Chứng khoán chiều 22/1: Cổ phiếu ngân hàng tạo đột biến
Cổ phiếu ngân hàng bất ngờ tạo một đợt sóng mạnh trên thị trường, dù vẫn chưa đủ sức kéo tiền vào
Ngay cả những nhà đầu tư đang mơ màng ngủ khi ngắm bảng điện chiều nay chắc hẳn sẽ phải tỉnh giấc. Cổ phiếu ngân hàng bất ngờ tạo một đợt sóng mạnh trên thị trường, dù vẫn chưa đủ sức kéo tiền vào.
Nói đúng hơn, tiền chỉ tập trung vào cổ phiếu ngân hàng chiều nay, và nếu không có đột biến này, hôm nay sẽ là một ngày thanh khoản rất tệ.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn phiên chiều chỉ đạt 858,9 tỷ đồng, tăng hơn chiều hôm qua đúng 1%. Con số 1% này đã là nhờ nhiều mã ngân hàng hút tiền lớn. Tính riêng chiều nay, 7 cổ phiếu ngân hàng ở hai sàn giao dịch 264,03 tỷ đồng, chiếm 31% lượng tiền vào thị trường.
Nếu nhìn cả phiên, các cổ phiếu ngân hàng giao dịch hơn 337,2 tỷ đồng, tương đương 21,5 triệu cổ phiếu. Đóng góp của nhóm này cho thị trường là 20,3% giá trị và 19% về khối lượng.
Độ nóng của nhóm ngân hàng thể hiện rõ nhất ở BID và CTG, hai cổ phiếu duy nhất của nhóm kịch trần. MBB là cổ phiếu xếp thứ hai với mức tăng 3,6%. VCB tăng 2,26%, STB tăng 1,62%, EIB tăng 2,4%, ACB tăng 2,52% và SHB tăng 2,33%.
Nếu nhìn từ thanh khoản, MBB giao dịch vượt trội với 6,01 triệu cổ phiếu cả phiên, hay 5,1 triệu cổ phiếu trong buổi chiều. MBB cũng là mã hút tiền lớn nhất chiều nay với 72,4 tỷ đồng. Cổ phiếu FLC tuy là mã giao dịch mạnh nhất trong ngày với 85,7 tỷ đồng, nhưng phiên chiều chỉ giao dịch gần 33 tỷ đồng.
Có tới 3 cổ phiếu ngân hàng là MBB, BID và VCB lọt vào top 5 cổ phiếu đạt giá trị khớp lệnh lớn nhất trong phiên ở HSX. SHB đứng thứ hai trên sàn HNX với 43,2 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng đột biến đã tạo nên sự hưng phấn rất lớn trên thị trường. VCB phát pháo đầu tiên về biến động giá và lôi kéo CTG, BID rất nhanh. Sau khi cả nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, đồng loạt các cổ phiếu khác cũng tăng theo. Độ rộng mở rộng cực nhanh và cho tới lúc đóng cửa, hai sàn ghi nhận 237 mã tăng/155 mã giảm.
Nhà đầu tư nước ngoài đã xả lớn ở một số cổ phiếu ngân hàng. VCB sau khi bùng nổ đầu phiên chiều nay ngay lập tức bị ép xuống cực mạnh. Đây là sức ép từ khối ngoại bán ra khi giá bán trung bình trên 36.000 đồng. Lượng bán ra của khối này cũng chiếm gần 46% thanh khoản của VCB. Mức vốn rút ròng là 26,8 tỷ đồng, lớn nhất thị trường. Quy mô bán ròng này cũng là lớn nhất kể từ đầu năm 2014 của VCB.
VCB đã bị nhà đầu tư nước ngoài bán ra liên tục kể từ khi đạt đỉnh, nhưng mức bán chỉ trở nên ròng từ ngày 15/1. Từ đó đến nay, các biến động phục hồi của VCB liên tục bị cản trở, kể cả hôm nay cũng vậy và khối ngoại đang bán ra rất mạnh.
BID cũng bị khối ngoại xả ròng gần 5,3 tỷ đồng, nhưng khối lượng còn nhỏ so với thanh khoản. Mức giao dịch của BID hôm nay ghi nhận kỷ lục 10 tháng, với 4,92 triệu cổ phiếu, tương đương 79,8 tỷ đồng.
Ngược lại, CTG được khối ngoại mua ròng khoảng 5,7 tỷ đồng, EIB được mua ròng hơn 1 tỷ, STB giao dịch dương không đáng kể. ACB, SHB không có giao dịch của khối ngoại.
Khối ngoại hôm nay nhìn chung là bán ròng. HSX bị rút ròng 20,1 tỷ đồng, trong đó VN30 bị rút 37,5 tỷ đồng. Ngoài VCB, HAG, KDC, BID, VIC cũng bị bán lớn. Phía mua có GAS, MWG, CTG, BVH là được mua khá tốt. Tuy nhiên đó là chưa kể đến mức bán ròng trên 62 tỷ đồng qua thỏa thuận với MSN và C21.
Với độ rộng mở rộng chiều nay, cả hai sàn đều chứng kiến mức tăng trưởng giá khá mạnh. Tuy nhiên như đã nói ở trên, dòng vốn vào thị trường không lớn mà chỉ tập trung chủ yếu cổ phiếu ngân hàng. Đó là chưa kể yếu tốt tăng giá mạnh cũng giúp cải thiện đáng kể giá trị giao dịch.
VN-Index chốt phiên tăng 0,95%, VN30-Index tăng 0,62%, HNX-Index tăng 1,22% và HNX30-Index tăng 1,39%. Điểm số rất tốt nhưng nếu theo dõi giao dịch, có thể thấy biến động chủ yếu tập trung vào 1 tiếng giao dịch đầu tiên của phiên chiều, khi các cổ ngân hàng đột biến và cổ vũ toàn thị trường. Thời gian giao dịch còn lại giá đã nhanh chóng chững lại và ít biến động.