07:21 23/10/2017

Chủ tịch SSI: “Mọi thứ đang tốt lên rất nhiều”

Duy Cường - Nguyễn Tuyến

“Giống như kiểm tra sức khoẻ, nếu nói nền kinh tế là cực tốt thì chưa, nhưng đã tốt hơn trước rất nhiều”

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI).
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI).
Chất lượng tăng trưởng tăng, lạm phát được kiểm soát, hệ thống tài chính tiền tệ đang từ chỗ nợ xấu cao, giờ được kiểm soát. Năm nay mọi thứ tốt hơn rất nhiều nếu so sánh với các nước trong khu vực. Điều đó phản ánh rằng niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán hiện nay là tốt, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nói với VnEconomy.

“Cực tốt thì chưa, nhưng đã tốt hơn trước rất nhiều”

Ông nhìn nhận như thế nào về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và đó có phải là lý do nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới thị trường Việt?

Theo quan điểm của tôi, nền kinh tế Việt Nam nếu nói về sức khoẻ thì chưa được tốt, nhưng đã tốt hơn nhiều so với những năm trước. Mọi người đừng chỉ nhìn vào chỉ số tăng trưởng vì bên cạnh chỉ số tăng trưởng là chỉ số được đong đếm, mọi người cần nhìn vào chất lượng và cơ cấu tăng trưởng. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế luôn được đặt là một mục tiêu quan trọng bởi vì tăng trưởng kinh tế để đảm bảo không thất nghiệp.

Trước đây, chúng ta luôn lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa quá nhiều vào nền kinh tế bong bóng, tức là giá chứng khoán lên, bất động sản lên - tức là đầu cơ tài sản.

Còn bây giờ, dù là khối FDI hay khối khác thì kinh tế Việt Nam đang dịch chuyển tăng trưởng chủ yếu dựa vào sản xuất, ở đây là sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế tạo. Điển hình về đóng góp tăng trưởng của khối FDI có thể kể tới Samsung hay Formosa.

Rõ ràng sự dịch chuyển đó cho thấy tốc độ tăng trưởng tốt hơn. Chỉ số tăng trưởng GDP quý 3 là rất hấp dẫn, trước đây không ai nghĩ chúng ta có thể đạt được con số ấy.

Chất lượng tăng trưởng tăng, lạm phát được kiểm soát, hệ thống tài chính tiền tệ đang từ chỗ nợ xấu cao, giờ được kiểm soát. Năm nay mọi thứ tốt hơn rất nhiều nếu so sánh với các nước trong khu vực. Điều đó phản ánh rằng niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán hiện nay là tốt. Một là mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài lớn, hai là chỉ số chứng khoán của thị trường Việt Nam tăng rất tốt từ đầu năm đến nay.

Giống như kiểm tra sức khoẻ, nếu nói là cực tốt thì chưa, nhưng đã tốt hơn trước rất nhiều.

Có người bán mới mua được

Có một thực tế là quy mô vôn của nhà đầu tư nước ngoài rất lớn, nếu chỉ là những doanh nghiệp tư nhân đang niêm yết hoặc sắp niêm yết thì quy mô chưa đủ lớn. Một trong những phần hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài là cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước tốt. Vậy ông nhìn nhận tiến trình cổ phần hoá hiện nay như thế nào?

Tôi cho rằng ở bất cứ quốc gia nào, khi ta chấp nhận mở cửa, thì phải chấp nhận cuộc chơi mở cửa. Khi chúng ta đã mở cửa, tham gia tất cả các hiệp định thì nên tuân thủ những gì đã cam kết. Vì mục tiêu của một quốc gia phải đồng nhất, chứ không thể muốn hết mọi thứ được.

Ví dụ, trước khi tham gia WTO thì phải hiểu mình được gì và mất gì, trước khi tham gia APEC thì phải nắm rõ được mất như thế nào và phải chịu trách nhiệm với điều đó.

Đây không phải lúc phân biệt nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài mà là lúc phải tuân thủ cuộc chơi.

Nhà đầu tư nước ngoài rõ ràng có lợi thế hơn bởi họ có tiềm lực kinh tế mạnh hơn, nhưng không có nghĩa nhà đầu tư trong nước không có tiềm lực kinh tế. Người ta vẫn có thể dùng tiền của các tổ chức tài chính để xây dựng công ty Việt.

Không ai tự mua được mà phải có người bán mới mua được. Vì vậy đừng phân biệt mà hãy cạnh tranh sòng phẳng. Đừng nghĩ tới chuyện tạo rào cản để phân biệt, bởi điều đó chỉ tạo điều kiện cho sự không minh bạch. Để cho những người trực tiếp nhắm đến điều mà họ muốn.

Ví dụ như bán công ty A, thì những ông ở bộ B quản lý công ty A này bắt đầu nghĩ ra những việc để bảo vệ công ty, để chọn người mua. Người ta sẽ biết trước là muốn bán cho ai, đưa ra tiêu chí để chỉ có một số người phù hợp. Nhưng như thế thì phần nhà nước có nguy cơ bị mất. Vì càng hạn chế, độ minh bạch càng thấp thì số tiền thu về càng ít.

Vì vậy, hãy xác định rõ mục tiêu và công khai điều đó, ai đảm bảo được những điều đó thì cứ đến.

Bởi vì khi đã bán cho một nhà đầu tư Việt Nam rồi thì cũng không thể quản lý việc họ sẽ bán cho ai. Như vậy, những rào cản đó trở nên vô nghĩa.

Về việc cổ phần hoá, tôi cho rằng mọi thứ đều phải có lộ trình, dần tốt hơn rồi một ngày sẽ trở thành tốt.

Những định hướng Nhà nước, Chính phủ hôm nay đang gợi mở ra thì trước đây 5 năm là điều phải mơ ước. Người ta từng mơ ước được mở room 100%, được bán cả block lớn, bán quá 50%... Tất cả những mơ ước đó nay đã thành sự thực. Mọi thứ đang tốt lên, nếu tốt ngay thì chưa chắc mọi người đã thích nghi được, mà phải tốt dần.

Định hướng nguồn lực qua các chính sách

Theo ông, chuyển biến lớn nhất và có vai trò quan trọng nhất từ định hướng của Chính phủ với điều hành hoạt động đầu tư là gì?

Chỉ cần một định hướng nhà nước không huy động nguồn lực để phân bổ nguồn lực mà định hướng nguồn lực qua các chính sách, để cho các thành phần kinh tế chủ động huy động và phân bổ nguồn lực. Đó là định hướng nền tảng.

Ngày xưa chúng ta nợ xấu nhiều vì đầu tư không hiệu quả, ICOR lớn bởi nhà nước huy động và phân bổ nguồn lực và những người được giao để đầu tư phân bổ nguồn lực ấy không đủ khả năng, hay vì lý do nào đấy không hiệu quả. Những dự án đắp chiếu dẫn tới hệ lụy nợ xấu, kìm hãm phát triển và để lại hậu quả cho thế hệ sau.

Nếu Nhà nước chỉ định hướng nguồn lực rằng cần đầu tư vào ngành này thì sẽ có người huy động nguồn lực và tự làm, tự chịu trách nhiệm với việc huy động nguồn lực. Rõ ràng, khi họ huy động nguồn lực, thì các tổ chức tài chính sẽ chấm điểm, thẩm định tính hiệu quả.

Tất nhiên trong quá trình làm không phải lúc nào cũng hiệu quả nhưng sự ràng buộc của các nhà đầu tư không qua sự bảo lãnh của Chính phủ, sẽ hiệu quả và an toàn hơn rất nhiều cho Chính phủ.
 
Cuối cùng, Nhà nước chỉ cần quản lý thuế. Tư duy đó giải quyết được rất nhiều bài toán. Bởi các chính trị gia có thể giỏi nhiều vấn đề nhưng không chắc giỏi làm kinh tế, khi đó họ không chọn được người phù hợp để phụ trách. Họ có thể chọn một người quản lý một vùng rất giỏi, nhưng không dễ chọn một người có thể làm ăn được bởi bản thân họ không có năng khiếu.

“Thị trường không thể xấu hơn”

Năm nay thị trường chứng khoán phát triển rất tốt dựa trên nền tảng như ông đã nói, 9 - 10 năm mới có một mốc điểm như ngày hôm nay. Kỳ vọng của ông đối với thị trường chứng khoán cuối năm nay và đầu năm tới như thế nào, về thanh khoản, quy mô thị trường, sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài?

Như tôi đã đề cập thì nền kinh tế đang tốt hơn. Những lo sợ trước đây, như bội chi ngân sách, nợ xấu, lạm phát, đang dần giảm đi rất nhiều. Niềm tin đối với nền kinh tế tăng lên rất nhiều.

Trong hệ thống, người ta đang quan tâm nhiều đến tiền ngân sách đầu tư công. Trên thực tế, sau 9 tháng, phần giải ngân đầu tư công rất chậm nhưng tình hình vẫn tốt như thế này rồi. Có nghĩa rằng, chuyện đó cũng không còn quá quan trọng, không còn là chủ lực nữa.

Trước đây, đầu tư công là động lực quan trọng nhất để duy trì tăng trưởng. Rõ ràng, ngươi ta đang lo ngại hai vấn đề, một là không có tiền để làm và làm không hiệu quả. Dù đang chậm lại nhưng không gặp các yếu tố bất lợi thì những phần khác vẫn có thể bù được, vẫn đảm bảo kế hoạch, hỗ trợ của Chính phủ.

Có thể thấy chất lượng tăng trưởng đã tăng hơn rất nhiều, thị trường chứng khoán chỉ là hàn thử biểu của nền kinh tế, chỉ là thước đo niềm tin của các nhà đầu tư với nền kinh tế. Bản thân nó không phải là động lực của nền kinh tế. Nền kinh tế tốt thì thị trường chứng khoán tốt, chứ không phải do thị trường chứng khoán tốt mà nền kinh tế tốt.

Với nhìn nhận như vậy, tôi cho rằng mọi thứ không thể xấu hơn, tất nhiên vẫn có rủi ro nhất định, chất lượng của tất cả cổ phiếu trên sàn không phải đều tốt và giá không phản ánh đúng bản chất của công ty. Vẫn còn những thông tin đâu đó ở bên ngoài ảnh hưởng đến thị trường. Nhưng về cơ bản thì điều đó ở thị trường nào cũng có và đều phải trải qua những điều như thế.

Đặc biệt là với những thị trường sơ khai như Việt Nam thì điều đó sẽ nhiều hơn so với những thị trường khác.

Theo tôi, thị trường cuối năm không thể xấu hơn hiện tại.

Trong năm qua, số vốn SSI huy động từ nhà đầu tư nước ngoài như thế nào?

SSI đã huy động được thêm hơn 100 triệu USD. Trước đây, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa với WTO, thì nhiều quỹ huy động được đến cả tỷ USD. Nhưng thời đó đã qua rồi. Còn bây giờ, nếu có một thương vụ lớn thì nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có thể bỏ tiền vào.

Việc huy động vốn bây giờ khác ngày xưa, khi đó người ta ủy thác cho một quỹ nào đó đầu tư, còn bây giờ người ta chọn lọc đầu tư hơn và có thương vụ thì mới đưa tiền. Phong trào đầu tư đổ vào Việt Nam ngày xưa nóng hơn vì khi đó thị trường còn sơ khai, huy động tiền rất dễ.

SSI có một hệ thống thăm dò độ quan tâm của các tổ chức, nhà đầu tư quốc tế cũng như trong nước với thị trường Việt Nam. Do đó, SSI chỉ tổ chức sự kiện kết nối vốn “Gateway to Vietnam” khi nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Khi họ quan tâm rồi thì việc đưa họ về Việt Nam mới dễ.

Những chuyến tôi ra nước ngoài, nói chuyện, chúng tôi đo được mức độ quan tâm tới thị trường Việt Nam. Và dưới mắt nhìn của nhà đầu tư nước ngoài thì thị trường Việt Nam có tiềm năng.

“10 năm nữa chúng ta sẽ có thị trường phái sinh hoàn chỉnh

Theo ông, năm 2018 thị trường có tốt hơn năm 2017 không, và có những lo ngại gì không?

Nền kinh tế 2018 là ổn, nếu cứ bình tĩnh với các chỉ tiêu, không vội vàng. Còn về thị trường chứng khoán năm 2018, tôi sợ rằng sẽ có một vài tập đoàn tư nhân gặp khó khăn về dòng tiền, gây ảnh hưởng tới thị trường.

Còn về thị trường chứng khoán phái sinh thì sao thưa ông?

Thị trường chứng khoán phái sinh đang làm tốt hơn rất nhiều so với những nhận định ban đầu. Rõ ràng, đây là thị trường đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư lướt sóng. Khi họ lướt sóng, họ không bị cuốn theo những cái khác nữa, không quan tâm tới giá trị công ty và những sản phẩm này giúp họ an toàn hơn.

Nếu như 17 năm trước chúng ta bắt đầu thị trường cổ phiếu với giao dịch lèo tèo, so với đó thì thị trường phái sinh có quy mô lớn hơn nhiều. Với tốc độ phát triển như thế thì 10 năm nữa ta sẽ có thị trường phái sinh hoàn chỉnh.

Dung lượng thị trường hiện đã đủ để các nhà đầu tư tổ chức phòng vệ ở thị trường phái sinh chưa thưa ông?

Tôi nghĩ rằng không có loại phòng vệ nào có thể phòng vệ được với thị trường chứng khoán, nếu vậy thì sẽ không bao giờ xảy ra các cuộc khoảng. Phòng vệ ở đây chỉ là một phần.

Với những cởi mở như hiện nay thì việc kiểm soát sẽ tốt. Ủy ban Chứng khoán cũng không “cởi” hết, mà ở mức độ vừa phải, cởi dần thôi. Ở góc độ công ty chứng khoán, tôi cũng cho rằng “cởi” từ từ sẽ hợp lý hơn.