12:09 11/05/2015

Chứng khoán sáng 11/5: OGC, khi lòng tham trỗi dậy

Lan Ngọc

Chiến dịch “trục vớt” còn tàu đắm OGC có thành công hay không ít nhất phải chờ đến T+3

VN-Index vẫn phải nhờ vào một số cổ phiếu lớn như VNM, MSN.
VN-Index vẫn phải nhờ vào một số cổ phiếu lớn như VNM, MSN.
Tâm lý bắt đáy một lần nữa được chứng thực ở OGC, khi dòng vốn mồi ban đầu thổi bay “cục” bán giá sàn tại cổ phiếu này. Tuy nhiên, chiến dịch “trục vớt” còn tàu đắm OGC có thành công hay không ít nhất phải chờ đến T+3.

Thị trường dồn mọi sự chú ý vào OGC trong sáng nay. Với chuỗi 6 phiên sàn liên tục, giá OGC đã về đến 3.000 đồng. Lượng bán sàn sáng nay tiếp tục đè thêm xuống 2.800 đồng. Liệu đến bao giờ thì dòng vốn mạo hiểm và tham lam bắt đầu nhập cuộc?

OGC bắt đầu được bắt đáy mạnh sáng nay với trên 377.000 cổ phiếu ngay từ lúc mở cửa. Đó là dấu hiệu lạ vì trong những ngày rơi sàn vừa rồi, chưa lúc nào OGC được mua ngay từ giá mở cửa khối lượng lớn như vậy.

Khoảng 5 phút sau khi đợt mở cửa kết thúc là màn “pháo kích” của lực lượng bắt đáy. Đến 9h20 bên mua đã thành công trong việc chiếm lĩnh hoàn toàn giá sàn và bắt đầu chặn mua sàn.

Thời gian kế tiếp dành cho những nhà đầu tư muốn thoát khỏi bẫy thanh khoản của OGC vì lúc này hàng triệu cổ phiếu đã chặn mua sàn. Gần 8 triệu cổ đã thoát ra ở giá sàn. 

Hành động bắt đáy cực mạnh này đã kích động được lòng tham ở không ít nhà đầu tư. Những đợt mua liên tiếp có lúc lôi giá OGC lên tận 3.100 đồng, tức là tăng so với tham chiếu. 

Diễn biến ở OGC không có gì là mới, luôn xuất hiện ở rất nhiều cổ phiếu đầu cơ rơi giá thảm hại trong một thời gian dài. Đến một ngưỡng nào đó, xuất hiện lực cầu bắt đáy đủ lớn để chặn đà giảm. Nguồn vốn này mạnh, nhưng chưa chắc là đủ để lật ngược thế cờ.

Hiệu ứng chính của giao dịch kiểu này là kích động lòng tham và lôi kéo những nhà đầu tư mạo hiểm khác với suy luận rằng: giá đã giảm đủ thấp và người khác mua được thì mình cũng mua được.

OGC đã giao dịch tới gần 18,7 triệu cổ phiếu, tương đương 53,4 tỷ đồng. Nếu lưu ý sẽ thấy cung cầu của OGC sáng nay không giống mọi ngày. Vài chục triệu cổ phiếu tranh bán giá sàn những phiên giảm giá trước đó đã được “điều tiết” đáng kể những phút đầu tiên: lượng bán ATO chỉ có gần 4,7 triệu cổ và bán sàn khoảng 7,2 triệu cổ. Tuy nhiên chỉ khớp hơn 8 triệu cổ OGC đã hết giá sàn, các lệnh bán bắt đầu rút lên cao hơn.

Nhìn từ khối lượng thì thanh khoản của OGC hôm nay rất có thể là kỷ lục kể từ phiên ngày 12/1 vừa qua. Liệu mức giá hiện tại đã đủ chiết khấu mọi rắc rối với OGC hay chưa thì không rõ, nhưng chắc chắn đã có một nguồn lực lớn tạo biến động hôm nay. Nhà đầu tư kẹt hàng có điều kiện giải phóng, trong khi người mua nghĩ rằng đó là cơ hội lợi nhuận.

Các giao dịch bắt đáy kiểu này ít nhất phải chờ tới T+3 mới có thể chắc chắn về kết quả. Đó là chưa kể đến rủi ro thanh khoản sau này. OGC lao dốc gần 8 tháng nay là vô số đợt phục hồi giả tạo liên tục khiến lớp nhà đầu tư này kẹt thay lớp nhà đầu tư khác. Liệu lần này kết cục có khác hay không?

Thanh khoản đột biến của OGC đã giúp cải thiện một chút thanh khoản thị trường sáng nay. Rổ VN30 có OGC đã tăng 12% về giá trị khớp lệnh so với phiên trước, đạt 217,8 tỷ đồng. Tuy nhiên tổng giá trị khớp lệnh của HSX lại giảm hơn 7%. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn giảm 647,8 tỷ, giảm 8%.

Ngay cả với giao dịch hơn 53 tỷ của OGC thì thanh khoản vẫn sụt giảm. Điều đó nghĩa là rất nhiều cổ phiếu khác sụt giảm mạnh giao dịch. 

VN-Index chốt phiên sáng tăng 0,13% với 93 mã tăng/75 mã giảm. VN30 tăng 0,29% với 15 mã tăng/9 mã giảm. HNX-Index tăng 0,09% với 74 mã tăng/62 mã giảm, HNX30 tăng 0,24% với 11 mã tăng/11 mã giảm.

Như vậy nhìn vào độ rộng, thị trường sáng nay ở thế cân bằng và nghiêng nhẹ về phía tích cực. Tuy nhiên VN-Index vẫn phụ thuộc nhiều vào VNM tăng 0,94%, MSN tăng 1,21%. Sàn HNX không có cổ phiếu lớn nâng đỡ nên mức tăng hạn chế.

Nhà đầu tư nước ngoài sụt giảm giao dịch mua trong phiên sáng. HSX chỉ nhận được 53,7 tỷ đồng, giảm 23% so với sáng phiên trước và là mức kém nhất trong 6 phiên sáng gần đây.