16:10 19/10/2015

Chứng khoán chiều 19/10: Đột biến VNM

Lan Ngọc

Thị trường lại trải qua một đợt xả hàng ép xuống trong gần 3/4 thời gian của phiên chiều. VNM dù đột biến cũng không thể cứu vãn được

VN-Index suy yếu dần về cuối phiên bất chấp VNM rất mạnh mẽ. ảnh TVSI
VN-Index suy yếu dần về cuối phiên bất chấp VNM rất mạnh mẽ. ảnh TVSI
Thị trường lại trải qua một đợt xả hàng ép xuống trong gần 3/4 thời gian của phiên chiều. VNM dù đột biến cũng không thể cứu vãn được tình thế.

Khá bất ngờ là rổ VN30 có số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 4 lần số tăng so với phiên sáng, nhưng chỉ số vẫn không thấp hơn. Đó là nhờ VNM đột biến tăng và phần nào là VIC và FPT cải thiện một chút.

VNM trở thành tâm điểm của thị trường chiều nay, khi nhận được lượng vốn vượt trội đổ vào mua. Thêm gần 1,06 triệu VNM được giao dịch với mức vốn xấp xỉ 116,2 tỷ đồng, gấp 4,5 lần mức giao dịch trong phiên sáng. Sức cầu rất khỏe này đã đẩy VNM từ 107.000 đồng cuối phiên sáng lên 111.000 đồng lúc đóng cửa, tương đương tăng thêm 4 bước giá.

4 bước giá ở VNM là 4.000 đồng hay 3,78% giá tăng. Cổ phiếu này vượt qua cả đỉnh cao ngày 11/8 và lập đỉnh mới trong nhiều năm. Tổng giá trị giao dịch của VNM trong cả phiên lên tới 141,78 tỷ đồng, chiếm 15,7% giá trị rổ VN30 và khoảng 8% giá trị sàn HSX.

4 cổ phiếu còn lại trong rổ VN30 có biến động giá tăng so với phiên sáng là FPT, tăng thêm 4 bước giá, trên tham chiếu lúc đóng cửa là 0,86%; GMD tăng thêm 1 bước giá, đóng cửa tăng 0,26%; HHS tăng thêm 2 bước giá, đóng cửa tăng 0,58%; VIC tăng thêm 1 bước giá, đóng cửa giảm 0,23%.

VN30 có độ rộng thay đổi ngược với phiên sáng, chỉ còn 8 mã tăng/15 mã giảm. Chỉ số đóng cửa tăng 0,27%, tức là vẫn đi thêm được 0,7% nữa chiều nay. Với cơ cấu cổ phiếu tăng giá nói trên, gần như toàn bộ sức kéo phụ thuộc vào một mình VNM.

Với độ rộng rất hẹp, nếu không có VNM, sàn HSX có thể đóng cửa còn tệ hơn phiên sáng. Tuy nhiên cả VN30 lẫn VN-Index đều tăng nhẹ so với tham chiếu. Điều đó không thay đổi được thực tế là các blue-chips sụt giá đáng kể. Những mã lao dốc đáng chú ý nhất là BVH giảm 4,39%, VCB giảm 1,5%, GAS giảm 0,42%, HAG giảm 0,68%, SSI giảm 0,41%, HCM giảm 1,6%, MBB giảm 0,68%...

Rổ HNX30 cũng yếu đi đáng kể với độ rộng thu hẹp: 8 mã tăng/15 mã giảm và chỉ số giảm 0,07%. Sàn này vẫn còn may mắn là SHB và PVS, hai cổ phiếu quan trọng nhất đã không giảm. Tuy thế hàng loạt cổ phiếu chứng khoán và bất động sản như VCG, HUT giảm sâu. Dầu khí cũng có PVC, PVG giảm.

Thanh khoản phiên chiều khá tốt, giao dịch 1.162,4 tỷ đồng nhờ VNM giao dịch lớn. Mặc dù vậy mức giao dịch này vẫn là giảm 12% so với chiều phiên thứ Sáu tuần trước và cả phiên giá trị khớp lệnh giảm gần 19%.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có một phiên bán ròng nữa trên thị trường, dù quy mô mua và bán đều giảm. Tổng giá trị mua khớp lệnh hai sàn là 104,6 tỷ đồng, thấp nhất trong 11 phiên. Tổng giá trị bán là 118,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận cân bằng nội khối.

Áp lực bán chính của khối ngoại vẫn là các cổ phiếu blue-chips trong rổ VN30. 6 cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất đều thuộc rổ này: HSG (-15,3 tỷ), VCB (-9,5 tỷ), HHS (-6,2 tỷ), CII (-6 tỷ) và BVH (-7,8 tỷ). Rổ VN30 bị bán ròng gần 38,5 tỷ đồng.

Phía mua, HPG dẫn đầu với 11,3 tỷ đồng. CTD và CTG là hai mã duy nhất được mua ròng trên 5 tỷ. Những cổ phiếu còn lại chỉ được mua ròng không đáng kể.