Chứng khoán sáng 26/2: Ồ ạt thoát hàng ở OGC
Những rung lắc cực mạnh ở cổ phiếu OGC sáng nay đã thu hút hầu hết sự chú ý, nhất là khi thanh khoản sụt giảm mạnh
Những rung lắc cực mạnh ở cổ phiếu OGC sáng nay đã thu hút hầu hết sự chú ý, nhất là khi thanh khoản sụt giảm với sự thận trong cao của nhà đầu tư.
OGC đã trải qua 2 phiên kịch trần liên tục trước hôm nay và được tiết cung rất rõ ràng. Bước sang phiên sáng nay là lần kịch trần thứ 3. Liệu khi nào lượng cung bị ém lại sẽ bung ra?
Kiểu giao dịch ở những cổ phiếu đầu cơ mạo hiểm như OGC đã diễn ra nhiều trên thị trường và trước sau gì cũng sẽ có những ngày thanh khoản đột biến. Sáng nay là một ngày như vậy.
Điểm khác biệt ở OGC là những rắc rối đã dìm giá cổ phiếu này trong hành trình tìm đáy kéo dài gần 4 tháng, từ khoảng 14.000 đồng về dưới 5.000 đồng. Liên tục những cái bẫy được giăng ra suốt thời gian này làm kẹt không biết bao nhiêu tiền của nhà đầu cơ mạo hiểm. OGC cũng có vài lần được đẩy giá tiết cung, nhưng chưa bao giờ quá được 2,5 phiên.
Khi OGC kịch trần sáng nay thì đúng vào giới hạn 2,5 phiên và khối lượng hàng lớn bắt đầu tuôn ra. Trên 15 triệu cổ phiếu đã được bán ra, tương đương lượng tiền thu về gần 88,1 tỷ đồng. Phần lớn lượng này được bán ở giá kịch trần 5.900 đồng.
Nếu tình về lợi nhuận ngắn hạn, các giao dịch ở giá 5.000 đồng hoặc thấp hơn trong hai tuần gần đây đạt lợi nhuận khoảng 17%, quá tốt khi phải đối mặt với rủi ro lớn như ở OGC. Đặc biệt cơ hội thoát hàng rất thuận lợi khi OGC có đủ cầu cho lượng hàng lớn như vậy.
OGC có 7 phiên giao dịch tạo đáy ngắn hạn quanh mức 5.000 đồng và lượng tích lũy khoảng 20 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên ít nhất 14 phiên tạo đáy bất thành quanh giá 6.000 đồng hồi tháng 1 vừa qua cũng đang kẹt gần 70 triệu cổ phiếu. Vì thế những người bán ra hôm nay chắc chắn có cả những người cố gắng thoát khỏi vị thế thua lỗ và ức chế trong một thời gian dài.
Sức cầu ở OGC vẫn rất khỏe, sau khi hấp thu hết 15 triệu cổ phiếu bán ra sáng nay đã vẫn còn dư mua lớn. Lượng chặn mua trần còn 330.610 cổ phiếu nữa. Trong nhiều đợt phục hồi ở xu thế giảm của OGC, đây là lần có sức mua tốt và bền nhất.
Sức mạnh này một phần là nhờ kết quả kinh doanh bất ngờ lãi 307 tỷ đồng trong quý 4/2014 và cả năm lãi 387 tỷ đồng. Tuy nhiên OGC vẫn chưa có báo cáo thuyết minh chi tiết cũng như chưa có báo cáo hợp nhất để có thể nắm rõ nguồn gốc của các khoản lợi nhuận đột biến này là gì và có bền vững hay không.
Trong bối cảnh thanh khoản sụt giảm đáng kể sáng nay, OGC là điểm sáng giúp giá trị giao dịch ở mức tương đối tốt. HSX khớp lệnh thành công 721,1 tỷ đồng, giảm 28% so với sáng hôm qua. Riêng OGC đã đóng góp trên 12% lượng tiền này.
Sau phiên chốt lời mạnh chiều hôm qua, thị trường sáng nay vẫn có những rung lắc rất lớn. Khoảng 10h, cả hai sàn lại chìm trong sắc đỏ trước khi dòng tiền bắt đáy nhập cuộc tốt hơn và đẩy giá phục hồi.
VN-Index chốt phiên sáng đã tăng 0,45%, VN30-Index tăng 0,4%, HNX-Index tăng 0,25% và HNX30-Index tăng 0,27%.
Biến động của độ rộng hai sàn trong phiên cũng khẳng định chỉ số phục hồi phù hợp với biến động giá chứ không nhờ vào yếu tốt vốn hóa. HSX ghi nhận 104 mã tăng/74 mã giảm và HNX có 82 mã tăng/55 mã giảm.
Các cổ phiếu ngân hàng đã quay đầu tăng trở lại sau phiên xả lớn hôm qua: VCB tăng 2,36%, BID tăng 1,08%, CTG tăng 1,6%, MBB tăng 0,71%, STB tăng 0,52%. Ngoài ra một số cổ phiếu lớn khác cũng tăng như VNM tăng PVD tăng 0,87%, SSI tăng 1,11%, MSN tăng 0,58%, KDC tăng 0,64%, HAG tăng 0,89%, DPM tăng 0,32%...
Sàn Hà Nội chủ yếu dựa vào PVS tăng 1,13% và PGS tăng 1,11%. Các cổ phiếu khác tăng giá như vốn hóa nhỏ như DCS, KLF, SDT, trong khi các mã ngân hàng, chứng khoán và bất động sản lớn đứng yên.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn sáng nay giảm khoảng 30% so với sáng hôm qua, đạt 984 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài giảm mua đáng kể ở cả hai sàn, đặc biệt là HSX. Mới có hơn 90,8 tỷ đồng được mua vào tại sàn này, tập trung ở MWG, VCB, CII, HAG, VIC, MSN, CTG, HPG, SSI. 9 cổ phiếu này chiếm khoảng 69% lượng vốn khối ngoại giải ngân ở HSX.