mua ròng hơn 1,1 triệu cổ. DXG, NVL, BID cũng được mua ròng khá tốt. Phía bán ra có HDB, STB, HQC, TNA.