16:37 23/04/2015

Chứng khoán ngày 23/4: Tâm lý rã đám!

Lan Ngọc

Thị trường đang trải qua những ngày giao dịch tẻ nhạt khi tâm lý “rã đám” bắt đầu lớn dần

VN-Index không giữ được màu xanh lúc đóng cửa là do GAS giật lùi.
VN-Index không giữ được màu xanh lúc đóng cửa là do GAS giật lùi.
Thị trường đang trải qua những ngày giao dịch tẻ nhạt khi tâm lý “rã đám” bắt đầu lớn dần. Càng gần ngày nghỉ, thị trường càm ảm đạm, thể hiện ở thanh khoản suy yếu nhanh.

Kỳ nghỉ 30/4 diễn ra gần trọn tuần sau tức là chỉ còn 2 ngày nữa, những ai muốn bứt khỏi “cục nợ” chứng khoán còn vài cơ hội nữa mà thôi. Thị trường sau kỳ nghỉ sẽ thế nào, tin gì bất ngờ được tung ra hay không? Đó là những lo ngại thường thấy.

Các đợt chốt lời diễn ra trong suốt cả phiên hôm nay, từ chỗ bán cầm chừng buổi sáng đến đẩy mạnh hơn, tạo biến động mạnh trong buổi chiều. Thanh khoản giữa hai phiên cũng có khác biệt rất lớn. Khi giá sụt giảm, vẫn xuất hiện lực cầu mua vào.

Sáng nay giao dịch chỉ đạt 695,1 tỷ đồng, sang chiều vọt lên 1.012,5 tỷ đồng. Nguyên nhân là đầu phiên chiều nay, thị trường rơi khá nhanh. VN-Index sụt giảm tới 0,88%, chạm vào 557,57 điểm trước khi bật trở lại nhờ cầu bắt đáy.

Đà giảm lớn này phải xuất phát từ các blue-chips. Rổ VN30 thời điểm thị trường yếu nhất không có lấy một cổ phiếu tăng, chỉ 7 mã tham chiếu, còn lại là giảm. GAS tác động mạnh nhất khi giá rơi thẳng xuống 63.500 đồng, dưới tham chiếu tới 2,31%. VIC cũng lùi xuống 48.500 đồng, giảm 0,21% dù trước đó vẫn tăng. MSN, VCB, BID, CTG… cũng sụt giảm.

Tuy nhiên cầu bắt đáy xuất hiện khá tốt trước hết ở nhóm blue-chips nói trên và tạo được một nhịp phục hồi cũng nhanh như khi giảm. Nửa đầu phiên chiều nay là một dao động hình chữ V trên các chỉ số khi giá dao động rất lớn. 

VN30-Index đóng cửa chỉ còn giảm 0,22% với 10 mã tăng/11 mã giảm, một thế cân bằng không quá xấu. VN-Index giảm 0,22%. Thực ra cả hai chỉ số này mất thêm điểm đều là do đợt đóng cửa, vài mã lớn tụt trở lại 1-2 bước giá. 

VN-Index đánh mất màu xanh ngay đợt cuối cùng, khi GAS từ tham chiếu giật lùi giảm 0,77%. Nếu GAS vẫn giữ được tham chiếu, hẳn chỉ số này đã không giảm. VCB, CTG cũng lùi trở lại 1 bước giá so với cuối đợt khớp lệnh liên tục dù CTG vẫn tăng 0,57% và VCB không giảm. 

Những cổ phiếu lấy đi điểm số nhiều nhất của HSX trong đợt cuối cùng là DPM, giảm 1,63%, HPG giảm 1,33%, HSG giảm 2,07%, KDC giảm 1,34%, STB giảm 2,3%. Phía kéo lại bao gồm VSH, VIC, SSI, PVD, PPC, MBB, HVG, GMD, FPT, BVH.

Biến động của HNX cũng gần giống HSX, nhất là trong nhịp dao động mạnh phiên chiều. HNX30 cũng có một độ rộng khá cân bằng với 9 mã tăng/13 mã giảm. Số mã giảm nhiều hơn nhưng không thực sự chi phối về vốn hóa. Chủ đạo là SHB giảm 1,18% và KLS giảm 2,15%, VCG giảm 0,78% có ảnh hưởng lớn nhất. Số tăng có PVS, VND, PVC, PVB, PGS khá tốt.

Mặc dù nhờ biến cố buổi chiều, thanh khoản thị trường có tăng lên nhưng cả phiên, mức giao dịch cũng chỉ là 1.707,6 tỷ đồng, giảm gần 11% so với hôm qua. Đây là mức giao dịch kém nhất trong 3 phiên và rất có thể càng đến những ngày nghỉ, thanh khoản còn sụt giảm hơn nữa.

Thanh khoản thấp trong bối cảnh này không mang nhiều ý nghĩa và cũng không hẳn là tiêu cực. Đơn giản là nhà đầu tư hạn chế giao dịch do yếu tố tâm lý, chứ không xuất phát từ các đánh giá về thị trường.