Chứng khoán ngày 16/12: Sau bán tháo là... mò đáy
Thị trường hôm nay bị bán tháo. Đó là điều quá rõ ràng không cần bàn cãi
Trong sự hoảng loạn bán tháo hôm nay, điểm sáng có lẽ là dòng vốn bắt đáy vẫn còn, đặc biệt là khối ngoại cũng tăng mua vào.
Thống kê giao dịch mua khớp lệnh của nhà đầu tư nước ngoài trên HSX, quy mô mua vào đã tăng 52% về khối lượng và 22% về giá trị so với hôm qua. Khoảng 7,05 triệu cổ phiếu đã được mua vào, tương đương 189,2 tỷ đồng.
Đây là mức mua vào tính theo giá trị lớn nhất trong 3 phiên gần đây. Nếu tính thêm cả giao dịch thỏa thuận, SSI đóng góp thêm khoảng 14,7 tỷ đồng nữa.
Quy mô mua vào tăng lên của khối ngoại trong bối cảnh thị trường lao dốc luôn là điều tốt. Tuy nhiên có hai điểm khiến động thái này không nên được kỳ vọng quá mức.
Thứ nhất, khối ngoại cũng tăng cả quy mô bán. Riêng HSX hôm nay giá trị bán tăng trên 13% so với hôm qua, lên 211,8 tỷ đồng khớp lệnh. Như vậy khối này vẫn đang bán ròng khoảng 22,6 tỷ đồng ở sàn này. Giao dịch mua ròng SSI thỏa thuận chỉ bù đắp được một chút.
Thứ hai, lực bán tiếp tục tập trung vào các blue-chips trọng điểm trong khi mua rải rác ở các cổ phiếu ít quan trọng với thị trường. Đặc biệt rổ VN30 bị bán ra trên diện khá rộng: DPM, HAG, HPG, ITA, KDC, PPC, PVD bị bán lớn. Rổ này tính chung vẫn bị rút ròng trên 37 tỷ đồng. GAS cũng bị bán khủng gần 17,4 tỷ đồng ròng.
Phía mua, các mã được mua nhiều là IJC, BMI, VCB, PVT, HT1 và nhiều cỏ phiếu lẻ tẻ khác.
Ngay cả ở các cổ phiếu bị khối ngoại bán ra mạnh như KDC, PVD, cũng có nhà đầu tư nước ngoài khác mua vào khá nhiều. Như vậy đang tồn tại hai hoạt động trái chiều nhau: Tổ chức muốn mua vào và tổ chức muốn thoát ra. Ẩn số sẽ là liệu phía mua sẽ lớn hơn hay phía bán lớn hơn.
Có thể nhìn thấy mức độ quyết liệt trong giao dịch của các tổ chức nước ngoài muốn thoát ra, đặc biệt tại các mã dầu khí hay HAG, KDC. Bất chấp giá giảm kinh hoàng, khối ngoại vẫn không ngừng xả. Trong khi đó lực mua vào không chặn đà giảm mà mua dần theo độ rơi.
Thị trường hôm nay bị bán tháo. Đó là điều quá rõ ràng không cần bàn cãi. VN-Index đóng cửa giảm tới 2,33%, VN30-Index giảm 2,01%, HNX-Index giảm 1,9%, HNX30-Index giảm 2,82%.
Nếu như điểm số lao dốc chỉ vì cổ phiếu dầu khí thì thị trường đã không tiêu cực như vậy. Độ rộng thu hẹp chóng mặt từ sáng sang chiều và đóng cửa với 372 mã giảm/95 mã tăng, trong đó 233 cổ phiếu giảm từ 2% trở lên. Khoảng 40 cổ phiếu giảm sàn.
Giảm mạnh và đồng loạt xuất hiện ở cả hai rổ cổ phiếu lớn là VN30 và HNX30. VN30 chỉ có đúng 2 mã tăng là EIB và VCB với mức tăng không đáng kể. HNX30 thậm chí chỉ duy nhất HNM tăng, kể cả kịch trần cũng không thay đổi được gì.
Đồng loạt các cổ phiếu dầu khí lại phá đáy ngắn hạn có được trong những phiên cuối tuần trước và lao xuống tìm đáy mới. Lực bán ra cực mạnh đẩy nhiều mã giảm sàn trong phiên và đóng cửa GAS vẫn đang sàn. Đây chắc chắn nếu không phải lực cắt lỗ chủ động từ những người bắt đáy trước đó thì cũng là giải chấp.
Thanh khoản tăng rất khá, đạt 170,2 triệu cổ phiếu, tăng 37% so với hôm qua. Giá trị khớp lệnh đạt 2.678 tỷ đồng, tăng 31%. Đây là thanh khoản cao nhất trong 4 phiên.
VN-Index đóng cửa chỉ còn 535,14 điểm, một mức thấp không mấy người nghĩ tới. Ảnh hưởng lên chỉ số của các cổ phiếu như GAS, PVD, PVS sẽ ngày càng giảm do qiuy mô vốn hóa giảm nhanh, nhưng lúc này toàn thị trường lại đang bị ảnh hưởng và giảm giá. Vì thế tốc độ giảm trở nên đặc biệt mạnh.