08:00 23/07/2017

Chứng khoán 2017: Lên đỉnh 9 năm nhưng “cần thận trọng”

Kiều Linh

Thị trường chứng khoán lập đỉnh 9 năm nhờ những yếu tố tích cực từ chính sách vĩ mô, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng

Nhiều công ty chứng khoán, tổ chức và giới đầu tư đều kỳ vọng VN-Index sẽ vượt mốc 800 điểm trong năm nay.
Nhiều công ty chứng khoán, tổ chức và giới đầu tư đều kỳ vọng VN-Index sẽ vượt mốc 800 điểm trong năm nay.
Tại hội thảo với chủ đề “VN-Index lên cao nhất 9 năm - Chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới” diễn ra chiều 22/7, nhiều chuyên gia đã đưa ra dự báo khác nhau về triển vọng thị trường chứng khoán cuối năm 2017.

Chứng khoán “thăng hoa”

Ông Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM cho hay, thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm 2017 đạt nhiều kết quả tích cực. Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều có sự tăng trưởng vượt bậc. Đến đầu tháng 7, chỉ số VN-Index đã đạt mức đỉnh trong 9 năm trở lại đây, tăng khoảng 17% so với đầu năm 2017 và HNX-Index tăng hơn 23%.

Mức vốn hóa thị trường đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 25,7% so với cuối năm 2016, tương đương 56,4% GDP.

Ghi nhận những khởi sắc của thị trường chứng khoán, TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, chỉ ra nhiều động lực thúc đẩy thị trường như nền tảng chính sách vĩ mô rõ ràng, Việt Nam hội nhập sâu rộng, nhiều cam kết và hành động để thúc đẩy đầu tư. Chính phủ mới có nhiều nỗ lực trong việc khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, chứng khoán tăng nhanh một phần là tác động từ việc nhà đầu tư liên tục mua ròng. Khối ngoại mua thì có nhiều lý do, vì M&A hay nhiều lý do khác nữa. Thứ hai là do chúng ta thực hiện nhiều biện pháp tích cực như nới room, bãi bỏ toàn bộ trần quy định cứng nhắc cho các nhà đầu tư ngoại, từ đó tạo ra động lực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhận định, thị trường chứng khoán đang có sự khởi sắc với quy mô vốn hoá đạt hơn 50% GDP, tương đương khoảng hơn 100 tỷ USD. Các chỉ số tăng trưởng vĩ mô đều khởi sắc. “Đây là những con số tăng trưởng tuyệt vời”, ông Hiếu nói và cho biết thêm, khả năng GDP từ nay đến cuối năm 2017 sẽ tăng trưởng lạc quan hơn nữa.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, cần phải làm rõ đâu là các yếu tố giúp thị trường khởi sắc. Thị trường chứng khoán mấy ngày hôm nay giảm điểm, cho thấy thị trường vẫn chưa ổn định, nếu khối ngoại rút ra thì thị trường sẽ có biến động mạnh.

“Nhìn thấy sự tiến triển của nền kinh tế, chúng ta có quyền lạc quan nhưng cũng nên cẩn trọng với thị trường chứng khoán. Thực chất nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng chậm, chưa ổn định”, ông Hiếu nói.

Đồng tình với quan điểm không nên quá lạc quan trước diễn biến của thị trường, ông Nguyễn Minh Phong nhận định: “Thị trường chứng khoán tăng lên mức đỉnh hơn 9 năm, nhưng nền kinh tế lại đang tăng trưởng thấp, có vẻ rất ngược so với quy luật phát triển chung của kinh tế. Chúng ta cần tỉnh táo nhìn nhận để xem liệu thị trường có tăng ảo?”.

VN-Index được dự báo có thể vượt 800 điểm

Nhận định thị trường chứng khoán những tháng cuối năm, ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại LMC, cho hay, Bloomberg nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam là 1 trong 5 thị trường sinh lời nhiều nhất. Sự tích cực mà chúng ta có thể mong chờ chính là sự hăm hở của nhà đầu tư nước ngoài. Sáu tháng đầu năm họ đã rót vào thị trường Việt Nam hơn 9.000 tỷ đồng.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá khá tốt khi chúng ta đang cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Với các nhà đầu tư nước ngoài đầy kinh nghiệm, đây là một trong những thị trường béo bở còn lại”, ông Chánh nói.

Hiện nay, thị trường star-tup Việt có sức hút rất lớn. Trên thị trường niêm yết cũng vậy. Các nhà đầu tư nước ngoài họ đang rất kỳ vọng vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh sắp ra mắt, được kỳ vọng sẽ tăng thanh khoản, tăng hấp dẫn cho thị trường chứng khoán. Sang năm thị trường chứng khoán có thể có điều chỉnh, nhưng tôi tin rằng sự tích cực vẫn giữ được, ông Chánh dự báo.

Trong khi đó, ông Trần Văn Mẫn, Giám đốc Đầu tư - Quản lý quỹ mở VEOF, VinaCapital, cho rằng xét về quy mô thì phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ. Còn rất nhiều nhà đầu tư lớn muốn rót vào, tuy nhiên vốn hoá các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Ví dụ, họ muốn đầu tư 500 triệu USD, 1 tỷ USD vào thị trường Việt Nam nhưng rất khó khăn. Vì thế, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ cần thúc ép các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hoá.

Để đảm bảo an toàn cho thị trường cuối năm, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, Nhà nước nên quản lý chặt nợ vay dưới chuẩn, nâng trách nhiệm của các ngân hàng có vấn đề.

“Điều cần lưu ý là Nghị quyết xử lý nợ xấu chỉ có tác dụng đối với các khoản nợ xấu đến ngày 15/8, nên phải chọn cổ phiếu những ngân hàng nào có nhiều bất động sản có giải chấp trước 15/8. Và nên lựa chọn đúng với các ngành nghề có triển vọng”, ông Phong đưa ra lời khuyên.

Cũng tại hội thảo, đa số các chuyên gia, đại diện các công ty chứng khoán, tổ chức và giới đầu tư đều kỳ vọng VN-Index sẽ bùng nổ, sớm vượt mốc 800 điểm trong năm nay.

“Có 4 cơ sở để nhận định điều này. Thứ nhất, dựa vào bối cảnh kinh tế thế giới. Thứ hai, kinh tế Việt Nam cũng đang kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm, trong đó xử lý nợ xấu được thúc đẩy. Mặt bằng lãi suất ổn định, tín dụng tăng ở mức 18% là khả thi.

Thứ ba, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ được mở. Cuối cùng là những kỳ vọng từ 730 doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hoá nhưng chưa lên sàn, Chính phủ đã yêu cầu phải lên sàn trong những tháng cuối năm, đó là những mặt hàng rất tốt”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.