16:33 18/03/2015

Chứng khoán chiều 18/3: Quá “thảm” cho PVD

Lan Ngọc

Trong nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HSX, PVD nổi lên như một thất bại lớn

VN-Index lại giảm mạnh khi mất đi lực đỡ từ các blue-chips.
VN-Index lại giảm mạnh khi mất đi lực đỡ từ các blue-chips.
Kịch bản thanh khoản yếu ớt chiều nay đã lặp lại, chỉ khác với chiều hôm qua ở chỗ đà giảm giá áp đảo toàn bộ. Các chỉ số giá đồng loạt rơi sâu hơn và VN-Index đóng cửa dưới 580 điểm.

Trong nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HSX, PVD nổi lên như một thất bại lớn. Mặc dù chiều nay giá không rơi sâu hơn so với phiên sáng, vẫn đứng được 50.500 đồng, nhưng mọi nỗ lực kéo giá lên đều vô ích và giá đóng cửa giảm 3,81%.

Đây là mức giảm sâu nhất ở các blue-chips và cũng là phiên mất điểm mạnh nhất kể từ đầu năm 2015 của cổ phiếu này. So với nhóm dầu khí chủ chốt, PVD trong 10 phiên gần đây đã bốc hơi 14,4% giá trị, mạnh hơn nhiều GAS, PGS, PVC, PVS… Thậm chí trong cả chuỗi ngày giảm này, các cổ phiếu dầu khí khác còn có 1-2 phiên đảo chiều, riêng PVD là chuỗi ngày rơi chưa thấy đáy.

Với mức giá 50.500 đồng, bất kỳ nhà đầu tư nào mua và nắm giữ từ đầu năm 2014 đến nay với PVD đều lỗ. PVD đang bị “dớp đen” với hàng loạt tin xấu: Hụt mua 2 triệu cổ phiếu quỹ, lợi nhuận 2015 dự kiến giảm 10% so với 2014. Trước đó, công ty chứng khoán Bản Việt cũng dự tính lợi nhuận 2015 giảm 11% trên cơ sở giá thuê ngày dàn khoan giảm 10% và các dịch vụ khoan dầu khí giảm 30%.

Bất lợi trực tiếp nữa là nhà đầu tư nước ngoài đang thoái vốn ở PVD. Khối ngoại xả ròng liên tục từ vùng giá quanh 58.000 đồng và đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Nếu chiếu theo quy mô danh mục của quỹ V.N.M thì đợt tái cân bằng này, PVD trong diện được mua vào. Hàng ngày vẫn có một lượng cổ phiếu được mua nhỏ nhưng lực bán ra thì quá lớn.

Hôm nay PVD bị xả 853.960 cổ phiếu, chiếm trên 53% thanh khoản, giá trị tương ứng là hơn 43,2 tỷ đồng. Giá trị bán ròng khoảng 42,8 tỷ. PVD liên tục nằm trong danh sách Top 5 cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài hai tuần nay.

PVD chỉ là một cá biệt trong hàng chục cổ phiếu blue-chips rơi giá thảm chiều nay. Riêng rổ VN30 có 12 cổ phiếu giảm trên 1% trong tổng số 21 mã giảm giá. Số tăng chỉ có 3 mã là GMD, VCB và VSH. Không có gì bất ngờ khi VN30-Index bốc hơi 0,66% trong khi phiên sáng mới giảm 0,22%.

VN-Index còn bị tác động từ 3 cổ phiếu “hạng nặng” khác: GAS giảm 1,3%, CTG giảm 2,67%, BID giảm 1,64%. Chỉ số này chấp nhận đóng cửa dưới tham chiếu 0,53%, chỉ còn 578,68 điểm.

Thị trường chiều nay tiếp tục suy yếu so với phiên sáng. Riêng rổ VN30 đã có 18 cổ phiếu giảm giá so với buổi sáng và độ rộng toàn sàn HSX cũng kém hơn: 117 mã giảm/89 mã tăng. Các mã tăng phần lớn là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ: LGC, DCT, SAM, VNE, QBS..

Sàn HNX cũng giao dịch khá tệ với chỉ số chỉnh giảm 0,36% và HNX30-Index giảm 0,44%. HNX30 cũng có 13 cổ phiếu giảm từ 1% trở lên, sức nặng tập trung vào PVS, VND, SHB, PVC, PLC, PVB.

Thanh khoản hai sàn phiên chiều tăng nhẹ hơn 4% so với hôm qua, đạt 902,3 tỷ đồng. Quy mô giao dịch ở HSX tập trung chủ yếu vào FLC, PVD, KDC, CTG thì đều là các mã rớt giá mạnh.

Nhà đầu tư nước ngoài có một phiên mua bán “nhẹ nhàng” ở cả hai sàn. Tính riêng các giao dịch khớp lệnh thì khối này đã mua ròng khoảng 3,5 tỷ đồng. HSX bị bán ròng 2,7 tỷ, một con số rất nhỏ. Tuy vậy thỏa thuận ở sàn này lại +16 tỷ đồng.

Phía mua, KDC, VIC, VNE, BID nổi lên là những cổ phiếu được mua lớn nhất. Đặc biệt KDC đã được giải ngân tổng cộng 55,9 tỷ đồng và mức ròng 46,9 tỷ. VIC khoảng 23,5 tỷ đồng ròng. Ngược lại, PVD bị bán ròng 42,8 tỷ, HPG: 36,4 tỷ; HAG: 5,7 tỷ; SSI: 4,1 tỷ…