12:45 25/04/2016

Chứng khoán sáng 25/4: HAG, HNG “bốc hỏa”

Lan Ngọc

Thông tin triển vọng “giải cứu” nợ của HAG được hé lộ tại đại hội cổ đông ngân hàng BIDV đã góp phần thổi bùng làn sóng đầu cơ

VN-Index đã trượt dài trong sáng nay khi mất dần lực hỗ trợ từ các blue-chips. Ảnh: TVSI
VN-Index đã trượt dài trong sáng nay khi mất dần lực hỗ trợ từ các blue-chips. Ảnh: TVSI
Thông tin triển vọng “giải cứu” nợ của HAG được hé lộ tại đại hội cổ đông ngân hàng BIDV đã góp phần thổi bùng làn sóng đầu cơ.

HAG và HNG sáng nay đều kịch trần với giao dịch rất sôi động. Thanh khoản quá thấp ở HNG chủ yếu là do cầu tăng đột biến và ít nhà đầu tư bán ra. HNG đang được chặn mua trần 1,45 triệu cổ phiếu.

Với HAG, thanh khoản lớn hơn nhiều do vẫn có khối lượng lớn xả hàng. Phe đầu cơ giá lên đã phải thanh toán hơn 10,11 triệu cổ phiếu mới chặn được giá trần. Giá trị giao dịch đang ở ngưỡng 74,7 tỷ đồng và còn vài trăm ngàn cổ phiếu chặn mua trần giá 7.400 đồng.

Cả hai cổ phiếu này đã tăng giá từ phiên cuối tuần trước, nhưng chỉ ở mức vừa phải: HAG tăng 2,9% và HNG tăng 1,5%. Sau khi thông tin các chủ nợ đang bàn cách giải cứu đống nợ khổng lồ ở HAG, thị trường sáng nay mới có thể phản ứng.

Thực ra thông tin vẫn chưa có gì rõ ràng, theo đại diện ngân hàng BIDV, chủ nợ lớn nhất của HAG, 10 chủ nợ đã có văn bản đề xuất với Ngân hàng nhà nước phương án hỗ trợ hoạt động, tái cơ cấu nợ vay của HAG. Vẫn chưa rõ kế hoạch cụ thể như thế nào và HAG phải “trả giá” ra sao.

Tuy nhiên dường như thị trường đã đặt cược lớn vào kế hoạch này. HAG đang ở giá 7.000 đồng (cuối tuần trước), là mức thấp nhất trong lịch sử. HNG giá chỉ 6.900 đồng, cũng là thấp nhất. Nếu như các mức giá này đã phản ánh được rủi ro của hai cổ phiếu trên thì với triển vọng cải thiện, giá có thể sẽ tăng mạnh.

Chính vì vậy một lượng tiền lớn đã đổ xô vào mua HAG và HNG sáng nay, đẩy giá tăng hết biên độ. Thực ra loại thông tin này không phải là tin mật và chắc chắn sẽ có sự mất cân bằng thông tin. Lợi thế khó thuộc về những nhà đầu cơ chậm chân, kém nhạy tin. Mặt khác, nếu chỉ căn cứ thuần túy vào việc được giải cứu mà không đánh giá hết cái giá phải trả như thế nào cũng là một rủi ro lớn.

Ngoài hai cổ phiếu nóng nhất thị trường sáng nay, phần còn lại là một phiên giao dịch khá đuối. Áp lực chốt lời bắt đầu tăng lên đáng kể và thị trường đang chịu sức ép ở hầu hết các cổ phiếu lớn.

VN-Index đầu phiên được kéo mạnh lên 601,61 điểm, tăng 1,54% so với tham chiếu và tiến sát đến vùng đỉnh tháng 11 năm ngoái. Đà tăng theo quán tính này không duy trì được lâu khi các blue-chips lớn nhất bắt đầu suy yếu do áp lực bán ra. Toàn bộ thời gian còn lại của phiên là một nhịp giảm kéo dài. VN-Index chốt phiên sáng chỉ còn 595,44 điểm, tăng 0,5%.

VN30, trụ cột của VN-Index, chốt phiên sáng chỉ tăng được 0,27%, thậm chí nhịp giảm kéo dài còn đưa chỉ số này xuống vùng giá đỏ. Các cổ phiếu trụ lại bắt đầu phân hóa khiến sức mạnh yếu đi đáng kể. Mức cao nhất chỉ số này tăng tới 1,47% so với tham chiếu.

VNM đánh mất toàn bộ sức tăng và đang đứng ở tham chiếu. VIC sụt giảm 0,92%. GAS rơi mạnh 0,81%. MSN giảm 0,72%, MBB giảm 0,67%, HSG giảm 0,94%.

Phía tăng chỉ còn lại vài mã tài chính lớn: VCB tăng 2,19%, CTG tăng 2,38%, BID tăng 4,12%, BVH tăng 0,9%. Một số mã nhỏ hơn hỗ trợ không nhiều như DPM tăng 0,34%, SSI tăng 1,86%, HPG tăng 1,22%...

Nhìn chung các blue-chips vẫn có mặt bằng giá khá tốt. Rổ VN30 ghi nhận 14 mã tăng/8 mã giảm trong rổ này. HSX tổng thể có 102 mã tăng/99 mã giảm, tương đối cân bằng.

Các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không thực sự mạnh: VNMidcap chỉ tăng 0,27%, VNSmallcap tăng 0,11%. Rõ ràng là các cổ phiếu ở hai nhóm này chịu tác động rất lớn từ biến động chung của VN-Index. Khi chỉ số chính trượt dốc, các chỉ số nhỏ này cũng rơi liên tục.

Sàn Hà Nội có một phiên sáng trì trệ vì chẳng còn nhóm cổ phiếu nào nâng đỡ nữa. Mạnh nhất ở HSX là nhóm ngân hàng nhưng không phải tất cả cùng tăng. Chẳng hạn EIB, STB chỉ tham chiếu, MBB giảm 0,67%. Hai mã ngân hàng trên HNX cùng giảm mạnh: ACB giảm 1,1%, SHB giảm 1,54%.

Trong khi đó nhóm dầu khí lại giảm cùng với GAS, PVD ở HSX: PVS giảm 1,74%, PVC giảm 2,17%, PVG giảm 1,23%, PVB giảm 4,17%, PGS giảm 1,03%.

Tập hợp hai nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất này đều giảm, khiến HNX-Index giảm 0,56% và HNX30 giảm 0,87%. Thêm nữa độ rộng rất kém ở sàn này phản ánh sự bỏ bê của nhà đầu tư: HNX30 chỉ có 6 mã tăng/18 mã giảm. HNX có 101 mã giảm/74 mã tăng.

Áp lực chốt lời lớn đã đẩy thanh khoản tăng mạnh trong sáng nay. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn vọt lên mức cao nhất 35 phiên, đạt 1.775,3 tỷ đồng, tăng 17,3% so với sáng phiên trước.

Các giao dịch lớn nhất thị trường đều phản ánh một mức giảm giá nhất định: BHS đang dẫn đầu với 107,5 tỷ đồng giá trị, giá chốt dưới tham chiếu 1,43%. VNM đứng thứ hai với 98,1 tỷ, giá đánh mất hết mức tăng 2,14% đầu phiên. HPG thứ 3 với 75,1 tỷ đồng, giá từ tăng 2,45% còn 1,22%.