15:32 19/08/2015

Chứng khoán châu Á rớt thấp nhất hai năm

Diệp Vũ

“Giới đầu tư đang quan tâm hai điều. Một là kinh tế Trung Quốc và hai là thời điểm Mỹ tăng lãi suất"

Phiên hôm nay, đà suy giảm lan từ thị trường Trung Quốc sang hầu khắp các thị trường chủ chốt của khu vực - Ảnh: Reuters.<br>
Phiên hôm nay, đà suy giảm lan từ thị trường Trung Quốc sang hầu khắp các thị trường chủ chốt của khu vực - Ảnh: Reuters.<br>
Thị trường chứng khoán châu Á phiên hôm nay (19/8) đã giảm xuống mức thấp nhất hai năm do thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục đà lao dốc của phiên hôm qua. Giới đầu tư toàn châu lục đang tỏ ra đặc biệt lo ngại về sự bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc.

Theo tin từ Reuters, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải mất 2,8% điểm số trong phiên này, sau khi giảm hơn 6% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Các nhà đầu tư cổ phiếu trên các sàn chứng khoán ở Trung Quốc đại lục đang lo khả năng Chính phủ nước này sắp rút dần các biện pháp hỗ trợ thị trường trong khi nền kinh tế tiếp tục phát đi những số liệu thống kê kém khả quan.

“Niềm tin của thị trường chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất từ những tín hiệu cho thấy Chính phủ sắp giảm bớt các biện pháp hỗ trợ”, ông Zhou Lin, nhà phân tích thuộc công ty chứng khoán Huatai Securities, nhận xét.

Trong đợt sụt giảm “kinh hoàng” của thị trường chứng khoán hồi tháng trước, Bắc Kinh đã tung ra những biện pháp hỗ trợ chưa từng có tiền lệ, bao gồm chỉ đạo một loạt đơn vị mua vào cổ phiếu. Tuần trước, Ủy ban Chứng khoán nước này nói thị trường đã trở về trạng thái ổn định và chính phủ sẽ cho phép các lực lượng thị trường đóng một vai trò lớn hơn đối với giá cổ phiếu.

Phiên hôm nay, đà suy giảm lan từ thị trường Trung Quốc sang hầu khắp các thị trường chủ chốt của khu vực. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật mất 1,5%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,3%.

“Giới đầu tư đang quan tâm hai điều. Một là kinh tế Trung Quốc và hai là thời điểm Mỹ tăng lãi suất. Hai vấn đề này ngự trị tâm trí của họ vào thời điểm hiện nay”, ông Masaru Hamasaki, trưởng bộ phận thông tin thị trường và đầu tư của công ty Amundi Japan, nhận xét.

Chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản mất 0,3% trong phiên này, xuống mức thấp nhất trong 2 năm.

Sau khi bị phá giá vào tuần trước, đồng Nhân dân tệ mấy ngày qua đã ổn định hơn nhờ nỗ lực hỗ trợ của Bắc Kinh. Tuy vậy, đồng tiền này hôm nay bắt đầu chịu sức ép giảm từ sự xuống dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Tỷ giá giao ngay đồng Nhân dân tệ cuối phiên hôm nay là 6,3993 Nhân dân tệ/USD, thấp hơn so với mức đóng cửa 6,3938 Nhân dân tệ/USD vào ngày hôm qua.

“Chúng tôi cho rằng sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng cường tâm lý bi quan về tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Điều này sẽ thúc đẩy sự rút lui của các dòng vốn và đòi hỏi phải có thêm hoạt động can thiệp trên thị trường mở” các chiến lược gia của ngân hàng ING nhận xét.

Triển vọng kinh tế sa sút của Trung Quốc và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất là những nhân tố ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất đến giá tài sản ở các thị trường mới nổi trong thời gian qua.

Chỉ số MSCI các thị trường mới nổi phiên hôm nay đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011. Chỉ số này đã giảm hơn 20% kể từ mức đỉnh của năm thiết lập hồi tháng 4.

Mối lo nhu cầu giảm sút ở Trung Quốc cũng đẩy giá hàng hóa cơ bản lao dốc phiên hôm nay, trong đó giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm. Đồng Peso của Chile, quốc gia xuất khẩu đồng hàng đầu thế giới, sụt xuống mức thấp nhất trong 12 năm.

Đồng tiền của nhiều nền kinh tế mới nổi đang chịu sức ép mất giá mạnh, không chỉ do Trung Quốc phá giá đồng tiền, mà còn do các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn để chuyển sang USD, đón đầu việc FED nâng lãi suất.

Thị trường nhà đất của Mỹ đang phục hồi mạnh, với số nhà mới khởi công trong tháng 7 lên cao nhất trong 8 năm. Thống kê này làm gia tăng khả năng FED nâng lãi suất lần đầu tiên sau gần 1 thập kỷ vào tháng 9 tới, nếu thị trường việc làm của Mỹ tiếp tục hồi phục.