16:30 28/11/2014

Chứng khoán ngày 28/11: GAS, PVD chưa thể “cầm máu”

Lan Ngọc

Sự kiên định trong việc thoái vốn của nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều cổ phiếu lớn tiếp tục đẩy giá lún sâu vào xu thế giảm

VN-Index giảm sâu hôm nay không chỉ do GAS hay PVD mà còn nhiều blue-chips khác cũng mất giá.
VN-Index giảm sâu hôm nay không chỉ do GAS hay PVD mà còn nhiều blue-chips khác cũng mất giá.
Sự kiên định trong việc thoái vốn của nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều cổ phiếu lớn tiếp tục đẩy giá lún sâu vào xu thế giảm. Thị trường được chứng kiến tính kỷ luật sắt đá trong việc bán ra.

Tâm điểm chú ý của giao dịch hôm nay tâp trung vào PVD vì lần đầu tiên trong năm nay, cổ phiếu này bị bán tháo tới tận giá sàn. Đó là khoảng 10h30, sau khi PVD vừa chứng kiến một đợt đẩy giá lên từ mức mở cửa 76.500 đồng tới 78.500 đồng. Toàn bộ dao động này vẫn nằm dưới tham chiếu, nhưng đó là những cố gắng đỡ giá rất đáng chú ý.

Tuy nhiên từ mức 78.500 đồng, PVD xuất hiện những đợt xả liên tiếp với quy mô lệnh bán rất lớn. Giá rơi thẳng xuống tận giá sàn. May mắn là PVD vẫn có khối lượng mua sàn đủ tốt.

Đóng cửa PVD thoát khỏi giá sàn, giảm 6,21%. Đây vẫn là mức giảm một phiên mạnh nhất từ đầu năm.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn là đối tượng xả lớn ở cổ phiếu này. 822.620 cổ phiếu nữa được tung ra bán, trị giá 62,5 tỷ đồng. Lượng bán này đã tăng 27% so với hôm qua.

Điều khá đặc biệt, là khối ngoại tăng bán và dường như nhà đầu tư trong nước cũng không chịu nổi nhiệt, cũng bắt đầu tăng cường độ bán. Thanh khoản của PVD vọt lên mức chưa từng có trong lịch sử với trên 174,6 tỷ đồng, tương đương gần 2,3 triệu cổ phiếu. 

Trong quy mô khổng lồ này, nhà đầu tư nước ngoài bán ra chỉ chiếm gần 36% cả về khối lượng lẫn giá trị. Hôm qua khối ngoại chiếm tới 52%. Như vậy quy mô bán có tăng lên nhưng tỷ trọng lại giảm đi. Phần tỷ trọng tăng lên chính là của nhà đầu tư trong nước. 
Trong 3 phiên rơi rất nhanh của PVD cuối tuần này, chỉ đến hôm nay nhà đầu tư trong nước mới xả ồ ạt như vậy. Dường như đã có sự mất kiên nhẫn và lo ngại của nhà đầu tư trong nước trước việc “chảy máu” quá mức. Quả thực giá PVD đã quay trở lại mức khởi điểm giữa tháng 7, coi như mất sạch sóng tăng quý 3.

GAS cũng trong hoàn cảnh tương tự: Cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đều tăng cường độ cắt lỗ. Giá rơi 5,49% và thanh khoản tăng vọt lên 1,15 triệu cổ phiếu, tương đương 100,4 tỷ đồng. Khối ngoại đã rút tiếp gần 33,9 tỷ đồng nữa.

Danh sách bán ròng lớn của khối ngoại vẫn chưa dừng lại và còn tăng thêm ở HAG, KDC, VIC. Tính chung HSX bị bán ra 226,4 tỷ đồng giá trị cổ phiếu, tăng 33% so với hôm qua. Đó là còn chưa tính đến khoản bán ròng 29 tỷ đồng ở HPG qua thỏa thuận.

Áp lực bán của khối ngoại không hẳn là nguyên nhân chính dẫn đến biến động xấu đi ở rổ VN30 hôm nay. Rổ này bị xả ròng 122,1 tỷ đồng, có tăng so với hôm qua nhưng đà giảm cũng rộng hơn do nhà đầu tư trong nước bán. Đóng cửa VN30-Index mất 0,72% so với tham chiếu. VN-Index chịu ảnh hưởng của GAS, giảm 1,1%.

Sàn Hà Nội hôm qua đi ngược dòng HSX do được đầu cơ ở nhiều cổ phiếu. Hôm nay cũng đã quay đầu giảm tại ACB, HUT, KLF, FIT, NTP, PGS, PVS, VND. Đồng loạt các mã dầu khí giảm trở lại khiến sàn này mất đi lực đỡ.

Thanh khoản thị trường khớp lệnh đã tăng 26% về khối lượng và 28% về giá trị. Hoạt động bắt đáy vẫn đang diễn ra, nhưng không đủ sức “cầm máu” tại các blue-chips lớn. Kể cả SSI, FPT, HSG, HAG, MSN, VNM, PPC, REE cũng sụt giảm. Mặc dù thị trường thường có xu hướng chịu áp lực chốt lời mạnh hơn trong phiên cuối tuần nhưng độ rộng của VN30 thu hẹp tới 18 mã giảm/7 mã tăng là khá tiêu cực.