Chứng khoán ngày 2/3: Hưng phấn tan nhanh
Chút tàn dư hưng phấn của phiên bắt đáy hôm qua chỉ đủ gúp thị trường sôi động thêm đến tầm 10h là hết
Chút tàn dư hưng phấn của phiên bắt đáy hôm qua chỉ đủ gúp thị trường sôi động thêm đến tầm 10h là hết. Từ đó trở đi VN-Index trượt dốc dần xuống ngưỡng đỏ và đóng cửa bị “đạp” mạnh cú cuối cùng!
Thực ra hôm nay độ rộng thị trường cũng không phải là quá tệ: Cả hai sàn ghi nhận 224 mã tăng/220 mã giảm, là một cải thiện tốt hơn so với hôm qua. Tuy nhiên, sàn HSX thì rất kém với 136 mã giảm/118 mã tăng và đặc biệt VN30 thì quá hẹp: 18 mã giảm/9 mã tăng.
Độ rộng thị trường được cải thiện chủ yếu nhờ HNX. Sàn này đóng góp số lớn cổ phiếu đầu cơ tăng giá rất mạnh, tới 27 mã kịch trần. Dĩ nhiên số khá lớn trong nhóm tăng hết biên độ giao dịch vài trăm cổ, nhưng cũng có nhiều mã thanh khoản rất cao như DPS, NHP, SVN, HKT, KSK, DCS, KVC, SPI, KLF, ACM…
Tuy nhiên chỉ số HNX-Index lại không tăng được vì sự cản trở của 4 cổ phiếu lớn: ACB giảm 0,44%, SHB giảm 1,89%, PVS giảm 1,09%, VGC giảm 2,07%. Chỉ có chỉ số HNX30-Index giảm ảnh hưởng của ACB nên mới tăng le lói được 0,04%.
Sàn HSX vừa có độ rộng chung kém, vừa bị kéo xuống bởi nhóm blue-chips. VN-Index đóng cửa giảm 0,28% nhưng VN30-Index giảm tới 0,34%. Cả hai chỉ số này đều phản ánh một thực trạng giảm dần của sàn này và đợt đóng cửa là nguyên nhân chủ yếu của mức giảm nói trên. Cả 3 chỉ số quan trọng nhất đều phải đóng cửa ở đáy sâu mới trong ngày.
VN-Index đang bị nhóm vốn hóa lớn ảnh hưởng xấu ngay cả khi VJC tiếp tục căng trần. Vốn hóa của mã này đã lên tới 37.050 tỷ đồng, xếp thứ 12 trên thị trường, ngay sau BVH. Bản thân VJC hôm nay đã bắt đầu bị bán ra nhiều, giao dịch khoảng 190.550 cổ phiếu, chưa kể giao dịch thỏa thuận.
VJC đã tăng trần 3 phiên liên tục tức là lợi nhuận ngắn hạn rất cao. Thanh khoản từ khi lên sàn đến nay không nhiều, nhưng khối lượng giao dịch trước đó kể cả trên sàn OTC đang có lãi lớn. Có khả năng VJC sẽ bắt đầu tăng mạnh thanh khoản trong vài phiên tới.
VJC chỉ giúp được chút ít cho VN-Index và không thể nào thay thế được các trụ cũ. Hôm nay GAS giảm tới 1,53%, VNM giảm 0,84%, VCB giảm 0,81%, VIC giảm 1,4%, SAB giảm 0,44%. HSX có 5 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên 100.000 tỷ đồng thì cả 4 mã đều giảm. Sức ép này không mã nào có thể chống lại được.
Các cổ phiếu đầu cơ trên HSX cũng không còn giữ được nhiều sức mạnh như hôm qua. FLC chẳng hạn, bị xả tới 42,88 triệu cổ phiếu, tương đương 323,6 tỷ đồng và giá giảm 6,49%. HBC, cổ phiếu đầu cơ hoành tráng nhất sàn được neo giữ tăng giá suốt cả thời gian giao dịch cũng bị đánh úp một phát về ngay tham chiếu.
Thị trường cũng chứng kiến mức sụt giảm thanh khoản đáng kể. Giá trị khớp lệnh hai sàn hôm nay giảm 14,3% so với hôm qua, đạt 3.260,8 tỷ đồng. Giao dịch ở HSX giảm tới 15% mặc dù ROS, HPG, FLC, HBC giao dịch đều trên 100 tỷ đồng giá trị.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay có giao dịch bất thường tại HPG khi mua vào quá nửa (51%) khối lượng giao dịch ở mã này. Khỏang 169,1 tỷ đồng đã được tung ra mua HPG và giá cổ phiếu này tăng 2,69%. HPG hôm nay được mua ròng khổng lồ 131 tỷ đồng.
Một mình giao dịch mua ở HPG đã chiếm 51% tổng giá trị giải ngân của khối ngoại trên sàn khớp lệnh hôm nay. Sau HPG, chỉ còn VJC +5,2 tỷ đồng và KBC +15,1 tỷ đồng là đáng kể.
Phía bán khối ngoại xả lớn ở VCB tới -21,5 tỷ đồng ròng. VCB sụt giá lớn cũng một phần là do khối ngoại bán tới trên 66% khối lượng giao dịch. VIC bị bán ròng 18,9 tỷ, BID -13,7 tỷ, DXG -13,7 tỷ, GAS -10 tỷ…
Tính riêng khớp lệnh khối ngoại mua 330,8 tỷ đồng, bán 247,7 tỷ đồng. HPG là nguyên nhân chính giúp vị thế ròng khá cao. Đồng thời giao dịch thỏa thuận cũng cộng thêm khoảng 37,7 tỷ đồng.