Chứng khoán sáng 10/11: VNM gắng gượng đẩy chỉ số
Tưởng như một số cổ phiếu lớn sẽ đủ sức đẩy VN-Index qua tham chiếu trong nhịp cuối. Rốt cục chỉ số này vẫn thất bại
Tưởng như một số cổ phiếu lớn sẽ đủ sức đẩy VN-Index qua tham chiếu trong nhịp cuối. Rốt cục chỉ số này vẫn thất bại do VNM không thể đi cao hơn.
VNM đã “tái xuất” trong phiên sáng nay khi tăng suốt từ 10h30 đến giờ nghỉ. VNM tăng đã ảnh hưởng rất tốt lên các chỉ số ở HSX, nhưng vẫn chưa đủ do quá lẻ loi. Đa số các mã lớn khác vẫn sụt giảm khiến động lực tăng không bền vững.
VN30 đã “nhú” qua được tham chiếu trong vòng 5 phút còn VN-Index thì không. Đó là do VN-Index còn phải “gánh” GAS giảm 1,06%, BID giảm 9,84%. Trong khi đó VN30 khá hơn, có được 8 cổ phiếu tăng giá với sự góp mặt của VNM tăng 0,79%, KDC tăng 0,43%, FPT tăng 0,97%.
Tuy nhiên đà tăng này là không rõ ràng và khoảng 10 phút cuối phiên bắt đầu suy yếu trở lại. VN-Index chốt phiên sáng giảm 0,27%, VN30 giảm 0,18%. Độ rộng tại HSX không quá hẹp với 104 mã giảm/88 mã tăng, nhưng VN30 thì rất tệ: 15 mã giảm/8 mã tăng.
Điều cốt yếu vẫn là các cổ phiếu lớn không tăng đồng thuận trong phiên sáng nay. Ngoài VNM và vài mã khác, phần lớn các nhóm cô phiếu chủ chốt, các mã vốn hóa lớn nhất vẫn đang giảm: VCB giảm 0,41%, CTG giảm 0,97%, VIC giảm 0,22%, MSN giảm 1,35%, PVD giảm 0,57%, GAS giảm 1,06%, EIB giảm 0,87%, DPM giảm 0,9%.
Chỉ có các cổ phiếu vốn hóa nhỏ là đang có mặt bằng giá tương đối tốt. Chỉ số VNSmallcap là chỉ số duy nhất đang tăng, trên tham chiếu 0,17%. Độ rộng của rổ này cũng khá: 50 mã tăng/46 mã giảm. Hầu hết các cổ phiếu còn tăng trần và tăng mạnh nhất của sàn tập trung tại đây: BGM, CCL, FCM, HTL, VNH, TNT, SVC, KSA, HAX, CMG.
Lực bán tăng lên trong sáng nay đã dẫn đến nhịp điều chỉnh khá sâu của VN-Index. Chỉ số này thấp nhất xuống tận 605,08 điểm, giảm 0,91% so với tham chiếu. VN30 giảm sâu nhất 0,86%. Nửa sau của phiên sáng là một nhịp phục hồi do cầu bắt đáy xuất hiện. Tuy nhiên thanh khoản sụt giảm và sự phân hóa tiêu cực ở các blue-chips đã ngăn cản sức mạnh.
Thanh khoản là yếu tố đáng chú ý của phiên sáng nay. Ngay cả khi FLC rất cố gắng tạo thanh khoản cho thị trường thì giá trị khớp lệnh HSX vẫn giảm gần 5% so với sáng hôm qua. FLC giao dịch tới 17,84 triệu cổ phiếu, tương đương 137,4 tỷ đồng, tăng 10% về khối lượng và 15% về giá trị so với sáng hôm qua.
Một mình FLC chiếm 15,3% giá trị sàn HSX và gần 27% giá trị rổ VN30. FLC tăng giá 4,05% và không thể kịch trần sang phiên thứ hai.
Với quy mô thanh khoản cực lớn như vậy của FLC nhưng thanh khoản chung của sàn vẫn giảm, đồng nghĩa với rất nhiều mã khác cũng sụt giảm thanh khoản. Có thể thấy FPT cũng giảm 4% giá trị giao dịch so với sáng hôm qua, CII giảm 11%, VNM giảm 9%...
Sàn HNX khác biệt một chút so với HSX do HNX30 chỉ giảm nhẹ 0,1% trong khi HNX-Index giảm 0,26%. Khác biệt này do cơ cấu tăng giảm trong rổ blue-chips, với mức tăng 0,49% tại ACB, 2,27% tại PVG, 0,28% tại PLC, 0,79% tại BVS. Thực tế độ rộng của rổ này cũng kém: 12 mã giảm/8 mã tăng và cả sàn có 94 mã giảm/56 mã tăng.
Tuy nhiên thanh khoản sàn này thì rất kém. Giá trị khớp lệnh giảm 10% so với sáng hôm qua, riêng HSX30 giảm tới 32%, chỉ đạt 71,9 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch kém nhất 27 phiên của rổ này.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì mức dịch rất hạn chế, chỉ giải ngân 31,6 tỷ đồng trên HSX, thấp chưa từng thấy trong 3 tuần qua. VIC dẫn đầu về giá trị mua, cũng chỉ đạt gần 4,7 tỷ đồng. Chỉ có đúng 10 cổ phiếu ở sàn này được giải ngân từ 1 tỷ đồng trở lên nhưng duy nhất 2 mã trên 3 tỷ là VIC và NCT.