12:39 23/06/2016

Chứng khoán sáng 23/6: Tâm điểm VNM

Lan Ngọc

Giao dịch đáng chú ý thuộc về siêu cổ phiếu VNM khi thanh khoản bất ngờ gia tăng rất cao

VN-Index đang được Gas, VNM, VIC, VCB nâng đỡ khá tốt -Ảnh: TVSI.
VN-Index đang được Gas, VNM, VIC, VCB nâng đỡ khá tốt -Ảnh: TVSI.
VN-Index vẫn đang tăng cuối phiên sáng nay nhưng cũng đang mất dần độ cao mặc dù các blue-chips cân bằng trở lại. VNM, GAS, VCB là bộ ba cổ phiếu quan trọng nhất.

Giao dịch đáng chú ý thuộc về siêu cổ phiếu VNM khi thanh khoản bất ngờ gia tăng rất cao. Chỉ riêng giao dịch khớp lệnh, cổ phiếu này đã chuyển nhượng 1,07 triệu cổ phiếu, tương đương gần 150,1 tỷ đồng. VNM đóng góp 10,2% giá trị khớp toàn thị trường, 12,8% giá trị HSX và 27% rổ VN30.

VNM cũng tăng giá 0,72% sau những tranh chấp kịch liệt giữa bên mua và bên bán. Mức thanh khoản tăng vọt sáng nay là do người mua đẩy giá lên khá cao và gặp khối lượng xả lớn tung ra. VNM đạt giá cao nhất tăng 1,44% và thanh khoản hôm nay chắc chắn là cao nhất kể từ khi giá rời đỉnh 146.000 đồng hôm 17/5 vừa rồi.

Đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài bán ra mạnh ở VNM. Giao dịch phần lớn là thỏa thuận nội khối, với 400.000 cổ khớp lúc 11h11. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận sáng nay với VNM là 564.900 cổ phiếu, nhưng ghi nhận khối ngoại mua vào 565.000 đơn vị, bán ra 869.100 đơn vị. Như vậy khối ngoại đang bán ròng VNM trên cả khớp lệnh.

VNM bị bán ra gần nhất là từ quỹ Vietnam Enterprise Investments với khoảng 2,92 triệu cổ trong tổng số cần bán 3,85 triệu cổ. Phần lớn khối lượng này đã được giao dịch thỏa thuận. VNM cũng chuẩn bị phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên với khối lượng tới 9,44 triệu đơn vị, giá chỉ 37.720 đồng/cổ phiếu, trong khi giá trên sàn đang là 140.000 đồng/cổ phiếu.

VNM tăng giá cao lúc đầu phiên cũng là nguyên nhân giúp VN-Index thiết lập mức đỉnh cao nhất tại 630,24 điểm, tăng 0,61% so với tham chiếu. VCB khi đó cũng tăng hơn 1,2%. VNM yếu đi một chút về cuối phiên thì VCB vẫn giữ giá khá tốt, đang tăng 1,07%. Cùng lúc, GAS được đẩy tăng 0,83% trong giao dịch cuối cùng.

VN-Index nhờ đó vẫn có được mức tăng khá tốt 0,49% trong khi VN30-Index mất độ cao khá rõ, chỉ còn tăng 0,14% trong khi đỉnh cao cùng thời điểm với VN-Index là tăng 0,41%.

Các trụ lớn khác của VN-Index sáng nay không mạnh: CTG, BID, BVH chỉ tham chiếu mà cũng còn khó khăn. VIC tăng 0,95% chỉ nhờ vài lệnh mua nhỏ lúc chốt phiên. MSN đang giảm 0,72%. Độ rộng của VN30 cân bằng với 11 mã tăng/11 mã giảm.

Sàn Hà Nội giao dịch cũng không nổi bật, chỉ số chính tăng 0,21% với 85 mã tăng/90 mã giảm. HNX30 tăng 0,26% với 11 mã tăng/14 mã giảm. Sàn này chủ yếu nhờ SHB tăng 1,61%, còn ACB lại giảm 1,04% và các mã dầu khí lớn không tăng hoặc giảm.

Trong khi các blue-chips chỉ cải thiện ở mức độ cân bằng và tiếp tục phân hóa thì các mã vốn hóa trung bình và nhỏ ở cả hai sàn giao dịch tốt hơn. HSX ghi nhận 132 mã tăng/80 mã giảm, với 13 mã kịch trần. HNX có 8 mã kịch trần. Chỉ số VNMidcap tăng 0,87%, VNSmallcap tăng 0,41%, đều mạnh hơn các chỉ số khác. Ở HNX, HNXMid/Smallcap tăng 0,3%.

Nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ đạt mức tăng giá rất tốt và thanh khoản cao như TYA, DHA, PAC, QCG, DLG, CIG, VPH, HAR, BHS…

Thanh khoản khớp lệnh tổng thể hai sàn sáng nay tăng hơn 16% so với sáng hôm qua, đạt 1.478,8 tỷ đồng. Vai trò lớn nhất thuộc về giao dịch khủng ở VNM, tiếp đó là HPG khớp 98,3 tỷ đồng. Cổ phiếu đứng thứ 3 là SBT có khoảng cách rất xa so với 2 mã dẫn đầu, chỉ giao dịch được 49,4 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch không mạnh sáng nay. Các cổ phiếu được mua lớn nhất về khối lượng là HHS, HPG, VNE cũng chỉ vài trăm ngàn cổ. Phía bán ra CII bị xả chẵn 1 triệu cổ, SBT, VNM, PAC cũng bị bán ròng khá nhiều.