12:13 16/05/2016

Chứng khoán sáng 16/5: Cổ phiếu dầu khí đỡ chỉ số

Lan Ngọc

Các blue-chips tiếp tục mạnh lên trong sáng nay, gánh đỡ phần lớn số giảm và đẩy chỉ số hai sàn tăng. Tuy nhiên thanh khoản lại có dấu hiệu giảm

VN-Index đang được các blue-chips, trong đó nổi bật là GAS, VIC nâng đỡ - Ảnh: TVSI.
VN-Index đang được các blue-chips, trong đó nổi bật là GAS, VIC nâng đỡ - Ảnh: TVSI.
Các blue-chips tiếp tục mạnh lên trong sáng nay, gánh đỡ phần lớn số giảm và đẩy chỉ số hai sàn tăng. Tuy nhiên thanh khoản lại có dấu hiệu giảm.

Cổ phiếu dầu khí là nhóm mạnh nhất thị trường phiên này, nhờ biến động tích cực của giá dầu thế giới. Dầu Brent giao tháng 6 đang tăng 1,3% lên 48,45 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Thực ra giá dầu đã tăng mạnh 6 ngày gần đây nhưng hầu như chỉ tác động lên GAS. Sáng nay hầu hết các cổ phiếu dầu khí đã tăng tốt theo nhóm.

Cụ thể, GAS tăng 1,85%, đạt 55.000 đồng, mức cao nhất trong vòng 9 tháng. PVD tăng 3,11%, tiến tới gần sát đỉnh tháng 3/2016. PVS tăng 2,87%, đang ở giá đỉnh kể từ đầu năm. PVC tăng 1,52%, PVG tăng 2,67%, PGS tăng 1,55%.

Ảnh hưởng của nhóm dầu khí lên HNX có phần rõ rệt hơn HSX. HNX30 đang tăng 0,66% nhờ các mã dầu khí lớn nhất tập trung chủ yếu ở rổ này. HNX-Index đang tăng 0,34%.

Đặc biệt, một số mã dầu khí đang thu hút dòng tiền tương đối tốt. Giao dịch lớn nhất trên HNX thuộc về PVS, khớp gần 40,8 tỷ đồng, chiếm 14,4% sàn này và 34,9% giá trị rổ HNX30. Quy mô khớp của PVS cũng cao gấp đôi mã thứ hai là DST.

Trên HSX, PVD cũng giữ ngôi đầu về thanh khoản, khớp thành công hơn 52,3 tỷ đồng. PVD cũng chiếm 12% giá trị rổ VN30 và 6% giá trị khớp toàn sàn.

Tuy nhiên, việc đẩy VN-Index tăng 0,31% và VN30 tăng 0,4% còn phụ thuộc nhiều vào các trụ khác, không như nhóm dầu khí trên HNX. Sàn HSX có quy mô lớn hơn và mức độ vốn hóa tập trung thấp hơn HNX.

Cụ thể, VIC đang tăng 1,87%, STB tăng 3,42%, SSI tăng 0,99%, DPM tăng 1%. Rổ VN30 ghi nhận 11 mã giảm/10 mã tăng và đó cũng là nguyên nhân khiến sức mạnh của các mã dầu khí không quá ảnh hưởng. VNM, VCB, MSN, BID chỉ tham chiếu, trong khi CTG giảm 0,56%, BVH giảm 0,85%...

Thực tế độ rộng chung của thị trường cũng như riêng ở HSX không phải là tích cực: HNX có 85 mã giảm/75 mã tăng, HNX30 có 12 mã tăng/7 mã giảm, HSX có 108 mã giảm/83 mã tăng. Như vậy các blue-chips vẫn đang là trụ cột của chỉ số.

Ngoài VN-Index và VN30-Index tăng khá rõ, chỉ số VNMidcap chỉ tăng được 0,09% còn VNSmallcap giảm 0,13%. Chỉ số HNXMid/Small ở sàn Hà Nội cũng đang giảm 0,32%.

Thanh khoản thị trường cũng có dấu hiệu giảm, chủ yếu do sự suy giảm giao dịch ở các blue-chips trên HSX. Cụ thể, tổng giá trị khớp lệnh hai sàn phiên sáng chỉ đạt 1.159,4 tỷ đồng, thấp hơn sáng phiên trước gần 8%. Rổ VNN30 giao dịch giảm gần 12% và sàn HSX giảm 9%.

Nhà đầu tư nước ngoài tăng mua một chút trên HSX, đã giải ngân 61,6 tỷ đồng. 5 cổ phiếu được mua lớn nhất, chiếm trên 51% lượng vốn nói trên, là MSN, STB, GAS, VIC và SSI.

VN-Index đã có một nhịp điều chỉnh kéo dài tới quá 10h30 mới được blue-chips vực dậy trong nửa sau của phiên. Mức cao nhất chỉ số này đạt được là 615,33 điểm, tương đương mức cao nhất của phiên cuối tuần trước. Tuy nhiên, trong 30 phút cuối, thị trường lại lùi lại một chút và chỉ số dừng ở 612,73 điểm.