12:32 02/06/2017

Chứng khoán phái sinh trước giờ G (7): Gia cố cho hàng thủ

Nguyễn Hoàng

Trong thực tế giao dịch, nhà đầu tư cá nhân ít khi có nhu cầu phòng vệ

Một lần nữa cần nhấn mạnh rằng việc tính toán các giao dịch phòng vệ thường chỉ phù hợp với các nhà đầu tư lớn, các quỹ đầu tư do tính chất phức tạp đặc thù (các ước tính ví dụ như trên chỉ là đơn giản nhất). Chỉ các tổ chức lớn mới có sẵn đội ngũ chuyên gia để làm việc này và đảm bảo được tính chính xác của các tham số. <br>
Một lần nữa cần nhấn mạnh rằng việc tính toán các giao dịch phòng vệ thường chỉ phù hợp với các nhà đầu tư lớn, các quỹ đầu tư do tính chất phức tạp đặc thù (các ước tính ví dụ như trên chỉ là đơn giản nhất). Chỉ các tổ chức lớn mới có sẵn đội ngũ chuyên gia để làm việc này và đảm bảo được tính chính xác của các tham số. <br>
Mục đích ban đầu và chính yếu của việc ra đời các sản phẩm phái sinh nói chung và hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu nói riêng là để phòng ngừa rủi ro (hedge).

Mặc dù khi ra đời các sản phẩm phái sinh đầu tiên cho thị trường chứng khoán Việt Nam, yếu tố lợi ích của công cụ phòng vệ rủi ro được nhắc đến nhiều, nhưng thực chất các nhà đầu tư cá nhân ít khi sử dụng.

Trong thực tế giao dịch, phòng vệ là một chiến lược thụ động, trong khi đại đa số các nhà đầu tư cá nhân có lợi thế hơn hẳn ở tính linh hoạt.

Mặt khác, việc thực hiện phòng vệ nếu không được tính toán một cách chính xác và khoa học thậm chí có thể gây tác động ngược. Thực hiện phòng vệ cho một danh mục nhỏ hay chỉ một vài cổ phiếu có hiệu quả không cao vì rủi ro của cổ phiếu đơn lẻ lớn hơn nhiều so với rủi ro thị trường thể hiện qua biến động của một chỉ số.

Công cụ bảo hiểm cho các tay chơi lớn

Việc cố định giá bán tài sản tương lai bằng hợp đồng phái sinh cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ các rủi ro có thể phát sinh trong suốt thời gian kể từ lúc ký hợp đồng tới lúc chuyển giao tài sản. Vì thế các hợp đồng tương lai đầu tiên đã xuất hiện trên thị trường giao dịch hàng hóa, với các biến động khó lường liên quan đến giá cả, thời tiết…

Ý nghĩa của việc phòng vệ rủi ro có thể mở rộng hơn đối với nhiều loại tài sản khác nhau, thậm chí kể cả khi không có nhu cầu chuyển giao vật chất. Theo nghĩa này, phòng vệ là việc giảm thiểu thiệt hại ở một khoản đầu tư (nắm giữ tài sản) trong trường hợp giá tài sản sụt giảm sẽ được bù đắp bằng việc tăng giá trị ở một khoản đầu tư khác, thường là các công cụ phái sinh.

Đối với trường hợp cụ thể là hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán, phòng vệ thường áp dụng cho một danh mục cổ phiếu nắm giữ hơn là đối với một cổ phiếu đơn lẻ.

Mặt khác, do tính thực tiễn, việc phòng vệ thường chỉ phù hợp với các danh mục quy mô lớn do các tổ chức nắm giữ, vì lý do riêng mà không thể bán đi, hay vì chi phí giao dịch quá lớn nếu thực hiện mua bán cả danh mục.

Đối với nhà đầu tư cá nhân, thông thường quy mô đầu tư không lớn, khả năng linh hoạt trước biến động thị trường rất cao thì việc sử dụng hợp đồng tương lai chỉ số để phòng vệ ít mang tính thực tiễn. Mặt khác, việc tính toán quy mô giao dịch phòng vệ trong nhiều trường hợp vượt quá khả năng của một nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Lấy ví dụ đơn giản nhất là một quỹ đầu tư mô phỏng chỉ số (quỹ ETF), việc phải nắm giữ liên tục danh mục cổ phiếu và bám sát biến động chỉ số đồng nghĩa với việc chịu rủi ro khi chỉ số giảm điểm (thị trường đi xuống).

Nếu các nhà quản lý quỹ dự đoán thị trường đã đạt đỉnh và chuẩn bị suy giảm, làm cách nào để cố định khoản lãi đang có (lock performance) trong khi không được bán cổ phiếu đi để chốt lời?

Khi đó việc bán hợp đồng tương lai với chỉ số cổ phiếu đó sẽ được thực hiện. Khi giá cổ phiếu giảm (chỉ số giảm) thì danh mục nắm giữ sẽ bị giảm giá trị nhưng vị thế Short ở hợp đồng tương lai chỉ số sẽ có lãi. Phần lãi này sẽ bù đắp lại việc suy giảm giá trị của danh mục cổ phiếu.

Hoặc như nhà đầu tư có một danh mục cổ phiếu dài hạn được đánh giá là rất triển vọng. Nếu phải liên tục mua bán danh mục đó trong các điều kiện thị trường khác nhau sẽ phát sinh chi phí giao dịch, thuế rất cao, trong khi chưa chắc đã xây dựng lại được danh mục nếu thị trường kém thanh khoản. Việc tính toán để thực hiện giao dịch phòng vệ hoàn toàn đối với danh mục sẽ giúp giá trị danh mục độc lập với các diễn biến thị trường.

Thậm chí, các giao dịch phòng vệ cũng có thể thực hiện trong ngắn hạn. Chẳng hạn khi các quỹ ETF đến thời điểm phải cơ cấu lại danh mục định kỳ, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã từng chứng kiến những biến động rất lớn ở thời điểm này. Với việc bán ra cùng lúc quy mô lớn một nhóm cổ phiếu, thị trường có thể sụt giảm mạnh trong một thời điểm và giá cổ phiếu sẽ sụt giảm do sức ép quá lớn trong ngắn hạn.

Khi đó, do đã biết chắc rằng giá cổ phiếu và thị trường chung có thể bị tác động, để giảm thiểu thiệt hại do phải bán cổ phiếu ở giá không tốt, giao dịch phòng vệ bằng cách Short hợp đồng tương lai chỉ số có thể được thực hiện để bù đắp lại.

Phòng vệ cho danh mục

Khi đã sở hữu một danh mục cổ phiếu, tức là nhà đầu tư có nhu cầu phòng ngừa rủi ro khi giá trị danh mục đó giảm. Giao dịch phòng vệ cần làm là Short.

Nếu như thị trường giảm và giá cổ phiếu trong danh mục giảm tức là chỉ số cơ sở của hợp đồng tương lai cũng giảm, dẫn đến vị thế Short sinh lời. Lợi nhuận này sẽ bù đắp cho mức lỗ ở danh mục cổ phiếu.

Thuận tiện nhất và đơn giản nhất là danh mục cổ phiếu biến động đúng bằng biến động của chỉ số cơ sở của hợp đồng tương lai. Cụ thể, với hợp đồng tương lai chỉ số trên thị trường có chỉ số cơ sở là VN30-Index thì việc tính toán đối với danh mục giống hệt chỉ số này là đơn giản nhất.

Khi có một danh mục cổ phiếu đầu tư với tỷ trọng phân bổ đúng bằng tỷ trọng của các cổ phiếu cấu thành nên chỉ số VN30-Index thì 1% biến động tăng giảm của chỉ số này cũng chính là 1% biến động tăng giảm giá trị danh mục cổ phiếu. Khi đó chỉ cần lấy giá trị danh mục cổ phiếu chia cho giá trị hợp đồng tương lai là có được số lượng hợp đồng cần Short.

Chẳng hạn quy mô giá trị danh mục cần phòng vệ là 100 tỷ đồng, hợp đồng tương lai với VN30-Index có hệ số nhân 100.000 đồng và điểm số (giá) đang là 705. Khi đó giá trị một hợp đồng tương ứng 100.000 * 705 = 70.500.000. Để phòng vệ hoàn toàn cho danh mục nói trên, nhà đầu tư sẽ phải Short 100 tỷ/70,5 triệu = 1418,4 hợp đồng, có thể làm tròn số.

Sau khi đã Short số lượng hợp đồng nói trên, danh mục cổ phiếu sẽ không còn bị tác động bởi diễn biến thị trường nữa. Bất kỳ chênh lệch lời lỗ nào phát sinh ở một bên giao dịch sẽ được bù đắp bằng mức chênh lệch tương đương ở giao dịch còn lại.

Như vậy nhà đầu tư nắm giữ danh mục này sẽ không lỗ mà cũng không lãi, nhưng toàn bộ biến động (performance) của danh mục trước thời điểm phòng vệ đã được cố định.

Dễ thấy không phải nhà đầu tư nào cũng xây dựng danh mục giống hệt chỉ số VN30-Index. Cách thức này chỉ có lợi nhất và thuận tiện nhất cho quỹ ETF đang bám theo chỉ số VN30-Index (thực tế danh mục quỹ này cũng không bám sát được 100% biến động chỉ số).

Đối với một danh mục cổ phiếu không mô phỏng chính xác biến động của chỉ số VN30-Index, việc tính toán sẽ phức tạp hơn nhiều và cũng không thể thực hiện phòng vệ hoàn toàn được vì có sai số. Trong trường hợp này cần phải biết hệ số beta của danh mục. Hệ số này đo lường biến động của danh mục trong mối tương quan với chỉ số VN30-Index.

Hệ số beta của danh mục cổ phiếu là giá trị bình quân gia quyền của các hệ số beta của từng cổ phiếu trong danh mục với quyền số tương ứng tỷ trọng trong danh mục. Hệ số này có thể tính toán được nhưng cũng chỉ là tương đối trong một khoảng thời gian nhất định.

Ý nghĩa của việc xác định hệ số này là để ước tính độ nhạy về mặt lý thuyết của danh mục đối với chỉ số. Nếu độ nhạy của danh mục gấp hai lần so với biến động của chỉ số thì số lượng hợp đồng cần Short cũng phải tăng lên gấp đôi.

Trong ví dụ trên, giả sử danh mục khác với rổ cổ phiếu của chỉ số VN30-Index và hệ số beta của danh mục là 1,5, thì số hợp đồng cần Short là 1.5*1418.4 ~ 2127.7, có thể làm tròn lên 2128 hợp đồng.

Một lần nữa cần nhấn mạnh rằng việc tính toán các giao dịch phòng vệ thường chỉ phù hợp với các nhà đầu tư lớn, các quỹ đầu tư do tính chất phức tạp đặc thù (các ước tính ví dụ như trên chỉ là đơn giản nhất). Chỉ các tổ chức lớn mới có sẵn đội ngũ chuyên gia để làm việc này và đảm bảo được tính chính xác của các tham số.

Đối với nhà đầu tư cá nhân, việc phòng vệ thụ động thậm chí còn bất lợi hơn việc thoát khỏi thị trường và thực hiện đầu cơ giá xuống với hợp đồng tương lai chỉ số.