10:41 31/05/2017

Chứng khoán phái sinh trước giờ G (6): “Điểm hẹn” lý tưởng của đầu cơ

Nguyễn Hoàng

Với hai đặc tính cực kỳ thuận lợi, thị trường giao dịch hợp đồng tương lai sẽ thu hút rất nhiều nhà đầu cơ

Với lợi thế đòn bẩy lớn, nhà đầu cơ có thể thực hiện đầu cơ số lượng lớn để kiếm lợi nhuận đủ tốt trong một biên độ dao động vừa phải. Lợi nhuận nhỏ từ dao động không lớn sẽ được bù lại bằng quy mô giao dịch. <br>
Với lợi thế đòn bẩy lớn, nhà đầu cơ có thể thực hiện đầu cơ số lượng lớn để kiếm lợi nhuận đủ tốt trong một biên độ dao động vừa phải. Lợi nhuận nhỏ từ dao động không lớn sẽ được bù lại bằng quy mô giao dịch. <br>
Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu nói riêng và các sản phẩm phái sinh nói chung ban đầu ra đời như một công cụ để phòng ngừa rủi ro.

Tuy nhiên do tính chất biến động lớn, lợi thế đòn bẩy cao và chủ yếu dựa trên kỳ vọng trong giai đoạn đầu của các hợp đồng, đây lại là mảnh đất màu mỡ cho các giao dịch đầu cơ.

Hoạt động đầu cơ các các giao dịch ngắn hạn thuần túy dựa trên sự biến động giá theo cả hai chiều của một hợp đồng tương lai chỉ số mà nhà đầu cơ giao dịch như một tài sản thông thường và không cần có tài sản cơ sở để phòng vệ. Hầu hết các hoạt động đầu cơ với hợp đồng tương lai chỉ số là ngắn hạn và không nắm giữ đến thời điểm đáo hạn.

Tìm giá hợp lý của một hợp đồng tương lai chỉ số

Nếu hàng ngày nhìn trên bảng điện, một hợp đồng tương lai chỉ số đang có giá là 705 điểm, trong khi chỉ số cơ sở của hợp đồng đó (trong trường hợp này là VN30-Index) đang ở mức 700 điểm.

Điều đó không có nghĩa là hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index hàm ý rằng chỉ số VN30-Index sẽ tiến tới 705 điểm. Điểm số của một hợp đồng tương lai có thể định giá hợp lý trong từng thời điểm.

Trong ví dụ nói trên, làm sao để biết liệu hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index ở mức 705 điểm, hay một mức điểm số nào đó là hợp lý hay không, trong khi điểm chỉ số của VN30-Index lại khác?

Nếu như giá của hợp đồng tương lai đúng bằng giá giao ngay của tài sản cơ sở và thanh toán là chuyển giao vật chất thì rõ ràng một nhà đầu tư dùng cùng 1 lượng tiền đồng thời mua tài sản cơ sở và Short hợp đồng tương lai rồi giữ đến lúc đáo hạn sẽ chẳng được lợi lộc gì.

Bởi vì khi đáo hạn nhà đầu tư sẽ giao tài sản cho người mua để nhận lại đúng lượng tiền đã bỏ ra. Thậm chí, nhà đầu tư này còn bị thiệt vì cùng một lượng tiền như thế, nếu gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn với hợp đồng thì còn có lời mà chẳng rủi ro gì. Như vậy, giá của hợp đồng tương lai còn phải cộng thêm vào chi phí cơ hội, có thể tính bằng lãi suất gộp phi rủi ro.

Đối với hợp đồng tương lai chỉ số, tài sản cơ sở là một rổ cổ phiếu. Các cổ phiếu này trong kỳ hạn của hợp đồng có thể lại trả cổ tức. Như vậy so với người nắm giữ hợp đồng tương lai, người nắm giữ rổ cổ phiếu giống hệt chỉ số cơ sở sẽ có lợi hơn là có được cổ tức trong kỳ. Như vậy có thể ước tính giá hợp lý của hợp đồng tương lai sẽ bằng giá giao ngay của tài sản cơ sở cộng với lãi suất phi rủi ro và trừ đi cổ tức có thể nhận được trong kỳ.

Như thế giá hợp lý của hợp đồng tương lai chỉ số có thể cao hơn hay thấp hơn điểm số của chỉ số cơ sở, tùy vào mức lãi suất phi rủi ro và mức cổ tức nhận được trong kỳ. Giá hợp đồng tương lai chỉ số sẽ cao hơn chỉ số khi mức lãi suất lớn hơn mức cổ tức - thường được tính bằng lợi suất cổ tức (Dividend Yield) - và ngược lại. Đây là cách định giá đơn giản nhất.

Ví dụ, VN30-Index ngày 19/5/2017 là 702,03 điểm. 30 cổ phiếu trong rổ VN30 có lợi suất cổ tức bình quân là 1,5%. Lãi suất phi rủi ro là 5%. Giá ước tính của VN30F1709 (đáo hạn cuối tháng 9, còn 134 ngày) là 702,03 x (1+5%-1,5%)^134/365 ~ 711,02 điểm.

Với các thông số giả định như trên, giá hợp lý lý thuyết của VN30F1709 tại thời điểm VN30-Index đạt 702,03 điểm là 711,02 điểm. Nếu giá VN30F1709 cao hơn hay thấp hơn mức này tức là đã có sự sai lệch trong định giá. Sai lệch này có thể do cung cầu thị trường đối với hợp đồng này từng thời điểm.

Có nhiều các tính giá lý thuyết của hợp đồng tương lai chỉ số và cách tính đơn giản nói trên dựa trên mô hình chi phí lưu giữ (cost of carry). Các tổ chức đầu tư có thể đưa ra các biến số đầu vào khác nhau, thậm chí quan tâm tới cả chi phí giao dịch, thuế…

Giao dịch chênh lệch giá

Như đã nói phía trên, giá hợp lý của một hợp đồng tương lai chỉ số là giá mà nếu thực hiện cùng lúc hai giao dịch ngược nhau mua tài sản cơ sở là rổ cổ phiếu của chỉ số đồng thời Short hợp đồng tương lai thì không tạo ra chênh lệch (sau khi tính tới cả chi phí cơ hội và cổ tức sẽ được nhận).

Nếu giá hợp đồng tương lai cao hơn giá lý thuyết thì việc nắm giữ danh mục cổ phiếu và Short hợp đồng tương lai sẽ có lợi hơn khi cùng giữ đến ngày đáo hạn và ngược lại.

Do thị trường không phải lúc nào cũng định giá hợp đồng tương lai một cách chính xác vì có yếu tố cung cầu, nên đó là cơ hội của các giao dịch chênh lệch giá (arbitrage). Việc tính toán liên tục mức độ chênh lệch này nằm ngoài khả năng của các nhà đầu tư cá nhân, đồng thời quy mô vốn để mua/bán cả rổ cổ phiếu là bất khả thi, nên đây là lãnh địa của các tổ chức cũng như các thuật toán giao dịch.

Tuy nhiên bản thân các tổ chức cũng phải tính toán mức độ chênh lệch đủ lớn để bù đắp chi phí cũng như mức lợi nhuận phi rủi ro “bõ công” giao dịch thì mới thực hiện giao dịch chênh lệch giá. Ngoài ra còn có những rủi ro khác như rủi ro thanh khoản trong giao dịch mua hay bán cổ phiếu, thanh khoản của thị trường phái sinh tại thời điểm giao dịch…

Nói tóm lại, có nhiều cách tính giá lý thuyết khác nhau, cũng như tham số đầu vào khác nhau, nhưng về cơ bản, các giao dịch chênh lệch giá sẽ xuất hiện khi lợi nhuận đủ tốt và ngay lập tức thiết lập lại mức định giá hợp lý.

Đầu cơ hợp đồng tương lai chỉ số

Hoạt động đầu cơ thuần túy với hợp đồng tương lai chỉ số là giao dịch mà các nhà đầu tư nói chung, trong đó có nhà đầu tư cá nhân, có thể thực hiện hàng ngày. Đặc biệt với hai đặc tính cực kỳ thuận lợi cho đầu cơ, thị trường giao dịch hợp đồng tương lai sẽ thu hút rất nhiều nhà đầu cơ tham gia.

Thứ nhất là khả năng giao dịch trong ngày. Bởi vì giao dịch hợp đồng tương lai không có khái niệm T+ hay chờ “hàng” về, bất kỳ lúc nào nhà đầu cơ cũng có thể đóng, mở một vị thế, nên hoàn toàn có khả năng giao dịch trong ngày.

Thứ hai là khả năng giao dịch kiếm lời trong thị trường giá xuống. Hiện tại với thị trường cổ phiếu, do không có bán khống nên nhà đầu tư chỉ có thể giữ tiền và đứng nhìn thị trường giảm. Với thị trường phái sinh, nhà đầu tư có thể mở vị thế Short để hưởng lợi khi thị trường (chỉ số) giảm điểm.

Đối với khả năng thứ nhất - giao dịch trong ngày - điều quan trọng nhất là biên độ dao động của giá hợp đồng tương lai phải đủ lớn. Như mới nói ở trên, tuy các giao dịch arbitrage sẽ xuất hiện để hạn chế hiện tượng định giá sai, nhưng không phải lúc nào các giao dịch này cũng được thực hiện.

Yếu tố cung cầu dựa trên kỳ vọng có thể khiến giá hợp đồng tương lai biến động lớn trong ngày, đặc biệt khi thị trường cơ sở có biến động mạnh bùng nổ.

Với lợi thế đòn bẩy lớn, nhà đầu cơ có thể thực hiện đầu cơ số lượng lớn để kiếm lợi nhuận đủ tốt trong một biên độ dao động vừa phải. Lợi nhuận nhỏ từ dao động không lớn sẽ được bù lại bằng quy mô giao dịch.

Lấy ví dụ mức dao động tối đa của chỉ số VN30-Index trong ngày 17/4/2017 tới 14,17 điểm. Thực tế biến động của hợp đồng tương lai có thể lớn hơn. Hệ số nhân 100.000 đồng nghĩa là mức chênh lệch tối đa có thể lên tới hơn 1,4 triệu đồng cho mỗi hợp đồng.

Ngoài ra, với khoản đặt cọc ban đầu chỉ là hơn 10% giá trị hợp đồng (thực tế cao hơn như đã chỉ ra trong bài trước), nhà đầu cơ có thể giao dịch quy mô lớn và có được tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều so với thị trường cơ sở (mức tăng điểm số cơ sở). Ví dụ chỉ số cơ sở VN30-Index từ 700 điểm tăng lên 710 điểm (tăng 10 điểm hay 1,43%) thì giá trị hợp đồng tương lai tăng cùng điểm số đem lại lợi nhuận 10 * 100,000 = 1 triệu đồng. So với vốn ban đầu bỏ ra chỉ là 7 triệu đồng (thực tế cao hơn một chút) thì lợi nhuận tới gần 14,3%.

Hãy tưởng tượng mức lợi nhuận trên được thực hiện với quy mô 10 hay 100 hợp đồng chỉ trong một ngày!

Đối với khả năng thứ hai, đầu cơ mang tính chất dài hơn một chút và là đánh cược với xu thế tăng hay giảm của chỉ số cơ sở. Mặc dù giá lý thuyết của hợp đồng tương lai luôn khác với điểm chỉ số cơ sở, nhưng nhưng trong bất kỳ công thức tính giá lý thuyết nào, luôn có tham số đầu vào là điểm chỉ số cơ sở.

Nói cách khác, giá hợp đồng tương lai luôn bám chặt với chỉ số cơ sở, thậm chí tại ngày đáo hạn hợp đồng, giá thanh toán chính là điểm số của chỉ số cơ sở.

Do đó, xu thế biến động của giá hợp đồng tương lai chính là xu thế biến động của chỉ số cơ sở. Nếu nhà đầu tư nghĩ rằng chỉ số VN30-Index đạt 700 điểm là đỉnh và sẽ chuyển sang xu thế giảm. Chắc chắn giá hợp đồng tương lai của chỉ số này cũng sẽ giảm theo. Khi đó mở vị thế Short sẽ là giao dịch đầu cơ giá xuống và nếu đúng xu thế, sẽ có lãi.

Hoạt động đầu cơ hợp đồng tương lai chỉ số đồng nghĩa với khả năng phân tích xu thế của chỉ số. Điều này rất khác so với việc đầu cơ riêng lẻ một cổ phiếu, vì cung cầu của hợp đồng tương lai trên lý thuyết là không bị giới hạn. Việc làm giá đối với chỉ số cũng khó khăn hơn nhiều so với cổ phiếu riêng lẻ và chi phí cũng đắt đỏ hơn.

Bổ sung cho những lợi thế nói trên là các chi phí giao dịch với Hợp đồng tương lai chỉ số thấp hơn nhiều so với giao dịch thị trường cổ phiếu. Hiện tại giao dịch với Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu sẽ không bị tính thuế (giao dịch cổ phiếu tính thuế trực tiếp vào mỗi giao dịch). Phí giao dịch hiện tại sẽ do các công ty chứng khoán quy định, nhưng có kả năng rất cao sẽ chỉ tính phí cố định trên mỗi hợp đồng. Các công ty chứng khoán cũng hoàn toàn có khả năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ vốn, ưu đãi phí giao dịch.