Chứng khoán sáng 12/9: Bỡ ngỡ bước giá mới, thanh khoản giảm
Sáng nay là phiên đầu tiên sàn HSX áp dụng bước giá nhỏ hơn, khiến nhà đầu tư hạn chế giao dịch, một phần do bỡ ngỡ
Sáng nay là phiên đầu tiên sàn HSX áp dụng bước giá nhỏ hơn, khiến nhà đầu tư hạn chế giao dịch, một phần do bỡ ngỡ. Rất nhiều cổ phiếu đã bị bỏ qua bước giá “lẻ”.
Theo quy định mới, cổ phiếu có giá dưới 10.000 đồng sẽ áp dụng bước giá 10 đồng. Cổ phiếu từ 10.000 đồng đến dưới 50.000 đồng sẽ áp dụng bước giá 50 đồng. Cổ phiếu từ 50.000 đồng trở lên có bước giá 100 đồng.
Trong khi đối với các cổ phiếu thị giá lớn trên 50.000 đồng, giao dịch có vẻ bình thường, cổ phiếu có giá dưới 10.000 đồng mất hẳn lượng chặn mua bán khổng lồ, thì cổ phiếu từ 10.000 đồng đến dưới 50.000 đồng xuất hiện giao dịch khá “lộn xộn”.
Với bước giá chỉ còn 50 đồng cho nhóm thứ hai, nhà đầu tư có thể đặt lệnh sát hơn và giảm bớt được phí giao dịch so với trước. Tuy nhiên có lẽ do bước giá nhỏ và khá lạ lẫm nên nhiều nhà đầu tư vẫn đặt theo bước giá tròn 100 đồng như cũ. Mặt khác, nếu nhìn theo bảng điện thông thường trên nền web với hàng trăm mã cổ phiếu một lúc, số liệu có vẻ rối rắm.
Điều này phần nào đã khiến nhà đầu tư hạn chế giao dịch, kéo thanh khoản sụt giảm khá mạnh trên sàn HSX. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh sáng nay ở sàn này mới đạt xấp xỉ 947 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với sáng phiên trước.
Thực ra mức giảm thanh khoản này cũng không phải là lớn. Mặt khác, biên độ giá vẫn giữ nguyên, tức là mức tăng giảm tối đa không thay đổi, chỉ có tốc độ tăng giảm là thay đổi do xuất hiện thêm nhiều bước giá mới. Thanh khoản giảm chủ yếu do nhà đầu tư chưa quen với lệnh mới và dừng lại để theo dõi là chính vì nếu không đặt lệnh theo bước giá mới, nhà đầu tư hoàn toàn có thể đặt lệnh kiểu cũ với bước giá 100 đồng.
Ngay với sàn HNX, bước giá không thay đổi nhưng sáng nay thanh khoản cũng tụt giảm tới 20% so với phiên trước, chỉ khớp lệnh 225,8 tỷ đồng. Tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường giảm khoảng 17%.
Thị trường sáng nay tụt giảm ở mức độ nghiêm trọng, một phần bị cho là do ảnh hưởng của bước giá mới. Tuy nhiên điều này có phần khiên cưỡng vì giá giảm đồng loạt ở cả các cổ phiếu có thị giá cao, bước giá “dễ nhìn” hơn với 100 đồng. Việc giá giảm không chỉ đơn giảm là do phản ứng từ bước giá.
Chẳng hạn VNM sáng nay lao dốc 1,33% dù cuối tuần rồi chính thức được thêm vào rổ ETF V.N.M. Rõ ràng với VNM, việc mua được theo bước giá 100 đồng có lợi hơn nhiều so với phải mua bước giá 1.000 đồng: khối lượng mua được tăng lên, phí giao dịch giảm đi. Bản thân VNM cũng đạt thanh khoản tới 1,1 triệu cổ phiếu, tương đương gần 158 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần giá trị giao dịch trong phiên sáng hôm thứ Sáu tuần trước.
VN-Index chốt phiên sáng giảm 1,22% với 172 cổ phiếu giảm giá/48 mã tăng giá. Độ rộng rất hẹp thể hiện phản ứng tiêu cực gần như trên toàn sàn. Đặc biệt VCB giảm 3,1%, VNM giảm 1,33%, GAS giảm 1,55%, MSN giảm 2,32% đã lấy đi của VN-Index khoảng 4,7 điểm. Trong khi đó phía tăng duy nhất đáng kể là VIC, tăng 1,23%.
Rổ VN30 chỉ ghi nhận 3 cổ phiếu tăng trong khi có 25 cổ phiếu giảm, đẩy chỉ số giảm 1,3% so với tham chiếu. Ngoài VIC tăng, REE và SBT hầu như không ảnh hưởng gì đến chỉ số.
Sàn HNX cân bằng hơn một chút, với 98 mã giảm/48 mã tăng và HNX-Index giảm 0,81%. Tuy nhiên HNX30 rất kém, giảm 1,35% với 19 mã giảm/3 mã tăng.
Việc thị trường Việt Nam sáng nay giảm mạnh cả giá lẫn thanh khoản thực ra không nằm ngoài biến động chung. Thị trường châu Á rơi khủng khiếp với chỉ số Asia Dow mất 2,24%, chứng khoán Nhật giảm 1,96%, Hồng Kông giảm 2,82%, Trung Quốc giảm 2,07%. Giá dầu thế giới đang cắm đầu giảm 1,59% và chứng khoán Mỹ, Châu Âu phiên cuối tuần trước giảm rất mạnh.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay chưa thấy động tĩnh gì mua lại lớn với VNM, HSG hay VIC. VNM đang bị bán ròng rất lớn, cộng với HPG, STB, ITA, PVD, HAG… Phía mua chỉ có SSI là đáng kể.