Chứng khoán chiều 20/11: Khối ngoại vẫn chưa “tha” MSN
Lượng bán ra của nhà đầu tư nước ngoài tại MSN chiếm tới 86,1% thanh khoản trong ngày
Bất chấp bối cảnh giao dịch khá tưng bừng ở nhiều cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thêm một ngày bán ròng nữa tính theo giá trị, do sức nặng của MSN.
Hôm nay khối ngoại đã tăng mua khá mạnh trên thị trường khớp lệnh. Nhiều cổ phiếu nhận được sức cầu tốt từ khối này và giá được cải thiện. Tuy nhiên vẫn xuất hiện hoạt động rút vốn quy mô lớn ở MSN và HSG.
MSN bị bán ra thêm gần 73,8 tỷ đồng giá trị với 1,02 triệu cổ phiếu. Mức mua vào quá ít khiến hôm nay trở thành ngày rút vốn kinh hoàng nhất kể từ phiên ngày 18/9 vừa qua. Đã có hơn 68,5 tỷ đồng với 945.210 cổ phiếu bị bán ròng.
Lượng bán ra của nhà đầu tư nước ngoài tại MSN chiếm tới 86,1% thanh khoản trong ngày. Lúc đóng cửa, MSN giao dịch 1,01 triệu cổ phiếu, giá giảm 0,68% còn 72.500 đồng. Nếu tính theo giá đóng cửa thì đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2011.
Hàng trăm tỷ đồng đã bị rút khỏi MSN trong 10 phiên bán ròng liên tục vừa qua. Hôm 18/9 là phiên báo hiệu đợt xả lớn của khối ngoại, với gần 1,2 triệu cổ phiếu bị bán ròng, tương đương 87,9 tỷ đồng. Suốt từ đó đến nay, khối ngoại bán ra MSN lúc mạnh lúc yếu, có phiên mua lại lẻ tẻ, nhưng xu hướng là rút vốn càng lúc càng dày.
MSN được đỡ giá trong phiên giao dịch rất tốt và điều này được lặp lại suốt từ giữa tháng 9. Tuy nhiên hôm nay do lượng bán dồn quá lớn (hơn 1 triệu cổ phiếu) vào đợt đóng cửa, nên cầu không đỡ nổi, khiến giá giảm. Khoảng 7 phiên trước, MSN cũng bị bán nhưng sức ép cuối phiên chỉ vài trăm ngàn cổ và giá được kéo giật lên tham chiếu. Hôm nay tình thế đã khác. MSN vẫn còn dư bán dưới tham chiếu 127.200 cổ phiếu nữa, chưa kể gần 739.000 cổ bán tham chiếu.
HSG bị bán ra nhẹ hơn, khoảng 23,5 tỷ đồng với 532.850 cổ phiếu, chiếm trên 59% thanh khoản trong ngày. Khối ngoại cũng mua lại gần 9,3 tỷ giá trị cổ phiếu HSG, nên mức rút vốn chỉ 14,2 tỷ. HSG đóng cửa vẫn trụ lại được tham chiếu.
Ngoài MSN và HSG, có thêm CSM, HVG, SSI bị khối ngoại bán ròng đáng kể, nhưng vẫn là nhỏ so với thanh khoản.
Phía mua, VIC, BID tiếp tục là hai cổ phiếu được mua lớn nhất, mức ròng đạt tương ứng 17,3 tỷ và 10,2 tỷ đồng. Có thêm HPG, VCB, DPM được mua khá tốt chiều nay. Các mã này được cầu ngoại hỗ trợ từ 33% như DPM tới 58% thanh khoản như VIC và giá đều tiến triển khá thuận lợi. VIC tăng 0,69% do lực đỡ đáng kể này.
Tính chung toàn thị trường khớp lệnh, nhà đầu tư nước ngoài đã tăng mua ở hai sàn lên 151,5 tỷ đồng và tăng bán lên 156,3 tỷ đồng. Mức bán ròng nhờ đó được thu hẹp lại, dù vẫn kéo sang ngày thứ 8. Về khối lượng, khối này mua ròng, nhưng về giá trị là bán ròng. Điều này dễ hiểu vì như MSN, vài trăm ngàn cổ phiếu bán ròng rất khác so với vài triệu cổ mua ròng như OGC.
Các giao dịch bán mạnh của khối ngoại chỉ tác động nhẹ lên một số cổ phiếu, không khiến thị trường xấu đi chiều nay. Số lớn các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tăng rất khỏe. Hai sàn ghi nhận 30 cổ phiếu kịch trần trong tổng số 241 mã tăng. Số giảm chỉ là 154 mã. Như vậy độ rộng đã mở rộng hơn khá nhiều so với phiên sáng.
Tuy vậy, VN-Index đóng cửa cũng chỉ tăng được 0,43% so với tham chiếu, tức là thụt lùi so với phiên sáng 0,14%. VN30 cũng thụt lùi 0,23%, chỉ còn tăng 0,35% so với tham chiếu. Như vậy điểm số chiều nay còn yếu hơn cả phiên sáng.
Độ rộng mở rộng nhưng chỉ số lại yếu đi thì nguyên nhân vẫn là các blue-chips vốn hóa lớn đi lùi. Điều này có thể nhìn thấy ở rổ VN30, với 12 mã giảm so với phiên sáng và chỉ 9 mã tăng cao hơn. Số tăng co BVH, DPM vốn hóa khá tốt, nhưng số giảm lại có VNM, VCB, KDC, HAG, FPT, GMD, những mã vốn hóa nặng hơn nhiều.