12:04 11/11/2015

Chứng khoán sáng 11/11: VNM, FPT hồi sinh

Lan Ngọc

VNM cũng là cổ phiếu đạt thanh khoản tốt nhất thị trường, giành lại vị trí số 1 từ tay FLC

VN-Index mất dần độ cao trong 30 phút cuối phiên do các mã dẫn dắt thu hẹp đà tăng. ảnh TVsI
VN-Index mất dần độ cao trong 30 phút cuối phiên do các mã dẫn dắt thu hẹp đà tăng. ảnh TVsI
“Bộ đôi thoái vốn” VNM và FPT sáng nay bất ngờ phục hồi khá ngoạn mục trong phút chốt, tạo một chút hưng phấn trong giao dịch. Xong đâu lại vào đó.

Thị trường giao dịch yếu và VN-Index sụt giảm trong phần lớn thời gian nửa đầu phiên sáng nay. Từ sau 10h, thị trường phục hồi chậm và tăng tốc dần trên cơ sở dẫn sóng của VNM, FPT và một số cổ phiếu khác, kể cả VCB, BVH.

Mức thấp nhất VN-Index giảm 0,29% so với tham chiếu và mức cao nhất tăng 0,66%. Nhịp tăng tới gần 1% này chỉ diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ. Từ sau 11h, thị trường đã nguội trở lại với sự co hẹp mức tăng của chính những cổ phiếu dẫn dắt.

VN-Index chốt phiên sáng chỉ còn tăng 0,22%, VN30 tăng 0,25%, HNX-Index tăng 0,12% và HNX30 tăng 0,19%.

Cả hai sàn đã quay lại tìm điểm tựa ở các blue-chips. Dĩ nhiên không phải tất cả các blue-chips, mà chỉ là một số mã lớn nhất, vốn có thể đem lại hiệu quả tăng điểm số tốt nhất với chi phí thấp.

VNM là tâm điểm của phiên sáng nay khi giá từ chỗ giảm dưới tham chiếu xuống mức 127.000 đồng vọt lên 132.000 đồng. Đỉnh cao của cổ phiếu này là tăng 3,13%, gần tiến tới mức đỉnh của ngày 6/11 vừa qua. Tuy nhiên về cuối phiên sáng VNM chỉ còn tăng 1,56%, lùi về 130.000 đồng.

VNM cũng là cổ phiếu đạt thanh khoản tốt nhất thị trường, giành lại vị trí số 1 từ tay FLC. Cụ thể, đã có xấp xỉ 89,5 tỷ đồng giá trị giao dịch ở cổ phiếu này, tăng 44% so với sáng hôm qua.

FPT cũng được hưởng lợi từ biến động của VNM, sáng nay có lúc tăng 1,96% nhưng về cuối phiên chỉ còn 0,98%. FPT cũng đạt giao dịch khá tốt với 52,3 tỷ đồng, nhưng là giảm 26% so với sáng hôm qua.

Động lực phục hồi của FPT yếu hơn hẳn VNM, kể cả khi cổ phiếu này đã trải qua 3 phiên điều chỉnh mạnh vừa qua. Trong khi đó VNM mới điều chỉnh 2 phiên với biên độ hẹp hơn nhiều.

Hỗ trợ VNM, FPT trong đợt đảo ngược xu thế của thị trường giữa phiên sáng nay còn có VCB, BVH, GMD. Tuy nhiên chỉ có GMD là trụ lại được khá tốt trong 30 phút cuối. Điều này làm hạn chế đáng kể lực tăng chung của các chỉ số.

Rổ VN30 khép lại phiên sáng với 12 mã tăng/5 mã giảm, một độ rộng tương đối tốt. Tuy nhiên phần lớn cổ phiếu đã mất dần sức mạnh. Chỉ số này cũng điều chỉnh tới 0,57% so với đỉnh, chỉ trong vòng có 30 phút.

Ảnh hướng xấu đến thị trường sáng nay là nhóm dầu khí. GAS đang giảm 0,22% kể cả khi có được một nhịp hồi mạnh cùng lúc với VNM và thị trường chung, từ 45.400 đồng lên 45.900 đồng. PVD đang giảm 0,58%, MSN giảm 0,68%, HAG giảm 0,71%.

Sàn HNX dựa vào một số mã dầu khí và chứng khoán, duy trì mức tăng nhẹ. PVC đang tăng 0,52%, PLC tăng 0,85%, SHS tăng 1,37%, KLS tăng 1,45%, BVS tăng 0,79%, BCC tăng 1,38%.

Độ rộng hai sàn chỉ ở mức trung tính và không có chuyển biến rõ rệt: HSX ghi nhận 97 mã tăng/82 mã giảm, HNX có 77 mã tăng/72 mã giảm, HNX30 có 13 mã tăng/6 mã giảm. Như vậy mặt bằng giá của các blue-chips là tốt hơn.

Tuy nhiên điểm còn thiếu của phiên sáng nay là thanh khoản. Mặc dù có được một nhịp hồi khá tốt, quy mô giao dịch vẫn giảm. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn chỉ đạt 995,9 tỷ đồng, giảm 9% so với sáng hôm qua. Đây là mức thấp nhất trong 4 phiên sáng vừa qua.

Trong số này, VNM, FPT đóng góp thanh khoản nhiều nhất cho thị trường, chiếm khoảng 14,2% giá trị thị trường, chiếm 17,5% sàn HSX và 36,2% rổ VN30.

Thanh khoản đặc biệt thấp tại rổ VN30 và đó cũng là nguyên nhân khiến các cổ phiếu trong nhóm này mất độ cao khá nhanh. Tổng giá trị khớp lệnh của rổ chỉ là 391,5 tỷ đồng, kém nhất 4 phiên và giảm 24% so với sáng hôm qua.

Nhà đầu tư nước ngoài lại giảm giao dịch, mới mua vào ở HSX khớp lệnh 28,9 tỷ đồng, thấp nhất trong 17 phiên sáng. VIC là cổ phiếu duy nhất được mua đáng kể, xấp xỉ 6 tỷ đồng. VCB đứng thứ hai chỉ có 3,4 tỷ đồng. Tổng hợp sàn HSX có đúng 7 mã được khối này mua ròng quá 1 tỷ đồng.