20:30 16/11/2016

ACV được định giá 2,4 tỷ USD, lọt “câu lạc bộ tỷ đô” ngay khi lên sàn

Bạch Dương

Cổ phiếu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ chính thức lên sàn UPCoM từ 21/11 tới

ACV lên sàn với giá tham chiếu khoảng 25.000 đồng.<br>
ACV lên sàn với giá tham chiếu khoảng 25.000 đồng.<br>
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa cho biết cổ phiếu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 21/11 tới đây.

Theo đó, ACV sẽ niêm yết 2,177 tỷ cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng, tương ứng vốn điều lệ là 21.771 tỷ đồng. Mã chứng khoán là ACV. Giá tham chiếu ngày đầu lên sàn là 25.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, ACV được định giá khoảng 54.400 tỷ đồng (khoảng 2,4 tỷ USD). Với quy mô vốn hoá lớn, ngay khi lên sàn, ACV đã gia nhập “câu lạc bộ tỷ đô” của các doanh nghiệp niêm yết. Doanh nghiệp này mới chính thức chuyển sang mô hình doanh nghiệp cổ phần từ ngày 1/4/2016.

ACV đã liên tục mở rộng đầu tư trong những năm qua để đáp ứng nhu cầu hạ tầng hàng không ngày một quá tải. Năm nay, ACV sẽ thực hiện đầu tư 19 dự án chính, bao gồm cả các dự án chuyển tiếp từ năm 2015 với tổng vốn đầu tư 5.835 tỷ đồng.

Trong đó, có một số dự án lớn như mở rộng nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất (hơn 1.066 tỷ đồng), mở rộng nhà ga hành khách Phú Quốc (696 tỷ), đường tầng và sân đỗ ôtô Cát Bi (723 tỷ), xây dựng hệ thống đường lăn và mở rộng sân đỗ máy bay (798 tỷ đồng)…

Đặc biệt là dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành, với tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một là 114.450 tỷ đồng.

ACV hiện quản lý tới 22 cảng hàng không, trung chuyển trên toàn quốc, trong đó có 7 cảng quốc tế và 15 cảng quốc nội. Tuy nhiên, theo ACV, mới hai cảng có lãi là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, còn lại các cảng khác trong tình trạng thua lỗ.

ACV cũng vừa có kiến nghị tăng một loạt phí dịch vụ tại sân bay, trong đó tăng giá dịch vụ hạ cất cánh quốc nội bình quân lên là 8,09 triệu đồng/chuyến bay từ mức 2,5 triệu đồng, tăng giá phục vụ khách nội lên 100.000 đồng và điều chỉnh hai năm một lần, để có tiền tái đầu tư hạ tầng ga nội địa đã quá tải.

Ngoài ra, tổng công ty này còn đề xuất thu phí việc kiểm tra, giám sát an ninh đối với phương tiện, hành lý…, vốn là những hoạt động bắt buộc hiện nay.

Năm 2016, ACV đặt kế hoạch phục vụ 73,4 triệu lượt khách, doanh thu 12.095 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.056 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, ACV báo lỗ 124 tỷ đồng do đồng Yên Nhật tăng giá mạnh, khiến doanh nghiệp bị lỗ tỷ giá hơn 1.300 tỷ đồng. Tính đến giữa năm 2016, tổng tài sản ACV vượt 46.000 tỷ đồng.