09:24 27/09/2013

Chuẩn bị đón dòng tiền mới từ quỹ hưu trí

Khánh Hà

Việc thí điểm hình thức quỹ hưu trí bổ sung có thể thực hiện ngay từ 1/1/2014

Hình thức quỹ hưu trí bổ sung sẽ chính thức được triển khai từ đầu năm 2014 - Ảnh: Duy Thái.
Hình thức quỹ hưu trí bổ sung sẽ chính thức được triển khai từ đầu năm 2014 - Ảnh: Duy Thái.
Theo những thông tin vừa công bố, việc thí điểm hình thức quỹ hưu trí bổ sung có thể thực hiện ngay từ 1/1/2014. Đại diện Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) cho biết mọi dịch vụ, hỗ trợ và hạ tầng đã sẵn sàng. Đã có khoảng 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia ngay trong thời gian tới.

Quỹ hưu trí bổ sung, cứu cánh cho hệ thống hưu trí hiện tại

Sáng 26/9, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với công ty VFM tổ chức hội thảo lấy ý kiến và giới thiệu đề án thực hiện thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam.

Các báo cáo gần đây đã chỉ ra những áp lực rất lớn đang đè nặng lên quỹ bảo hiểm xã hội trong nước. Theo ông Phạm Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội), vì chế độ lương hưu thấp cùng với sự bảo hộ của nhà nước nên lương hưu hiện tại gắn rất chặt với ngân sách và quỹ bảo hiểm xã hội. Mỗi khi lương tối thiểu tăng thì lương hưu cũng phải tăng tương ứng, tạo áp lực lên ngân sách. Chính áp lực này khiến quá trình cải cách tiền lương gặp rất nhiều khó khăn.

“Nguồn kinh phí từ ngân sách chi cho việc điều chỉnh lương hưu hàng năm là rất lớn, trên 3.000 tỷ đồng/năm và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến cân đối ngân sách và quỹ bảo hiểm trong tương lai”, ông Giang cho biết.

Hệ thống bảo hiểm xã hội, hưu trí hiện tại được xây dựng từ năm 1996. Tại thời điểm đó, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội, cứ 217 người đóng góp bảo hiểm xã hội cho 1 người hưởng. Con số này giảm dần rất nhanh qua các năm và đến 2010 chỉ còn 10,69 người đóng góp bảo hiểm xã hội cho 1 người hưởng. 

Với tốc độ tăng dân số cũng như thay đổi cơ cấu độ tuổi, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí sẽ chỉ giữ được đến khoảng năm 2019 và sau đó bắt đầu rơi vào tình trạng chi nhiều hơn thu và đến năm 2033, mức độ tồn quỹ sẽ khó giữ được. 

“Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng với lực lượng trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số. Tuy nhiên cơ cấu dân số vàng sẽ chỉ duy trì được trong hơn 30 năm nữa và nối tiếp là thời kỳ dân số già và quá trình lão hóa dân số diễn ra rất nhanh. Đảm bảo thu nhập khi nghỉ hưu của lực lượng lao động hiện tại là vô cùng cần thiết”, ông Giang nói.

Hệ thống bảo hiểm hưu trí hoàn chỉnh bao gồm 3 tầng. Tầng thấp nhất là hưu trí cơ bản được tập trung quản lý bởi nhà nước, chỉ đủ đảm bảo một mức thu nhập tối thiểu cho người lao động sau khi nghỉ hưu. Việt Nam hiện mới có ở mức này. Tầng 2 là các hình thức hưu trí bổ sung theo dạng hợp tác công - tư. Theo đó nhà nước xây dựng cơ chế, khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ. Tầng cao nhất là các hình thức quỹ hưu trí tự nguyện hoàn toàn do tư nhân quản lý và mang tính chất kinh doanh dành cho cá nhân có nhu cầu tiết kiệm ở mức cao hơn.

Theo thống kê, hiện có trên 80 nước, ngoài tầng thứ nhất (hưu trí cơ bản) đã triển khai tầng thứ hai. Trong khối APEC chỉ còn duy nhất Việt Nam chưa triển khai loại hình này. Kinh nghiệp trên thế giới cho thấy hệ thống hưu trí đa tầng giải quyết được những rủi ro khác nhau liên quan đến vấn đề già hóa dân số tốt hơn hệ thống hưu trí đơn tầng.

Hiện tại Việt Nam mới chỉ có hệ thống hưu trí cơ bản nên 100% thu nhập của người nghỉ hưu đến từ lương hưu trí cơ bản. Tỉ lệ này thay đổi theo hướng giảm dần khi thực hiện hệ thống hưu trí đa tầng. Chẳng hạn tại Thái Lan, lương hưu trí cơ bản chỉ chiếm 60%, lương hưu trí bổ sung chiếm 20% nguồn thu nhập hưu trí. Tại Pháp, lương hưng trí cơ bản chỉ chiếm 20-25%, tại Mỹ lương hưu trí cơ bản chiếm 58%...

Mảnh đất màu mỡ

Các công ty quản lý quỹ đặc biệt quan tâm tới loại hình quỹ hưu trí bổ sung. Đại diện VFM cho biết, ngay từ năm 2008, công ty đã giới thiệu loại hình quỹ này tới công chúng nhưng không thể triển khai được do chưa có cơ sở pháp lý.

Mô hình quỹ hưu trí bổ sung được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ và theo thông lệ, một phần lớn tài sản của quỹ được đầu tư vào trái phiếu chính phủ nhằm đảm bảo an toàn, phần còn lại được đầu tư vào các tài sản khác để gia tăng lợi nhuận. Công ty quản lý quỹ hưu trí sẽ được hưởng phí dịch vụ. Mặt khác, quỹ hưu trí bổ sung không được phép tự đầu tư mà phải thông qua các quỹ đầu tư khác.

Đối với các công ty quản lý quỹ, đương nhiên khi thu hút và thành lập được các quỹ hưu trí bổ sung với quy mô càng lớn thì càng có lợi. Những khảo sát mới đây đã cho thấy tiềm nặng huy động quỹ dạng này ở thị trường Việt Nam là rất lớn. Thậm chí mặc dù chưa có khung pháp lý, đã có các tập đoàn quốc tế tại Việt Nam như Unilever, Nestle, Dutch Laydy đã hình thành các quỹ hưu trí bổ sung cho hàng ngàn lao động từ năm 2006 theo chuẩn quốc tế của tập đoàn mẹ.

Theo điều tra năm 2010 của Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội với gần 700 doanh nghiệp tại Hà Nội và Tp.HCM, có đến 70% doanh nghiệp mong muốn và sẵn sàng tham gia cho người lao động vào quỹ hưu trí bổ sung.

Công bố ngay tại buổi hội thảo, đại diện Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội cho biết Bộ đã nhận được 20 đơn từ doanh nghiệp xin tham gia đợt thí điểm đầu tiên. Trong số các doanh nghiệp này có cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài và tập đoàn tư nhân. 

Nguồn vốn cho các quỹ hưu trí được hình thành từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động theo một tỷ lệ thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Quy định pháp lý tới đây có thể sẽ xác định tỷ lệ tối đa, tối thiểu. Nguồn vốn này sẽ được giao cho các công ty quản lý quỹ quản lý theo hợp đồng ủy thác đầu tư. Thông qua các quỹ đầu tư, nguồn vốn được đầu tư vào các tài sản theo các quy định do nhà nước ban hành nhằm đảm bảo an toàn cũng như tận dụng các cơ hội làm gia tăng lợi nhuận.

Theo thông lệ, phần lớn nguồn vốn của quỹ hưu trí bổ sung sẽ được đầu tư vào trái phiếu chính phủ dài hạn. Tỷ lệ có thể thay đổi tùy theo quốc gia, chẳng hạn ở Mỹ và Australia là 52%, ở Anh là 43%, Trung Quốc là 70%... Việt Nam dự kiến quy định tỷ lệ tối thiểu đầu tư vào trái phiếu là 80% với kỳ hạn dài từ 10-15 năm. Quy định này nhằm giảm bớt rủi ro cho quỹ vì trên lý thuyết trái phiếu chính phủ có mức rủi ro bằng 0. Phần vốn còn lại có thể được đầu tư vào các loại tài sản khác có mức rủi ro cao hơn nhằm gia tăng lợi nhuận cho quỹ.

Điểm khác biệt trong hoạt động đầu tư của quỹ hưu trí bổ sung, là toàn bộ lợi nhuận đều được dành cho người lao động. Lợi ích của các tổ chức cung cấp dịch vụ nằm trong các loại phí, như phí quản lý quỹ, phí lưu ký giám sát, phí quản trị quỹ…