Chứng khoán sáng 26/11: BID tơi tả ngày hàng về
Phản ứng sớm của thị trường đối với việc BID chuẩn bị lưu hành một lượng cổ phiếu lớn?
Sáng nay hơn 607,5 triệu cổ phiếu BID phát hành thêm chính thức được giao dịch. Không mấy bất ngờ khi sức ép tăng vọt đẩy giá rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng.
BID phát hành thêm 607,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn cho cổ đông hiện hữu (270,6 triệu cổ) và để sáp nhập Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (336,9 triệu cổ). Lượng hàng mới này đã tạo sức ép về tâm lý rất lớn lên cung cầu bình thường.
BID đã rơi vào xu thế giảm ngắn hạn suốt 30 phiên vừa qua và mức điều chỉnh đã là gần 10%. Có thể đó là những phản ứng sớm của thị trường đối với việc BID chuẩn bị lưu hành một lượng cổ phiếu lớn. Tuy nhiên sáng nay, những tác động lên giá vẫn là rất mạnh.
Nhà đầu tư đã bán hạ giá cổ phiếu này ngay từ lúc mở cửa. Khoảng 295.000 cổ phiếu đổ ra bán, đè giá rơi xuống tận 21.400 đồng, tức là giảm luôn 5,31% so với tham chiếu. BID đã có những cố gắng phục hồi nhất định trong phiên, giá được đưa dần lên 21.700 đồng, nhưng vẫn là giảm 3,98% so với mức đóng cửa ngày hôm qua.
BID vọt lên vị trí thứ 6 về quy mô thanh khoản ở HSX, đạt trên 32,5 tỷ đồng giá trị với 1,5 triệu cổ phiếu được giao dịch. Mới sáng nay mà thanh khoản này đã là đột biến cao nhất kể từ giữa tháng 9.
BID sụt giảm là câu chuyện riêng ở cổ phiếu này, nhưng thực tế thị trường cho thấy, đúng vào thời điểm nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng suy yếu nói chung. Dĩ nhiên mức giảm ở các mã khác nhẹ hơn BID khá nhiều, nhưng tổng thể vẫn là một xu thế giảm.
VCB chốt phiên sáng giảm 0,22%, CTG giảm 1,02%, STB giảm 1,65%. Những mã ngân hàng lớn nhất tác động mạnh lên thị trường trong khi nhiều blue-chips khác cũng giảm, khiến HSX rơi vào trạng thái lình xình khá mệt mỏi, bất chấp một số cổ phiếu nóng vẫn đang “bốc hỏa”.
Nhóm trụ, GAS đã mất sạch động lực tăng, đang đứng tham chiếu và còn bị chặn bán giá này. PVD giảm 0,3%. VIC đang giảm 0,23% sau phiên cố gắng trụ ở tham chiếu ngày hôm qua. VNM, MSN vẫn đang bị chặn bán tham chiếu và chỉ không giảm nhờ yếu tố may mắn của các lệnh mua 10 cổ kỹ thuật.
Ngay cả nhóm chứng khoán lớn nói chung sáng nay cũng mất đà: SSI giảm 0,42%, KLS tăng 2,9%, SHS tăng 3,*% còn lại là tham chiếu.
Một số trụ nhỏ khác đang tăng tương đối tốt là BVH tăng 0,88%, KDC tăng 1,18%, GMD tăng 0,79%, HPG tăng 1,93% và REE tăng 1,18%.
Do các trụ mới này không lớn nên ảnh hưởng lên thị trường kém. VN-Index vẫn giảm 0,26% so với tham chiếu dù có 93 mã tăng/90 mã giảm. VN30 tăng có 0,02% ngay cả khi có 13 mã tăng/9 mã giảm. Rõ ràng là quy mô vốn hóa của nhóm giảm lớn hơn nhiều nhóm tăng giá.
Diễn biến của nhóm blue-chips không cản trở giao dịch sôi động ở một số cổ phiếu đầu cơ. Thực ra thị trường lình xình lại là điều kiện tốt để các mã nhỏ tăng mạnh. Nhiều mã đạt thanh khoản rất cao ở giá trần như KSA, JVC, BGM, PVX, KLF, PV2, SPI. Cả hai sàn sáng nay có 31 mã trần, nhưng số còn lại giao dịch rất kém về thanh khoản.
Sàn Hà Nội có nhiều cổ phiếu khá tốt và cũng do tập trung nhiều mã vơ]à và nhỏ hơn nên giao dịch có phần sôi động. HNX-Index đang tăng 0,38% với 89 mã tăng/67 mã giảm. HNX30 tăng 0,44% với 11 mã tăng/7 mã giảm. Rổ blue-chips sàn này không phải gánh mã nào lớn như VIC hay VCB, trong khi lại có PVS tăng 0,49%.
Tuy nhiên thanh khoản đã sụt giảm khá nhiều hôm nay, đặc biệt tại các blue-chips. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn chỉ đạt 1.276,2 tỷ đồng, giảm gần 7% so với sáng hôm qua. VN30 giảm thanh khoản tới 44%, chỉ đạt 374 tỷ đồng, mức kém nhất trong 15 phiên sáng trở lại đây.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm mua bất ngờ, mới giải ngân 33,3 tỷ đồng ở HSX, bằng một nửa sáng hôm qua. Duy nhất JVC được mua quá 5 tỷ đồng sáng nay, với gần 5,9 tỷ. Cổ phiếu đứng thứ hai là HNG chưa quá 4,9 tỷ đồng, những mã còn lại quá nhỏ.