16:33 09/09/2015

Chứng khoán ngày 9/9: Chốt lời cổ phiếu ngân hàng?

Lan Ngọc

Thị trường tiếp tục có được một phiên tăng hôm nay, nhưng các cổ phiếu dẫn dắt, đặc biệt là nhóm ngân hàng gặp áp lực chốt lời

VN-Index không điều chỉnh nhiều về cuối phiên, nhưng cơ hội tăng bị chặn lại do các cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực bán lớn. ảnh TVSI.
VN-Index không điều chỉnh nhiều về cuối phiên, nhưng cơ hội tăng bị chặn lại do các cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực bán lớn. ảnh TVSI.
Thị trường tiếp tục có được một phiên tăng hôm nay, nhưng các cổ phiếu dẫn dắt, đặc biệt là nhóm ngân hàng gặp áp lực chốt lời không nhỏ.

Đà tăng tiếp diễn ở nhóm ngân hàng đầu phiên đã đẩy mức lợi nhuận ngắn hạn lên khá cao và lượng hàng ngắn hạn bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Thị trường không suy yếu nhiều về cuối phiên, nhưng đà tăng đã bị cản trở trong phiên chiều.

Giao dịch đáng chú ý nhất hôm nay xuất hiện tại BID, cổ phiếu hôm qua vừa kịch trần với sức cầu đột biến. Đỉnh giá cao nhất BID đạt được trong buổi sáng là mức mở cửa lên 26.500 đồng, tăng 4,33% so với tham chiếu. Như thế chỉ trong hơn một phiên, BID đã tăng hơn 11%. Lượng hàng T+3 tối thiểu cũng tăng hơn 12%, chưa kể những nhà đầu tư mua dưới mức 23.000 đồng.

Ngoài ra BID cũng đã quay lại đỉnh cũ hồi tháng 7 và khả năng vượt đỉnh chưa có gì đảm bảo. Hai yếu tố này đã thúc đẩy áp lực bán ra tăng vọt.

BID đóng cửa chỉ tăng được 1,57%, nghĩa là đánh mất khoảng 2,76% trong phiên giao dịch. Thanh khoản của BID cũng khá cao, khớp lệnh xấp xỉ 2,99 triệu cổ phiếu, tương đương trên 77,7 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua vào gần 11% lượng khớp nói trên. Tuy nhiên nhà đầu tư trong nước bán ra rất nhiều.

Các mã ngân hàng khác cũng bị chốt lời, nhưng không rõ rệt như BID do mức tăng giá ngắn hạn thấp hơn. VCB đóng cửa vẫn tăng 3,15% từ mức tăng tối đa 4,95% trong phiên. CTG bị bán mạnh nhất, mất 2,94% trong phiên, đóng cửa chỉ tăng 0,49%.

Tuy nhiên phần lớn các mã ngân hàng vẫn nhận được sức cầu tốt và lực chốt lời không khiến giá giảm. EIB là cổ phiếu yếu nhất, dừng ở tham chiếu, trong khi MBB còn tăng 2%, ACB tăng 2,63%, SHB tăng 1,47%.

Áp lực chốt lời đã tạo thanh khoản cao ở các cổ phiếu ngân hàng mặc dù thanh khoản chung của thị trường khá đuối. VCB, BID giữ ngôi vị số 1 về quy mô giao dịch của thị trường.

Sự suy yếu của các mã ngân hàng phần nào đã ảnh hưởng đến giao dịch chung, nhưng không tạo nên một phiên điều chỉnh thực sự. VN-Index đóng cửa vẫn tăng 0,99%, VN30 tăng 0,74%, HNX-Index tăng 1,17% và HNX30 tăng 1,34%.

Ngoài ra độ rộng hai sàn vẫn khá tích cực: HSX ghi nhận 131 mã tăng/80 mã giảm, HNX có 104 mã tăng/70 mã giảm. Dĩ nhiên so với phiên bùng nổ hôm qua thì số mã giảm giá đã tăng lên và số mã tăng giá giảm đi. Tuy thế xu thế tăng giá hôm nay vẫn là chủ đạo.

Yếu tố giúp cho các chỉ số vẫn tăng điểm khá mạnh là ngoài nhóm ngân hàng, nhiều blue-chips khác cũng tăng giá và nếu nhìn riêng vào hai rổ blue-chips, độ rộng rất tốt: 32 mã tăng/10 mã giảm.

Tại VN30, có thể kể đến VIC tăng 0,48%, VNM tăng 0,52%, PVD tăng 1,45%, HPG tăng 1,66%, FPT tăng 0,46%, DPM tăng 0,32%, BVH tăng 1,75%. Tại HNX30 là VCG tăng 0,88%, SHS tăng 1,43%, PVS tăng 2,42%, PVC tăng 1,52%, PGS tăng 1,61%, KLS tăng 1,33%.

Thanh khoản thị trường đã giảm trở lại hơn 2% về giá trị, đạt 1.771,3 tỷ đồng và gần 4% về khối lượng, đạt 118,4 triệu cổ phiếu.

Nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng ở hai sàn. HSX nhận được gần 77,9 tỷ đồng ròng trong khi HNX là 1,3 tỷ đồng ròng.