Chứng khoán sáng 15/9: Tụt giảm hàng loạt
Thêm một phiên sáng thất bại nữa khi các chỉ số lần lượt đổ dốc về cuối phiên và chốt trong sắc đỏ. Độ rộng toàn thị trường rất hẹp
Thêm một phiên sáng thất bại nữa khi các chỉ số lần lượt đổ dốc về cuối phiên và chốt trong sắc đỏ. Độ rộng toàn thị trường rất hẹp, thể hiện đà giảm đã diễn ra trên diện rất rộng.
VN-Index kết thúc phiên ở mức 656,21 điểm, giảm 0,07% so với tham chiếu. Mức giảm này có vẻ không nhiều ý nghĩa, nhưng cần nhìn vào đà tăng 0,56% đầu phiên. Chỉ số này đã đánh mất toàn bộ sức mạnh trong phiên sáng.
VN30-Index kém hơn nhiều, đang giảm 0,27%, ở mức thấp nhất 16 phiên. Chỉ số của nhóm blue-chip sàn HSX cũng đã trượt dài từ mức tăng 0,47% đầu phiên.
Sàn HNX cũng không khá hơn gì: HXN-Index đang giảm 0,62%, HNX30 giảm 0,95%. Hai chỉ số này không có mức tăng đáng kể như trên sàn HSX đầu phiên, nhưng đà giảm sau đó mạnh không kém biên độ trượt giá của VN-Index hay VN30-Index.
Điểm tiêu cực là cả hai sàn phải chứng kiến một độ rộng quá kém: HSX ghi nhận 142 mã giảm/87 mã tăng, VN30 có 18 mã giảm/9 mã tăng. HNX có 102 mã giảm/49 mã tăng, HNX30 có 18 mã giảm/2 mã tăng.
Với số lượng cổ phiếu giảm giá áp đảo, thị trường tụt áp sáng nay không chỉ đơn giản là do các cổ phiếu lớn kéo xuống. VIC điều chỉnh giá kỹ thuật trong phiên và thực chất là tăng 3,42% so với giá tham chiếu mới, trở thành cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho VN-Index trong chiều tăng.
VCB tăng nhẹ 0,27%, CTG tăng 0,3% ảnh hưởng không đủ để bù lại các mã khác giảm sâu là VNM giảm 0,69%, MSN giảm 2,4%, BID giảm 0,63%, BVH giảm 0,33%, GAS giảm 0,79%... Ngay độ rộng của VN30 cũng thể hiện một mức áp đảo từ phía giảm giá.
Thanh khoản của các blue-chips sáng nay cũng là điều đáng chú ý. Rổ Vn30 giao dịch giảm gần 7% về giá trị so với sáng hôm qua, HNX30 giảm gần 4%. Mức giảm này cũng không phải quá lớn, nhưng xu thế giảm thanh khoản đã kéo dài khá lâu. Chẳng hạn VN30 hôm nay giao dịch kém nhất trong 6 tuần. Trung bình 4 phiên sáng của rổ này từ đầu tuần chỉ đạt 512,2 tỷ đồng, trong khi trung bình tuần trước là 753,3 tỷ đồng.
Các giao dịch tương đối lớn và đáng chú ý vẫn chỉ thuộc về những mã quen thuộc như VNM, HPG. Nhóm còn lại như FPT, VIC, VCB… đều sụt giảm thanh khoản ở mức thảm hại.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ra khối lượng ròng tương đối lớn ở FLC, VNM, HAG, HPG, SSI, ITA, DPM. Thời gian cho các giao dịch tái cân bằng của quỹ ETF chỉ còn 2 phiên. Thông thường trọng tâm sẽ là vào ngày mai. Có lẽ thị trường đang chờ đợi những giao dịch mùa vụ này kết thúc để tránh những rủi ro không đáng có.