16:39 20/01/2015

Chứng khoán ngày 20/1: Sắp có hiệu ứng ETF “nội”

Lan Ngọc

Rổ VN30 thay đổi sẽ khiến quỹ ETF nội E1VFVN30 phải mua bán để tái cơ cấu danh mục

VN-Index phục hồi nhẹ hôm nay nhờ GAS và VCB.
VN-Index phục hồi nhẹ hôm nay nhờ GAS và VCB.
HSX vừa công bố thay đổi rổ cổ phiếu VN30 với việc loại ra EIB và CTG, thêm vào KBC và HVG. Như vậy quỹ E1VFVN30 cũng sẽ phải cân đối lại danh mục đầu tư.

Quỹ này sẽ phải bán ra EIB và CTG, đồng thời mua vào KBC và HVG. Thị trường lần đầu tiên sẽ được chứng kiến hoạt động tái cơ cấu danh mục của quỹ ETF “nội”.

Theo danh mục đầu tư mới nhất ngày 16/1 của E1VFVN30, EIB được đầu tư với tỷ trọng 5,35% vốn của quỹ và CTG là 2,69%. Nếu tính theo giá trị tài sản ròng của quỹ này thời điểm 16/1, giá trị của khoản đầu tư tại EIB là gần 10,33 tỷ đồng và của CTG là 5,19 tỷ đồng.

Như vậy nếu tính tương đối, khoảng 800.000 EIB và hơn 337.000 CTG sẽ bị bán ra. Khối lượng có thể khác biệt tùy vào thời điểm giải ngân ban đầu, vì trước khi quỹ này niêm yết, cả hai cổ phiếu nói trên đều có giá thấp hơn phiên hôm nay và giá trị tài sản ròng của quỹ lúc khởi điểm cũng cao hơn hiện tại.

Mức giao dịch này không phải là quá lớn đối với hai cổ phiếu này nhưng chắc chắn cũng sẽ có những tác động nhất định. Quy mô khớp lệnh trung bình 20 ngày gần nhất của EIB là gần 536.000 cổ phiếu/phiên và với CTG là 600.000 cổ phiếu/phiên.

Phía ngược lại, KBC và HVG sẽ được mua vào thay thế CTG và EIB. Tỷ trọng giải ngân sẽ phụ thuộc vào tỷ trọng của hai cổ phiếu mới trong rổ. Một hiệu ứng khác có thể xảy ra với hai cổ phiếu mới là các Thành viên lập quỹ (AP) cũng sẽ phải “tích trữ” cổ phiếu để sẵn sàng cho hoạt động hoán đổi.

Biến động giá của các cổ phiếu nói trên chưa hẳn đã thể hiện trong phiên giao dịch hôm nay. CTG sụt giảm 1,91%, EIB giảm 1,53% nhưng có thể là do suy giảm chung của nhóm ngành ngân hàng.

Thực tế các cổ phiếu ngân hàng đã tăng khá tốt trong hai tuần qua và đang điều chỉnh do áp lực chốt lời. CTG đã tăng hơn 14% trong vòng 13 phiên tính đến ngày hôm qua. EIB cũng tăng trên 14,5% kể từ giữa tháng 12/2014. BID hôm nay cũng giảm 1,22%, STB giảm 1,61%. ACB giảm 0,62%. Chỉ có VCB tăng 1,69%.

Thị trường phiên hôm nay có sự suy yếu nhất định từ các cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, nhưng không phải tất cả đều yếu. Trong nhóm dầu khí, mặc dù PVD giảm 1,6%, PVS giảm 1,07%, PVC giảm 0,79%, PGS giảm 1,73%... nhưng GAS lại tăng 1,31%. Ngược lại nhóm ngân hàng vẫn có VCB tăng mạnh.

VN-Index đóng cửa tăng 0,12%, thoát khỏi một đợt suy giảm về cuối phiên cũng là nhờ GAS và VCB nâng đỡ. Thêm VNM tăng giá 0,5% trong hai giao dịch cuối và PPC tăng 1,49%, BVH tăng 0,57%...

Riêng sàn HNX do không có cả cổ phiếu ngân hàng tăng giá lẫn đà giảm ở đa số mã dầu khí, HNX-Index giảm 0,32%, HNX30-Index giảm 0,46%.

Độ rộng thị trường thực tế là cân bằng hôm nay, với 191 mã tăng/198 mã giảm. Tuy nhiên hai rổ cổ phiếu lớn lại khác biệt nhiều: VN30 chỉ có 10 mã tăng/12 mã giảm. HNX30 có 7 mã tăng/15 mã giảm.

Khá nhiều cổ phiếu đầu cơ đã tăng mạnh hôm nay, nhưng thanh khoản kém chất lượng. Giao dịch tốt chỉ có VDS, SHI, HTI, TMT, ITD. Đây là những mã kịch trần với thanh khoản khá cao. Các cổ phiếu còn lại chỉ khớp với khối lượng vài trăm tới vài nghìn đơn vị.

Điểm bất ngờ lớn nhất hôm nay là thanh khoản đột nhiên sụt giảm tới 12% về khối lượng và 14% về giá trị. Tổng giá trị khớp lệnh chỉ đạt 1.647,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận khá cao với trên 229,9 tỷ đồng chuyển nhượng nội khối giữa nhà đầu tư nước ngoài. 

Khối ngoại đã quay lại bán ròng lớn ở rổ VN30, khoảng 30,4 tỷ đồng với KDC, PVD, DPM, HAG, VCB. Phía mua chỉ có MWG là đột biến, nhưng lại không thuộc rổ này. Tuy nhiên nếu tính mức ròng khớp lệnh trên cả sàn HSX thì khối này cũng chỉ bán ra 3,1 tỷ đồng. Sàn HNX được mua ròng khoảng 6,9 tỷ đồng khớp lệnh.