12:17 19/01/2015

Chứng khoán sáng 19/1: Điều chỉnh nhẹ nhàng

Lan Ngọc

Mặc dù lúc chốt phiên sáng, các chỉ số hai sàn vẫn xanh nhẹ, nhưng độ rộng thu hẹp đáng kể

VN-Index đang phục hồi nhẹ về cuối phiên.
VN-Index đang phục hồi nhẹ về cuối phiên.
Mặc dù lúc chốt phiên sáng, các chỉ số hai sàn vẫn xanh nhẹ, nhưng độ rộng thu hẹp đáng kể. Mặt khác xu thế biến động giá chính của phiên vẫn là điều chỉnh.

VN-Index đang dừng ở mức 575,28 điểm, tăng 0,08%. VN30-Index tăng 0,02%, HNX-Index tăng 0,22% và HNX30-Index tăng 0,31%.

Mức tăng điểm số này là sự phục hồi nhẹ khi thị trường chứng kiến một đợt trượt dốc chậm rãi suốt từ lúc mở cửa. VN-Index cao nhất đầu phiên tăng 0,74%, VN30-Index tăng 0,58%, HNX-Index tăng 0,87% và HNX30-Index tăng 1,22%.

Thị trường mở cửa phiên đầu tuần với mức độ thận trọng tăng cao. Mặc dù ít phút đầu phiên điểm số khá mạnh, nhưng thanh khoản suy giảm đáng kể và độ rộng không tốt. Hầu hết cổ phiếu chỉ đứng tham chiếu trong khi một số ít cổ phiếu lớn vẫn tăng như VIC, VCB, GAS. Yếu tố điểm số không bộc lộ đúng bản chất thận trọng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nổi lên khá tốt mặc dù đã có sự phân hóa đáng kể. VCB sau ít phút tăng bắt đầu bị chốt lời mạnh. Giá từ chỗ tăng 2,48% thành giảm 1,38%. Những phút cuối phiên VCB được bắt đáy nhẹ, nhưng mức giảm vẫn còn 0,83%. Cổ phiếu này như vậy đang trượt sang phiên giảm thứ 3 liên tục.

Những mã ngân hàng còn lại vẫn đang trong trạng thái giằng co tăng giá. CTG tăng 2,61%, BID tăng 1,85%, STB tăng 1,09%, MBB tăng 0,71%, EIB tham chiếu. Với mức tăng khá này, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là nền tảng tốt nhất cho thị trường.

Tuy vậy có thể thấy sức mạnh của đà tăng đã không còn được như trước ở tất cả các cổ phiếu. CTG thực chất đã phải lùi giá từ mức tăng 3,92%. BID cũng mất đúng một nửa mức tăng so với đỉnh cao nhất buổi sáng. Mặt khác thanh khoản ở các cổ phiếu ngân hàng “mất hút” cho thấy dòng tiền không thực sự mạnh.

Sàn HSX chốt phiên sáng với 101 mã giảm/72 mã tăng. Rổ VN30 có 11 mã giảm/9 mã tăng. Độ rộng thu hẹp lại thể hiện lực bán ra rộng mặc dù điểm số vẫn được nâng đỡ từ các cổ phiếu ngân hàng. VIC cũng là cổ phiếu trụ quan trọng nhất ở HSX, đang tăng 0,85%. 

Sàn Hà Nội cân bằng hơn HSX về độ rộng, đồng thời điểm số cũng tốt hơn do sức mạnh giá ở các mã lớn. HNX ghi nhận 68 mã tăng/67 mã giảm, rổ HNX30 có 8 mã tăng/8 mã giảm. Hai chỉ số chính ở sàn này tăng khá nhờ SHB, SHS, PVC, PGS, KLS, ACB tăng vượt trội cả về giá lẫn vốn hóa.

Thị trường sáng nay thực sự trầm lắng và thiếu đi các nhân tố đột biến. Một bất ngờ nhỏ là DPM có lúc rơi xuống tận giá sàn do những rắc rối liên quan đến giá mua khí và cách tính thuế VAT mới. Tuy nhiên thực tế việc giảm sàn của DPM là do cung cầu tại một thời điểm hơn là lượng hàng xả lớn.

DPM chốt phiên sáng đang giảm 4,02%, mạnh nhất trong số các blue-chips ở HSX. Đợt rơi giá xuống mức sàn DPM khớp rất ít, đúng ra là chỉ có trong một giao dịch. Cầu lập tức vào mua lập lại cân bằng ở vùng giá thấp, giúp chặn đà giảm ở cổ phiếu này.

Mặc dù vậy nhu cầu thoát ra ở DPM vẫn là hiện hữu. Cổ phiếu này đã giao dịch 2,27 triệu đơn vị trong phiên sáng, tương đương 70,6 tỷ đồng. Đây chắc chắn là mức thanh khoản lớn nhất trong 4 phiên. 

Tình trạng nguội lạnh của thị trường cũng thể hiện rất rõ ở cả các cổ phiếu đầu cơ nhỏ. Rất ít mã duy trì được sức nóng cần thiết như TSC, AGR, vài mã còn lại thanh khoản quá kém. 

Điểm nữa là thanh khoản thị trường sụt giảm 13% so với phiên trước, khớp lệnh 1.138,8 tỷ đồng, kém nhất trong 7 phiên sáng gần đây. Điều này trái ngược với xu thế tăng mua của nhà đầu tư nước ngoài: Rổ VN30 xuất hiện PPC, KDC, DPM, CII, BVH được mua lớn. Khối ngoại chiếm khoảng 6% thanh khoản của rổ này, tương đương gần 1,3 triệu cổ. Lượng mua này tăng 50% so với phiên sáng hôm thứ Sáu trong khi thanh khoản toàn rổ lại giảm gần 15%. Sàn Hà Nội cũng có SHS, VCG, KLS, VND được mua tốt.