12:01 02/04/2015

Chứng khoán sáng 2/4: Dè dặt mua vào

Lan Ngọc

Thêm một đợt bán ra sáng nay có lúc đè thị trường sụt giảm hàng loạt. Tuy nhiên sức ép không lớn đã khiến giá nhanh chóng hồi trở lại

VN-Index tuy hồi lại khá nhanh nhưng cũng không thể bật lên mạnh hơn một cách dứt khoát.
VN-Index tuy hồi lại khá nhanh nhưng cũng không thể bật lên mạnh hơn một cách dứt khoát.
Thêm một đợt bán ra sáng nay có lúc đè thị trường sụt giảm hàng loạt. Tuy nhiên sức ép không lớn đã khiến giá nhanh chóng hồi trở lại.

Sau phiên lao dốc sâu và bắt đáy khá tốt hôm qua, thị trường đã phần nào bình tĩnh hơn. Giao dịch rất chậm và thanh khoản yếu vừa tích cực, vừa tiêu cực nếu nhìn từ các góc độ khác nhau.

Một đợt giảm khá giữa phiên sáng nay có lúc đưa VN-Index xuống 536,87 điểm, giảm 0,38% so với tham chiếu. Tuy nhiên lại không xuất hiện sự hoảng hốt nào đáng kể. Giao dịch nhẹ nhàng và thanh khoản không lớn lúc này có thể xem là dấu hiệu tích cực, khi nhà đầu tư trở nên tự tin hơn và tránh bán tháo.

Tuy nhiên đợt đẩy giá lên về cuối phiên cũng vẫn diễn ra trong nhịp độ chậm rãi, thậm chí là trì trệ. Sau khi phục hồi trở lại lên trên tham chiếu, suốt từ 10h30 trở đi, giá hầu như chỉ vận động đi ngang mà không có tiến triển nào tích cực hơn. VN-Index chốt phiên trên tham chiếu 0,26%.

Mức phục hồi nói trên là không đáng kể, nhất là sau khi chỉ số đã đánh mất hơn 12 điểm hôm qua. Ảnh hưởng của một số cổ phiếu lớn là tương đối rõ, nhất là GAS, vẫn đang giảm 0,81%. VN-Index gần như bám sát nhịp biến động ở GAS, khi cổ phiếu này liên tục tăng giảm trong bối cảnh thanh khoản rất kém. Chỉ khi GAS lùi lại tham chiếu, thị trường mới ổn định.

Nếu nhìn từ phân lớp cổ phiếu thì rõ ràng nhóm blue-chips đang ổn định và đóng vai trò giữ nhịp trên cả hai sàn. VN30-Index tăng 0,28% với độ rộng tích cực: 19 mã tăng/6 mã giảm. Những cổ phiếu giảm có vốn hóa không lớn như CSM, FLC, HCM, MBB, REE, STB.

Số tăng giá chiếm áp đảo cả về số lượng lẫn vốn hóa: VIC, VCB, SSI, PVD, MSN, KDC, HSG, HAG, FPT, DPM, BVH…

Tuy nhiên mức độ phục hồi giá ở các blue-chips vẫn còn khá yếu. Rổ VN30 chỉ có 7 cổ phiếu tăng trên 1%, nếu tính cả OGC. Do thị giá của OGC quá thấp nên biên độ tính theo tỷ lệ phần trăm lại cao. Cổ phiếu này đang tăng 4,55% thực ra chỉ là 2 bước giá trên tham chiếu.

Rổ HNX30 có mức tăng tốt hơn, trên tham chiếu 0,73% chủ đạo là nhờ tác động vốn hóa của nhóm dầu khí: PVS tăng 1,86%, PVG tăng 1,22%, PLC tăng 1,48%, PGS tăng 0,54%. HNX-Index chỉ tăng 0,21%.

Nhìn tổng thể thị trường tương đối cân bằng và có nét tích cực nhiều hơn. Độ rộng bình thường khi HSX ghi nhận 84 mã tăng/88 mã giảm, HNX ghi nhận 67 mã tăng/64 mã giảm. Phần lợi thế của điểm số nằm ở hai rổ cổ phiếu lớn đều tăng tốt hơn mặt bằng chung.

Việc thị trường có được trạng thái cân bằng như vậy là hoàn toàn bình thường. Một phần áp lực bán ra lớn đã được giao dịch vào ngày hôm qua. Có thể thấy khá rõ là các blue-chips không chịu sức ép lớn, kể cả GAS.

Thanh khoản toàn thị trường khớp lệnh sáng nay tăng khoảng 11% về giá trị, đạt 798,4 tỷ đồng. Tuy vậy cũng phải lưu ý rằng mức thanh khoản là rất chênh lệch ở các cổ phiếu và điều này mới phản ánh đúng thực chất tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Những cổ phiếu như PVD, HAG, SSI hay GAS, VCB, BID, CTG đều khớp nhỏ giọt. 

Trong khi đó, một lượng lớn thanh khoản tập trung ở những cổ phiếu đầu cơ như FLC, HAI, FIT. Ba mã này giao dịch cỡ 207,8 tỷ đồng, chiếm 26% giá trị thị trường. FLC đang giảm 0,95%, HAI giảm 3,54%, FIT tăng 3,13%.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì cường độ mua không hơn nhiều so với sáng hôm qua. HSX nhận được khoảng 48,5 tỷ đồng mua vào, chỉ tăng 4%. HNX cho đến giờ cũng chỉ có VCG được mua khá tốt.

Sau phiên rơi mạnh hôm qua, thị trường được kỳ vọng tạo đáy và quả thực lực cầu bắt đáy đã mạnh hơn. Giao dịch tăng giá sáng nay càng củng cố kỳ vọng này. Tuy nhiên thanh khoản vẫn chỉ cho thấy những đồng tiền mạo hiểm và chấp nhận rủi ro cao mới chấp nhận vào sớm.