12:05 24/03/2015

Chứng khoán sáng 24/3: Giá rơi sâu, thanh khoản vẫn đuối

Lan Ngọc

Cầu bắt đáy xuất hiện nhưng lại không có ý định đẩy lên cao. Thanh khoản vì vậy không được cải thiện

VN-Index không thể phục hồi tốt hơn mà lại đuối dần do sức đẩy của cầu bắt đáy suy yếu trở lại.
VN-Index không thể phục hồi tốt hơn mà lại đuối dần do sức đẩy của cầu bắt đáy suy yếu trở lại.
Một đợt bán tháo xuất hiện giữa phiên sáng nay đẩy cả chỉ số lẫn giá cổ phiếu rơi rất mạnh. Cầu bắt đáy xuất hiện nhưng lại không có ý định đẩy lên cao. Thanh khoản vì vậy không được cải thiện.

Tổng giá trị khớp lệnh phiên sáng chỉ tăng nhẹ gần 4% so với sáng hôm qua, đạt 960,4 tỷ đồng. Phần tăng này chủ yếu đến từ lực mua tốt hơn của nhà đầu tư nước ngoài.

Thị trường chứng kiến đợt bán tháo mạnh đầu tiên với mức giảm 1,3% lúc gần 10h. VN30-Index giảm 1,22%, HNX-Index giảm 1,23%, HNX30-Index giảm 1,35%. Đây là mức sụt sâu nhất kể từ khi thị trường rơi vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn đầu tháng 3.

Độ rộng thị trường rất hẹp trong thời điểm giá rơi mạnh nhất xác nhận đà bán tháo đã diễn trên diện rộng chứ không đơn giản là bị đè bởi các cổ phiếu vốn hóa lớn. Mức giảm sâu này đã kích hoạt, hay đúng hơn là chạm vào vùng mua bắt đáy phía dưới và đẩy thanh khoản tăng.

Trong phần còn lại của phiên, thị trường đã phục hồi với mức độ nhẹ nhưng xu hướng này không tiến triển thêm được bao nhiêu. Đặc biệt thanh khoản trong 3/4 thời gian còn lại của phiên sáng rất kém. Dường như nhà đầu tư bắt đáy chứ không chịu đuổi giá lên cao.

VN-Index chốt phiên sáng đang giảm 0,78%, VN30-Index giảm 0,79%, HNX-Index giảm 0,8% và HNX30-Index giảm 0,68%. Như vậy đà hồi giá cũng đem lại hiệu quả nhất định so với thời điểm hoảng loạn đầu phiên.

Thị trường đang trong trạng thái mất phương hướng khi không xuất hiện bất kỳ nhóm cổ phiếu nào nổi lên để nâng đỡ, hay thậm chí là cân bằng lại một chút từ số quá lớn cổ phiếu giảm giá. 

Nhóm ngân hàng rất tiêu cực với VCB giảm 0,85%, BID giảm 2,31%, CTG giảm 1,7%, EIB giảm 0,77%, MBB giảm 0,73%, STB giảm 1,04%, ACB giảm 0,59%, SHB đứng tham chiếu. Trong số này, BID và CTG đang hình thành một xu hướng giảm ngày càng rõ nét và mức giảm mạnh nhất, do là các cổ phiếu rơi chậm nhất trong nhóm.

Các mã dầu khí cũng rất bi đát. GAS giảm 0,66% ngay trước ngày chuẩn bị khởi động mua vào cổ phiếu quỹ. Đây là niềm hi vọng của thị trường nếu GAS bắt đầu mua 10 triệu cổ phiếu quỹ và chấp nhận giá tối đa 100.000 đồng, trong khi hiện tại chỉ 75.500 đồng. Tuy vậy các quy định về mua cổ phiếu quỹ, khoảng giá đặt, khối lượng đặt… không cho phép đẩy giá GAS mà giỏi lắm chỉ khiến GAS không giảm mà thôi.

Những mã dầu khí khác tác động tiêu cực đến thị trường là PVD giảm 2,65%, PVT giảm 1,49%, PVS giảm 1,65%, PVC giảm 1,75%, PVB giảm 1,7%, PLC giảm 1,2%, PGS giảm 1,47%.

Riêng các mã chứng khoán có sự phân hóa nhẹ: SSI giảm 1,39%, HCM giảm 1,25%, VND, BVS, SHS tham chiếu và KLS tăng 1,01%.

Gánh nặng của thị trường chính là ở các blue-chips khi thay vì nâng đỡ, điều nhịp, lại đang lấy đi đáng kể điểm số. VN30 không có cổ phiếu nào tăng giá mà 24 mã giảm, trong đó 18 mã giảm trên 1%. HNX30 có duy nhất hai mã tăng là HMH tăng 0,78% và KLS. 19 cổ phiếu còn lại giảm giá với 15 mã giảm trên 1%.

Độ rộng toàn thị trường vẫn rất tiêu cực mặc dù có được một nhịp hồi nhẹ nhờ cầu bắt đáy. HSX ghi nhận 163 mã giảm/40 mã tăng, HNX có 119 mã giảm/32 mã tăng. Nguyên nhân là do sức đẩy của cầu bắt đáy rất yếu, không đủ kéo xanh hay thậm chí là tham chiếu ở đa số mã. 

Nhà đầu tư nước ngoài giải ngân khá tốt sáng nay có thể coi là một điểm sáng. HSX nhận được 86,1 tỷ đồng giá trị mua vào, tăng 27% so với sáng hôm qua. VIC, VCB, HPG, BVH, CTG đang là những mã được rót vốn lớn nhất. Tuy nhiên ẩn số lại chính là giao dịch bán của khối ngoại vì hiện không thể nào biết được sức ép này lớn đến đâu.